Đây là những thay đổi quan trọng tại Nghị định thư sửa đổi về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ tại Việt Nam vừa được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin V.Vnukov ký chiều 27/12.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất ôtô của Nga gồm Kamaz, Gaz, Uaz... sẽ lập công ty liên doanh với đối tác Việt Nam để sản xuất, lắp ráp ôtô tải, xe từ 10 chỗ trở lên, xe địa hình và một số loại xe chuyên dụng tại Việt Nam.
Các liên doanh này cũng phải tuân thủ quy định của Chính phủ Việt Nam về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô tại Nghị định 116 có hiệu lực từ 1/1/2018 và các văn bản có liên quan khác.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ hai nước đã thống nhất đồng ý lùi thời gian sử dụng hạn ngạch thuế quan để miễn thuế nhập khẩu các phương tiện vận tải nguyên chiếc và bộ linh kiện bắt đầu từ đầu năm 2018. Đây là một trong những điều kiện giúp các liên doanh ôtô này có thể sử dụng công nghệ và trình độ chuyên môn kỹ thuật của các nhà sản xuất có kinh nghiệm lâu năm của Nga.
Nghị định thư sửa đổi nêu rõ, từ năm 2018 Việt Nam sẽ cho phép các liên doanh được nhập khẩu miễn thuế 2.550 xe nguyên chiếc và 13.500 bộ phụ tùng lắp ráp ôtô trong giai đoạn từ 2018 đến 2022 để bán thăm dò dung lượng và thị hiếu của thị trường.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, 11 tháng năm 2017 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Nga - Việt Nam đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ 2016. Con số này được đánh giá còn khiêm tốn so với mục tiêu 10 tỷ USD năm 2020.