“Ngắm” BCTN của các DN lớn trên thế giới

(ĐTCK) Nhân sự kiện Bình chọn báo cáo thường niên (BCTN) tốt nhất năm 2011 của các DN niêm yết trên TTCK Việt Nam, hãy cùng “soi” BCTN của một số DN lớn trên thế giới, xem chúng có điểm gì giống và khác với BCTN của các DN Việt.
“Ngắm” BCTN của các DN lớn trên thế giới

Giống nhau về cơ bản

Trong thời đại internet phát triển như hiện nay, không khó để có thể tiếp cận được thông tin về một đối tượng nào đó, trừ khi (hoặc ngay cả khi) nó bị cố tình giấu giếm. Bởi vậy, chỉ sau vài thao tác trong chưa đầy 1 phút, tôi đã tải về được bản (vi tính) BCTN của một số DN lớn và nổi tiếng trên thế giới như HSBC, Berkshire Hathaway, Citigroup, IBM…

Lật giở sơ qua các bản BCTN này, dễ nhận ra ngay một vài khác biệt về mặt hình thức mà tôi sẽ nói ở phần sau. Nhưng khi dò đến phần mục lục để xem nội dung cơ bản của các BCTN này là gì thì thấy, giống đến 99% BCTN của các DN Việt. Chúng đều gồm các mục như: tóm tắt các chỉ tiêu kinh doanh, tài chính cơ bản; thư gửi cổ đông của lãnh đạo doanh nghiệp (thường là chủ tịch HĐQT); tầm nhìn chiến lược; báo cáo chi tiết hoạt động và tình hình tài chính; các báo cáo hoạt động của ban giám đốc, ban kiểm soát; thông tin cổ đông…

Không khó để hiểu tại sao lại như vậy. Đó là bởi, nội dung cơ bản của mỗi cuốn BCTN thường bao gồm các thông tin về DN bị bắt buộc và/hoặc được khuyến cáo công bố bởi các cơ quan quản lý, nhà đầu tư và các nhà chuyên môn… Theo quy luật phát triển và hội nhập, những nội dung cơ bản đó trong BCTN của các DN Việt Nam hiển nhiên giống với các BCTN của các DN nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển, nhất là khi Việt Nam là nền kinh tế đi sau, buộc phải học hỏi để có thể rút ngắn thời gian… bắt kịp.

Về sự giống nhau, người viết chỉ xin gác lại ngắn gọn như vậy và xin được “dài dòng” hơn ở những điểm khác nhau dưới đây.

 “Ngắm” BCTN của các DN lớn trên thế giới ảnh 1

Khác nhau bởi… cơ sở

Như đã đề cập, những khác biệt về hình thức là dễ nhận ra nhất. Đầu tiên là về dung lượng. Hầu hết BCTN của các DN lớn trên thế giới đều có số trang lên đến vài trăm, so với con số vài chục hoặc trên dưới 100 trang của các DN Việt Nam. Đúng thôi, bởi quy mô và độ phức tạp của các DN đó lớn hơn quá nhiều so với các DN Việt, nên cũng cần nhiều lời hơn để diễn tả các thông tin liên quan.

Kế đến, trong hầu hết BCTN của DN ngoại, có rất ít hình ảnh, chỉ rặt chữ với số và biểu đồ, rất khác so với BCTN của DN trong nước. Chẳng hạn, trong 440 trang BCTN năm 2011 của Tập đoàn HSBC, chỉ có đúng hai bức ảnh đen trắng khổ nhỏ là ảnh chân dung của Chủ tịch và Tổng giám đốc Tập đoàn, được in trong phần Báo cáo của Ban giám đốc. Còn trong hơn 100 trang BCTN cùng năm của Tập đoàn Berkshire Hathaway, không có bất kỳ hình ảnh nào, thậm chí không có cả ảnh chân dung của ngài chủ tịch nổi tiếng Warren E. Buffett. Đến trang bìa của bản báo cáo này cũng không có ảnh nốt, chỉ có tên Công ty màu trắng trên nền bìa bệt một màu đen.

Yếu tố hình thức được chú ý thể hiện nhiều nhất trong các BCTN DN ngoại, mà tôi có dịp “ngắm”, là sự sắp xếp các số liệu, sao cho dễ nhận ra, dễ đọc và dễ so sánh.

Không có điều kiện để hỏi các DN ngoại xem tại sao họ lại xây dựng BCTN như vậy, nhưng người viết trộm nghĩ, họ muốn tập trung phản ánh những gì mà các cổ đông, các nhà đầu tư quan tâm, tức “nội tình” của DN, tránh đưa vào các hình ảnh rườm rà, làm phân tán sự chú ý của người đọc. Vả lại, những hình ảnh về DN đã có ở vô số những tài liệu khác rồi, đưa thêm vào BCTN là không cần thiết, lại khiến dung lượng tin học của các báo cáo này tăng lên, gây bất tiện cho cổ đông, nhà đầu tư khi tải chúng về xem.

Về nội dung, như đã nói, cơ bản các hạng mục thông tin là giống nhau giữa các BCTN nội và ngoại. Sự khác biệt nằm ở mức độ chi tiết và rõ ràng của mỗi hạng mục thông tin đó (người viết không dám nhận xét về tính đầy đủ của các thông tin trong BCTN DN ngoại, bởi… biết thế nào là đủ).

Hầu như mọi thông tin trong BCTN của các DN ngoại đều được gắn với các số liệu, để dẫn chứng hoặc để mô tả. Các sự kiện, tình hình của DN đều được diễn đạt vừa bằng lời, vừa bằng số liệu. Số liệu dẫn chứng cho lời nói và lời nói giải thích cho số liệu. Tóm lại là để cổ đông, nhà đầu tư không chỉ biết mà còn hiểu được cặn kẽ từng thông tin. Về điều này, không có nhiều DN Việt Nam làm được.

