Nga “quốc hữu hóa” người giàu

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh yêu cầu các quan chức cao cấp và cán bộ công nhân viên nhà nước phải rút về tất cả tài sản ở nước ngoài trong vòng 3 tháng tới, nếu không sẽ bị sa thải.

Theo một sắc lệnh vừa được ông Putin ký ngày 2/4, hàng ngàn công nhân viên chức nhà nước phải kê khai thu nhập và tài sản của mình trước hạn chót ngày 1/7.

“Không có ai được ở trên luật pháp. Bất kỳ ai bị phát hiện sở hữu tài sản không được phép sẽ bị sa thải ngay lập tức” - theo Sergei Ivanov, Trưởng Văn phòng chính phủ của ông Putin. Sắc lệnh là động thái mới nhất của ông Putin để “lấy lại” sự giàu có của người Nga ở nước ngoài, một nhiệm vụ ông vạch ra từ tháng 12/2012 trong một cuộc họp chính sách quan trọng.

Theo nhiều nhà hoạch định chính sách, mục tiêu của Putin không chỉ dừng lại ở việc chống tham nhũng ở các quan chức cấp cao, mà còn giúp các thành viên bộ máy ít bị ảnh hưởng bởi các nhân tố nước ngoài hơn. “Đây là một cuộc quốc hữu hóa những nhân vật thượng lưu” - theo Konstantin Kostin, cựu Phó Giám đốc chính sách đối nội của Điện Kremlin, nay là Chủ tịch Công ty nghiên cứu FDCS.

“Trong một thời gian dài, nhiều người thuộc lớp thượng lưu xem Nga như một bãi săn, họ kiếm tiền ở đây và đem chúng ra nước ngoài để sống. Vấn đề này không thể điều chỉnh bằng 1 điều luật, nhưng phải cần nỗ lực chính trị và sự đồng thuận của xã hội”.

Trong cuộc họp hồi tháng 12, ông Putin nói: “Trách nhiệm với đất nước không thể hiện qua các câu khẩu hiệu hay bài phát biểu, mà phải bằng việc làm cụ thể để nhân dân thấy rằng chính phủ là minh bạch”. Vào lúc đó, phát biểu của ông đã nhận được nhiều tràng pháo tay vang dội từ cấp dưới, nhưng giới quan sát tin rằng việc triển khai sẽ không hề dễ dàng.

Nga từ lâu bị chảy máu tài sản do nhiều người giàu gửi tiền ra nước ngoài.

 

“Tệ quan liêu tham nhũng có rất nhiều cách thức để bảo vệ mình” - theo Kirill Kabanov, Giám đốc Ủy ban Chống Tham nhũng quốc gia. 2 văn bản pháp lý dựa trên đề xuất của ông Putin đã bị chặn lại ở Duma (Hạ viện).

Hồi tháng 12/2012, các trợ tá đã trình một dự luật dựa trên các khuyến nghị của Tổng thống Putin, nhưng đã bị “ngâm” ở Quốc hội, mãi đến khi đích thân ông Putin trình một dự luật sửa đổi vào tháng 2 nó mới có tiến triển. Dự luật của ông Putin đã qua vòng thứ nhất trong 3 vòng đọc/nghiên cứu tại quốc hội, nhưng từ đó đến nay vòng thứ hai và thứ ba chưa được lên kế hoạch, tức nó có thể bị phớt lờ.

Vì vậy, sự ra đời sắc lệnh mới nhất của ông Putin được xem là một cách thể hiện quyết tâm chính trị của Tổng thống để tạo tiền đề cho việc ra đời một đạo luật mới trong công cuộc chống tham nhũng. Nga đứng thứ 133/174 nước trong danh sách xếp hạng minh bạch của Tổ chức Minh bạch quốc tế năm 2012.

“Đạo luật kiểm soát tài sản ở nước ngoài sẽ được thông qua, nhưng không đúng thời gian dự định. Các quan chức cấp cao cần những dấu hiệu cho thấy quyết tâm của Tổng thống”  - ông Kabanov nói.

Theo ông Kabanov, sắc lệnh cũng nhắm đến việc áp những quy định tương tự đối với các lãnh đạo cấp cao của những doanh nghiệp nhà nước, điều chưa có trong dự luật đề xuất hiện nay của ông Putin.

Ksenia Sorokina, biên tập viên tạp chí Snob ở Nga, nói: “Có một công thức chung cho các công chức nhà nước ở Nga: Gửi tiền ra nước ngoài, cho gia đình đến sống ở đó và khi bạn về hưu, bạn cũng sang đó với họ. Sắc lệnh mới sẽ khiến thế hệ lãnh đạo mới phải thay đổi công thức này”.

Tuy nhiên, sắc lệnh vẫn còn những lỗ hổng. Thí dụ, lợi nhuận của những công ty do người thân của các quan chức đứng tên không cần phải kê khai. Sắc lệnh cấm công chức Nga nắm giữ, sở hữu tài khoản ngân hàng, cổ phiếu hoặc các tài sản tài chính ở nước ngoài, nhưng cho phép mở tài khoản qua chi nhánh ở nước ngoài của các ngân hàng Nga.


Sài Gòn Đầu tư

Tin cùng chuyên mục