Nguy cơ tứ phía
Trong khi số ca mắc Covid-19 tại Campuchia, Thái Lan tăng cao, diễn biến khó lường, dịch bệnh tại Trung Quốc chưa “hạ nhiệt”, thì Việt Nam lại sắp bước vào kỳ nghỉ 30/4-1/5, nên nguy cơ bùng phát dịch luôn hiện hữu.
Trong số các nguy cơ xảy ra làn sóng dịch thứ tư, tình trạng nhập cảnh trái phép từ các quốc gia láng giềng là đáng kể nhất và điều này được lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Y tế nhiều lần thừa nhận.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, từ đầu cuộc chiến chống dịch, chúng ta đã thiết lập 1.600 điểm kiểm soát với 10.000 cán bộ biên phòng cắm chốt để quản lý xuất nhập cảnh.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành y tế, do Việt Nam có đường biên giới trải dài, rộng nên việc quản lý xuất nhập cảnh đường biển hết sức khó khăn. Thời gian gần đây đã ghi nhận ca bệnh Covid-19 nhập cảnh trái phép qua đường biển vào Phú Quốc rồi về Hải Phòng, TP.HCM.
Việt Nam đang thận trọng nghiên cứu các biện pháp triển khai hộ chiếu vắc-xin để làm sao việc triển hai đạt kết quả và bảo đảm an toàn.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng
“Đây là trường hợp mà cơ quan chức năng kịp thời phát hiện. Với trường hợp nhập cảnh trái phép không phát hiện được có thể thành nguồn truyền nhiễm trong cộng đồng, nếu công tác kiểm soát không thực hiện chặt chẽ”, tư lệnh ngành y tế lo ngại.
Với một số địa phương có đường biên giới dài như Quảng Ninh, Lào Cai, Gia Lai, Đắk lắk, Tây Ninh… có nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở, điểm thông quan, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị nâng cao cảnh giác, ngăn chặn hiệu quả các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Một số chuyên gia trong ngành y tế nhận định, nếu chúng ta không kiên quyết trong việc truy vết các ca bệnh cũng như thực hiện không tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế về phòng, chống dịch và không cảnh giác trước những trường hợp nhập cảnh trái phép, thì Việt Nam hoàn toàn có thể hứng chịu làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo.
Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, Việt Nam đã ghi nhận một số bệnh nhân mắc Covid-19 nhập cảnh trái phép từ Campuchia. Vì vậy, nếu không quản lý tốt tình trạng này, nước ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng. “Thực tế cho thấy, nhiều nước dịch bùng phát là do nới lỏng kiểm soát. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục làm tốt việc quản lý người nhập cảnh”, ông Phu khuyến cáo.
Về nguy cơ dịch bệnh dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 khi người dân đi du lịch nhiều, ông Phu cho rằng, mở cửa để phát triển du lịch, kinh tế là cần thiết, nhưng phải phòng bệnh chu đáo; chính quyền nơi có các điểm du lịch, du khách và dân địa phương phải có ý thức phòng dịch cao.
Tổng lực chống dịch
Để phòng chống Covid-19 hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, bằng mọi giá phải ngăn chặn được tình trạng nhập cảnh trái phép ở tất cả các khu vực, con đường, xử lý nghiêm các sai phạm. Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng nếu để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép thì phải chịu trách nhiệm. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố phải tăng cường tuyên truyền cho người dân. Khi có người nhập cảnh trái phép, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để cách ly.
Từ phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc phòng, chống Covid-19 tại các vùng biên giới, đặc biệt là ở các chốt chặn. Ông cũng khuyến cáo người dân khi có nhu cầu về nước nên đi theo đường chính thống để được kiểm soát.
Với “điểm trọng yếu” trong công tác chống dịch Covid-19 là các bệnh viện, cơ sở y tế, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, các địa phương phải chuẩn bị kịch bản khi có dịch, trong đó nâng cấp cơ sở xét nghiệm để đáp ứng nhu cầu lấy mẫu xét nghiệm và chuẩn bị cho kịch bản cách ly trên diện rộng; chuẩn bị hậu cần cho cách ly; chuẩn bị công tác điều trị.
Về vấn đề hộ chiếu vắc-xin đang nhận được quan tâm của dư luận, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang làm việc với các cơ quan liên quan để đưa ra phương án triển khai, xây dựng các phương án, xem xét triển khai áp dụng với quốc gia nào, áp dụng đa phương, song phương hay đồng thuận giữa các nước, áp dụng với vắc-xin nào và cách đi lại ra sao.
Bước đầu Bộ Y tế thống nhất, những người được tiêm vắc-xin đủ theo khuyến cáo nhà sản xuất, nhà chuyên môn có thể được giảm thời gian cách ly, dự kiến thời gian cách ly là 7 ngày. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất, vẫn phải chờ quyết định của Bộ Y tế hoặc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19.
Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Việt Nam đang thận trọng nghiên cứu các biện pháp triển khai hộ chiếu vắc-xin để làm sao việc triển khai đạt kết quả và bảo đảm an toàn. Sở dĩ như vậy là do khi triển khai hộ chiếu vắc-xin, nếu chúng ta không quản lý chặt những trường hợp nhập cảnh hoặc để lọt ca bệnh, thì nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng là rất cao.
Đồng tình với quan điểm đó, PGS-TS Vũ Đình Thiểm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) nêu ý kiến, chúng ta có thể xem xét việc người tiêm vắc-xin đủ ngày, sau tiêm liều 2 từ 14 ngày trở ra mới được cấp hộ chiếu vắc-xin và cho nhập cảnh.