Ngoài ra, dĩ nhiên, tùy vào lĩnh vực kinh doanh, quy mô và văn hóa hoạt động, quản trị của DN mình, mỗi ban lãnh đạo DN nói nhiều hơn về những đặc thù đó, nhằm truyền tải những thông điệp riêng. Điều này tạo nên một điểm khác nhau nữa, không chỉ giữa các BCTN ngoại và nội mà ngay giữa các BCTN ngoại với nhau. Đơn cử, BCTN 2011 của HSBC dành hẳn 120/440 trang để nói về các rủi ro và quản trị rủi ro. Trong khi, BCTN 2011 của Berkshire Hathaway được bắt đầu với 20/105 trang là Thư gửi cổ đông của Chủ tịch Warren E. Buffett.

Mọi thứ đều có nguyên nhân, sự khác biệt giữa các BCTN như trên cũng vậy. Nhưng người viết tin chắc rằng mình không thể hiểu biết đủ rộng và đủ sâu về những nguyên nhân của sự khác nhau này. Chỉ xin mạo muội trình bày một số ý sau.

Sự khác nhau giữa các BCTN nội và ngoại xuất phát từ sự khác nhau giữa các cơ sở pháp lý, môi trường kinh doanh; cơ sở thị trường, bao gồm các trung gian tài chính và các nhà đầu tư…

Thực vậy, về bản chất, BCTN chứa những thông tin về DN, mà những người thường xuyên nắm rõ chúng nhất, bao gồm ban lãnh đạo, ban điều hành DN - những người được trả thù lao cho việc triển khai ý chí của đại hội đồng cổ đông của DN về vận mệnh DN - phải phô bày cho các cổ đông của DN. Vì thế, thành phần thông tin và mức độ thông tin trong BCTN là do các cổ đông, chứ không phải ban lãnh đạo, điều hành DN, quyết định. Tuy nhiên, chức năng bản chất ấy của các BCTN chưa được phát huy đầy đủ trong một môi trường kinh doanh và pháp lý còn có những lỗ hổng của TTCK Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Như đã nói, đối tượng nhắm đến chủ yếu của các BCTN là cổ đông của DN và nhà đầu tư. Về điều này, giữa Việt Nam và các nước có TTCK phát triển hơn có sự khác biệt rất rõ rệt: nhà đầu tư ở Việt Nam hiện chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân, nghiệp dư, còn nhà đầu tư ở các TTCK phát triển phần lớn là các nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp.

Đối tượng - cơ sở nhà đầu tư khác nhau dẫn đến nhu cầu và yêu cầu đối với các BCTN là khác nhau. Ở TTCK Việt Nam, có rất nhiều nhà đầu tư không biết đọc các báo cáo tài chính. Vì thế, khi đọc BCTN, các NĐT này thường chỉ quan tâm đến những số liệu tổng hợp, những thông tin bề nổi của doanh nghiệp và với họ, hình thức của cuốn BCTN có thể mang lại ấn tượng quan trọng nào đó.

Ngược lại, bạn đọc của các BCTN ngoại, với chủ yếu là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, thường chú ý quan tâm nhiều hơn đến tính chính xác, chi tiết, đầy đủ và hợp lý của các thông tin trong BCTN. Hình thức đáng quan tâm nhất, đối với họ, là cách trình bày thông tin khoa học, dễ đọc. Thông điệp của ban lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp là quan trọng, song phải thực tế và hợp lý, nói có sách, mách có chứng.

Phía cung cấp các BCTN, tức ban lãnh đạo, điều hành DN cũng có sự khác nhau, cả về ý thức trách nhiệm lẫn phong cách, thái độ thực hiện. Ban lãnh đạo, điều hành DN hiểu hơn ai hết về tình hình của DN, nên nội dung trong BCTN của DN gồm những gì, được trình bày thế nào là tùy vào họ, trên cơ sở yêu cầu của pháp luật, của nhà quản lý và cổ đông, theo thông lệ, ý muốn chủ quan và kinh nghiệm thực hiện BCTN. Nếu khách thể của các BCTN và nhà quản lý ít đặt ra các yêu cầu cụ thể, chi tiết đối với BCTN thì nội dung của chúng càng tùy thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của lãnh đạo DN.

Có lẽ, theo thời gian và trước yêu cầu của các quy luật kinh tế, hành lang pháp lý, nhà đầu tư và lãnh đạo các DN Việt Nam sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn. Khi đó, BCTN của các DN Việt sẽ giống BCTN của các DN lớn trên thế giới nhiều hơn.

“Ngắm” BCTN của các DN lớn trên thế giới ảnh 2

Ấn tượng

 

Chủ tịch Warren E. Buffett của Tập đoàn Berkshire Hathaway, một tập đoàn chuyên về đầu tư tài chính và thực hiện M&A, đã bắt đầu thư gửi cổ đông trong BCTN 2011 bằng cách đề cập “ngay vào luôn” hai sai lầm của cá nhân mình. Đó là một “sai lầm lớn” (big mistake) và một “lỗi chết người” (dead wrong) - nguyên văn của Buffet. “Sai lầm lớn” là đã chi ra 2 tỷ USD để mua trái phiếu của một công ty thiết bị điện và “lỗi chết người” là đã chủ quan nhận định “thị trường nhà ở sẽ phục hồi trong vòng 1 năm”.

 

Thái độ và trí tuệ của Buffet đã trở thành một trong những tài sản lớn nhất của Berkshire Hathaway, là chỗ dựa niềm tin của các cổ đông.

 

Quang Huy
Quang Huy

Tin cùng chuyên mục