Nở rộ NFT
Bộ sưu tập Tuniver NFT “Don’t Break My Heart” của ca sỹ BinZ (Lê Nguyễn Trung Đan) - bộ sưu tập NFT âm nhạc đầu tiên của nghệ sĩ Việt Nam vừa được phát hành trên sàn giao dịch Binance NFT, với 4 định dạng Platinum, Gold, Silver và Bronze. Được mã hóa nhờ công nghệ chuỗi khối (blockchain) và hợp đồng kỹ thuật số (smart contract) của nền tảng Tuniver, mỗi định dạng sẽ tương ứng một tỷ lệ chia sẻ doanh thu bản quyền nhạc số nhất định của “Don’t Break My Heart” cùng những đặc quyền khác nhau dành riêng cho người hâm mộ. NFT của BinZ có giá bán 99 USD.
Hiện 3 rapper hàng đầu Việt Nam là LK, Datmaniac và B Ray cũng có những động thái rục rịch tham gia thế giới blockchain. Ngoài ra, nhiều tên tuổi lớn khác của làng nhạc Việt đã có những đàm phán, hợp tác để phát hành NFT trong thời gian tới.
Năm 2021, đã nở rộ làn sóng NFT tại Việt Nam. Trong lĩnh vực hội họa, bức tranh NFT đầu tay “Hoa mai may mắn” của Xèo Chu được đấu giá thành công trên Sàn giao dịch Binance NFT với giá quy đổi gần 23.000 USD. Trước họa sĩ nhí này, Việt Nam từng có 2 nghệ sĩ tham gia triển lãm tranh trên sàn Binance NFT là Phong Lương và Tú Na, lần lượt thu về gần 7.000 USD và hơn 31.000 USD.
Tài sản NFT còn mở rộng sang lĩnh vực khác. Trong cơn sốt lan đột biến đầu năm 2021, hơn 100 NFT lan đã được rao bán trên sàn Opensea, như lan Ngọc Sơn Cước có giá 10.000 USD/cây, lan Cờ Đỏ 12.500 USD/cây, dòng lan Phú Thọ có giá thị trường 100 USD/cây, lan HO giá 250 USD/cây…
Trong lĩnh vực du lịch, Crystal Bay và Beowulf Blockchain liên doanh xây dựng nền tảng giao dịch trực tuyến NFT cho dịch vụ lưu trú khách sạn và các sản phẩm du lịch khác với tên gọi là Crystabaya. Đây là NFT đầu tiên trong ngành du lịch và khách sạn…
Nhưng bùng nổ nhất là NFT trong lĩnh vực game blockchain khi Axie Infinity của Nguyễn Thành Trung bán lô đất kỹ thuật số trên nền tảng này với giá 550 ETH (tương đương hơn 2,3 triệu USD). Nối tiếp làn sóng này là các game NFT đình đám như Sipher, HeroVerse, Space, DotArcade, Bemil… Game NFT được xây dựng và phát triển trên nền tảng công nghệ blockchain có token hóa tài sản trong game, cho phép người chơi thu thập các vật phẩm dưới dạng NFT để giao dịch mua bán…
Trang công nghệ techcollectivesea dự báo, các quỹ đầu tư mạo hiểm đang đổ mạnh tiền vào blockchain. Xu hướng tại Việt Nam cho thấy, các thương vụ và đầu tư blockchain sẽ vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2022. Việt Nam được đánh giá là thị trường NFT blockchain tiềm năng lớn của thế giới.
“Vùng xám” pháp lý
Có thể thấy, NFT đã và đang “bùng nổ” trên thế giới và tại Việt Nam như một phần của nền kinh tế kỹ thuật số. NFT hiện được ứng dụng đa dạng trong nhiều lĩnh vực giải trí, thời trang, sản xuất công nghiệp, bán lẻ…
Theo dữ liệu từ Chainalysis, khoảng 44 tỷ USD giá trị tiền điện tử đã được gửi đến các hợp đồng thông minh trên chuỗi khối Ethereum gắn với NFT trong năm 2021, tăng mạnh so với mức 106 triệu USD của năm 2020.
Tuy nhiên, hiện NFT chưa được chấp nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới, bởi chúng giao dịch trên hệ thống blockchain. Thị trường NFT khó kiểm soát và có nhiều rủi ro từ việc không có cơ quan quản lý. Các tài sản NFT đang được định giá chỉ dựa vào niềm tin mà chưa có cơ chế phù hợp; những kẽ hở về bản quyền cùng với cơn sốt NFT như “bong bóng”… đang là vấn đề gây tranh cãi trên toàn thế giới.
Bà Nguyễn Lan Phương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông ví von rằng, NFT đang rơi vào “vùng xám” khiến cả người kinh doanh và người chơi có thể gặp rủi ro pháp lý bất cứ lúc nào. Do đó, vấn đề công nhận hay không công nhận các sản phẩm mã hóa như vật phẩm NFT, tiền mã hóa là tài sản hợp pháp rất quan trọng.
“Nếu tiến tới công nhận các sản phẩm mã hóa này là tài sản thì vấn đề đặt ra tiếp theo là chúng sẽ thuộc loại tài sản nào trong 4 loại tài sản theo Bộ luật Dân sự hiện hành là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản, hay được coi là một loại tài sản mới? Dù có thể còn nhiều câu hỏi pháp lý nữa quanh vấn đề này, nhưng Nhà nước vẫn cần sớm đưa ra quan điểm rõ ràng để đảm bảo lợi ích của cả chính quyền và người dân, thay vì bỏ ngỏ như hiện nay”, bà Phương nêu quan điểm.
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, NFT hay vật phẩm ảo không phải là vật, chắc chắn không phải là tiền, cũng không phải là giấy tờ có giá. “Tôi quan điểm nó sẽ nằm trong loại tài sản thứ tư là quyền tài sản. Tuy nhiên, hiện các bộ, ngành chưa thống nhất quan điểm. Nếu công nhận tiền mã hóa, NFT…, phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều luật và văn bản pháp luật từ dân sự, đầu tư, kinh doanh, giao dịch điện tử, ngân hàng, tới phòng chống rửa tiền…”, ông Đức nói.
Ở góc độ người trong cuộc, ông Nguyễn Thành Trung, CEO Sky Mavis cho rằng, nếu Việt Nam xây dựng những quy định và luật lệ trong đầu tư và giao dịch tiền điện tử, thì các nhà đầu tư sẽ có một tấm khiên để bảo vệ mình trong không gian tiền điện tử. Chính sách về thuế và luật sở hữu tài sản là điều cần được ưu tiên và hoàn thiện sớm.
“NFT, blockchain giúp chuyển dịch từ tài sản hiện hữu sang tài sản điện tử. Đây là loại tài sản mới mang đến nhiều lợi ích về giao dịch, mua bán, luân chuyển giá trị. Điều này đỏi hòi thách thức về khung pháp lý để quản lý, hỗ trợ các loại hình kinh doanh hoàn toàn mới như vậy”, ông Trung đề xuất.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ), Bộ sẽ ưu tiên triển khai chính sách thí điểm cho một vài doanh nghiệp thực hiện dự án blockchain khả thi, mang lại lợi ích rõ nét cho xã hội. Ngoài lĩnh vực tiền số và tài sản số mà Việt Nam vẫn đang thận trọng “dò đá qua sông”, các lĩnh vực khác được khuyến khích như truy xuất nguồn gốc, logistics…