Hôm thứ Sáu (20/5), Tập đoàn cung cấp khí đốt thuộc sở hữu nhà nước của Phần Lan, Gasum cho biết trong một tuyên bố rằng, nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga sẽ bị dừng lại từ thứ Bảy (21/5).
“Vào chiều thứ Sáu ngày 20/5, Gazprom Export đã thông báo với Gasum rằng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Phần Lan theo hợp đồng cung cấp của Gasum sẽ bị cắt vào lúc 07:00 thứ Bảy, ngày 21/5/2022”, Gasum cho biết.
Giám đốc điều hành của Gasum, Mika Wiljanen cho biết rằng tập đoàn đã chuẩn bị cho tình huống này “và với điều kiện là mạng lưới truyền dẫn khí đốt sẽ không có gián đoạn, chúng tôi sẽ có thể cung cấp khí đốt cho tất cả khách hàng trong những tháng tới”.
“Gasum sẽ cung cấp khí đốt tự nhiên cho khách hàng từ các nguồn khác thông qua đường ống Balticconnector. Các trạm nạp khí của Gasum trong khu vực mạng lưới khí đốt sẽ tiếp tục hoạt động bình thường”, ông cho biết.
Động thái này diễn ra sau khi tập đoàn khí đốt nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga vào tháng 4 quyết định ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria sau khi cả hai nước này từ chối yêu cầu của Moscow về việc thanh toán nguồn cung cấp khí đốt bằng đồng rúp.
Các quốc gia châu Âu đang chia rẽ về cách xử lý yêu cầu của Moscow từ cuối tháng 3 rằng tất cả các khoản thanh toán cho nhiên liệu phải được thực hiện bằng đồng rúp. Hôm thứ Năm (19/5), Nga cho biết rằng khoảng một nửa số khách hàng nước ngoài của Gazprom PJSC đã tuân thủ yêu cầu và mở tài khoản bằng đồng rúp mà không nêu tên bất kỳ công ty nào.
Phần Lan xin gia nhập NATO
Mặc dù Gasum không đưa ra lý do gì cho động thái này, nhưng Phần Lan cũng được cho là đã từ chối thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Động thái này cũng diễn ra chỉ hai ngày sau khi Phần Lan chính thức xin gia nhập NATO. Nga đã cảnh báo sẽ trả đũa nếu quốc gia trung lập truyền thống này trở thành thành viên của liên minh quân sự phương Tây.
Sau đơn đăng ký gia nhập của Phần Lan cùng với Thụy Điển, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ đáp trả việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự ở Thụy Điển và Phần Lan nhưng cũng khẳng định Moscow "không có vấn đề gì" với các nước.
Mặt khác, tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển trong NATO vẫn chưa phải là một thỏa thuận đã hoàn tất vì bất kỳ quyết định nào về việc mở rộng quy mô đều cần sự chấp thuận của tất cả 30 thành viên của liên minh và quốc hội của các nước, bên cạnh đó Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phản đối.