Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong tháng 9/2024 các công ty châu Âu đã mua khí đốt trị giá 1,4 tỷ euro (1,47 tỷ USD) từ Nga. Khoảng 40% nguồn cung là khí tự nhiên hóa lỏng và 60% là khí đốt qua đường ống.
Khối lượng tăng vọt này cho phép Nga trở thành nhà cung cấp “nhiên liệu xanh” chính cho EU trong tháng 9/2024 với thị phần 23,74% so với 16,54% trong tháng 8/2024. Lần cuối Nga giữ vị trí này là từ tháng 5/2022, khi nhập khẩu từ Nga chiếm 22,9%.
Algeria là nước đã để mất vị trí dẫn đầu vào tay Nga. Nhập khẩu từ nước này giảm 15% so với tháng trước, xuống còn 1,1 tỷ euro. Còn Mỹ tăng doanh số xuất khẩu thêm 21% lên 990,2 triệu euro, và từ vị trí thứ năm tiến lên vị trí thứ ba.
Na Uy vẫn đứng thứ tư, với khối lượng vận chuyển tăng 7% (lên 975 triệu euro). Nhưng Vương quốc Anh, một trong ba nước bán khí đốt chính vào EU trong tháng 8/2024, đã giảm nguồn cung 2,4 lần và đứng thứ năm với 429,2 triệu euro.
Trước đó, các phương tiện truyền thông đưa tin Pháp đã nhập khẩu khối lượng kỷ lục khí tự nhiên hóa lỏng của Nga trong năm nay. Nước này đã mua khí tự nhiên hóa lỏng từ Nga nhiều nhất kể từ khi bắt đầu nhập vào năm 2018.
Các nước EU, trong kế hoạch REPowerEU công bố vào mùa Xuân năm 2022, đã đặt mục tiêu loại bỏ dần khí đốt qua đường ống của Nga vào năm 2027 - 2028. Các bộ trưởng năng lượng của các nước G7 cũng nhất trí giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga nhờ tiết kiệm năng lượng và giảm nhu cầu khí đốt.
Kể từ đó, cơ cấu nhập khẩu khí đốt của Nga đã có những thay đổi nhỏ: tỷ trọng khí tự nhiên hóa lỏng tăng từ khoảng 1/3 lên 40% và khí đốt qua đường ống giảm từ 70 xuống 60%. Khí đốt của Nga xuất khẩu qua đường ống sang EU hiện chỉ được thực hiện dọc theo hai tuyến - nhánh thứ hai của Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ và quá cảnh qua lãnh thổ Ukraine.