Nga trình dự luật về tài chính Hồi giáo

(ĐTCK) Các nhà lập pháp Nga đã trình lên Nghị viên nước này dự luật về tài chính Hồi giáo, nhằm thu hút thêm nguồn vốn chảy vào quốc gia, khi hiện nay nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với giá dầu sụt giảm và các lệnh trừng phạt từ phương Tây chưa biết khi nào mới được gỡ bỏ.
Nga trình dự luật về tài chính Hồi giáo

Tài chính Hồi giáo (Islamic finance), là một bộ phận khác của hệ thống tài chính thế giới, phục vụ cộng đồng những người theo đạo Hồi. Các tổ chức này hoạt động theo luật Sharia. Ngân hàng đầu tiên hoạt động theo luật Sharia (Islamic banking) chỉ mới xuất hiện năm 1963 tại Hy Lạp, ngày nay rất nhiều ngân hàng lớn như HSBC, Citigroup, UBS, Deutsche Bank, Standard Chartered... đều có các bộ phận hoạt động theo luật Hồi giáo.

Sự phát triển mạnh mẽ của Islamic finance bắt đầu sau sự kiện 11/09, đồng thời với việc xuất hiện những dòng tiền mạnh mẽ từ các nước thuộc khối Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) nhờ hưởng lợi từ giá dầu cao.

Trên thế giới hiện nay có hơn 250 tổ chức tài chính hoạt động, hoặc có các bộ phận hoạt động theo luật Sharia. Bên cạnh các quốc gia theo đạo Hồi tại Trung Đông, các quốc gia có số dân theo đạo Hồi lớn như Malaysia, Singapore, Anh cũng đang khuyến khích phát triển Islamic banking.

Dự thảo trên được gửi tới Hạ viện trong tuần này, với mục đích cho phép các ngân hàng tiến hành các hoạt động thương mại với các tổ chức tài chính Hồi giáo. Cho dù còn nhiều trở ngại, dự thảo này đã đi bước đầu tiên nhằm phát triển thương mại tại bộ phận tài chính đã phát triển gấp đôi tại vài nước vùng vịnh và các quốc gia Nam Á này, trong khi vẫn chưa hề có tiến triển gì tại Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng đang xem xét về việc mở rộng giao dịch tại khu vực tài chính Hồi giáo.

Dự luật này sẽ được Hạ viện xem xét 3 lần trước khi tiếp tục được trình lên Thượng viện và rồi được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký để chính thức có hiệu lực nếu được thông qua.

Ngân hàng phát triển Vnesheconomombank và ngân hàng VTB, vốn bị thiệt hại nặng bởi các lệnh cấm vận, hiện đang bắt đầu xây dựng bộ phận chuyên về tài chính Hồi giáo nhằm phát triển nguồn quỹ mới.

Giám đốc Hiệp hội hợp tác đầu tư khu vực của Liên bang Nga, ông Linar Yakupov cho biết: “Các lệnh cấm vận gần đây của phương Tây đã trở thành một chất xúc tác, thành lực đầy buộc các tổ chức phải phát triển tầm nhìn trong mối quan hệ giữa Nga và các quốc gia thuộc OIC (Tổ chức Hợp tác Hồi giáo)”.

Ông Yakupov cũng cho biết thêm, tài chính Hồi giáo có thể thu hút đầu tư nước ngoài và đồng thời huy động thêm nguồn tiền từ khoảng 20 triệu người Hồi giáo tại Nga.

Tuy nhiên, để dự thảo này trở thành luật chính thức cần mất khá nhiều thời gian, bởi tài chính Hồi giáo là một bộ phận có nhiều tính chất đặc biệt. Gíam đốc điều hành của LaRiba Finance, một công ty tài chính Hồi giáo tại Nga, Murad Aliskerov cho biết: “Về mặt lý thuyết và kỹ thuật thông thường thì chính phủ hoàn toàn có thể thông qua dự luật trên, nhưng vấn đề chủ yếu lại nằm ở chuyện chính trị”.

“Islamic banks có thể tạo nên những ảnh hưởng xã hội khổng lồ và hoàn toàn có thể thay thế cho các ngân hàng truyền thống”, ông cho biết thêm.

Trịnh Hằng (Theo The Moscow Times)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục