Newton cũng… không đo được chứng khoán
Vừa mua cổ phiếu 2 hôm trước, vẫn chưa kịp về tài khoản thì giá đã giảm trên 10%. Một nhà đầu tư khoảng 50 tuổi đã dẫn sự mất mát của mình để đặt câu hỏi, TTCK đang chuyển động kiểu gì? Cũng theo nhà đầu tư này thì ông không hiểu TTCK Việt Nam đang đắt hay rẻ, bởi nhiều mã cổ phiếu như GAS, VNM, VIC…, có chỉ số P/E rất cao (cả trăm lần), nhưng nhiều chuyên gia vẫn khuyên mua vào? Trong khi đó, cũng các chuyên gia lại đưa ra những so sánh rằng, TTCK nước ngoài như Thái Lan, Singapore…có P/E chỉ dao động khoảng 18-20 lần và như vậy là… rẻ hơn Việt Nam?
Một số nhà đầu tư khác thắc mắc về hiện tượng cổ phiếu PVX, rằng hiện trạng DN rất xấu (thua lỗ lớn, một số công ty con sắp phá sản), nhưng sao nhiều nhà đầu tư rất ưa thích cổ phiếu này? Bản thân PVX trước và sau thời điểm công bố con số lỗ nghìn tỷ của năm 2013, thị giá đã biến động rất mạnh. Với mức giao dịch lớn (hàng triệu cổ phiếu/phiên), các con sóng giá của PVX đã mang lại khoản lãi/lỗ không nhỏ cho nhiều đối tượng đầu tư.
Không phải hôm nay, rất nhiều lần chứng khoán tăng giảm bất ngờ và việc đi tìm lý do vì sao thị trường biến động là “chuyện thường ngày” với nhà đầu tư. Theo Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu MBS Trịnh Xuân Sơn, riêng thông tin về việc nới tỷ lệ đầu tư tối đa cho nhà đầu tư ngoại trên TTCK được “xào đi xào lại” đã tạo nên vài ba con sóng giá chứng khoán. Bước sang tháng 3, thị trường tiếp nhận thông tin về khả năng nới room không quá gần và không “nóng sốt” như cảm nhận của nhà đầu tư, là một trong những nhân tố khiến thị trường bình tâm trở lại sau chuỗi ngày tăng nóng trước đó.
Trước sự xuống giá đột ngột của TTCK Việt Nam, còn có ý kiến cho rằng, có thể do bất ổn chính trị tại… Ukraine. Trước đó, TTCK Việt Nam từng chao đảo với thông tin FED cắt giảm gói QE3, rồi lại phục hồi cũng chính bởi cách chuyên gia bình luận về gói cắt giảm này. Mới đây, thông tin về khả năng có thêm 100.000 tỷ đồng gói hỗ trợ lãi suất xuất hiện khiến TTCK “giật cục” trong vài phiên giao dịch.
Nhà đầu tư ngoài việc quan sát bảng điện tử và danh mục đầu tư của mình, đã luôn phải căng tai, căng mắt quan sát thông tin, bởi trong nhiều trường hợp, đó lại là nhân tố quyết định đến đường đi của chứng khoán, chứ không phải sức khỏe của các DN.
Chia sẻ với nhà đầu tư, ông Sơn cho rằng, khác với một hàng hóa thông thường, mua bán cổ phiếu là mua bán tư duy, sự dao động giá trong ngắn hạn không phụ thuộc vào DN, mà vào tâm lý. Có những cổ phiếu như PVX, 100% nhà đầu tư nhận thấy hiện trạng DN là xấu, nhưng phân tích kỹ thuật có giai đoạn cho thấy tín hiệu đáng mua.
“Rất nhiều người có suy nghĩ mình khôn hơn thị trường, nên họ sẽ mua những cổ phiếu thị trường và không cần quan tâm đến hiện trạng DN. Họ mua theo cảm nhận, cổ phiếu đó có thể lên giá 10, nhưng mình sẽ thoát ra trước ở giá 9”, ông Sơn nói.
Ở chiều ngược lại, những cổ phiếu đã tăng giá mạnh mẽ và được định giá ở mức cao, thậm chí P/E cả trăm lần, như GAS, vẫn có người mua vào vì họ tin triển vọng 3 năm, 5 năm của DN. Thị trường đầy ắp bất ngờ, mà nói vui như ông Sơn là “Newton có thể đo được lực chuyển động của thế giới, nhưng không thể đo được đường đi của chứng khoán”. “Nếu nhà đầu tư chọn được cổ phiếu có nền tảng tốt, rủi ro sẽ thấp hơn, còn chơi với cổ phiếu nóng, cổ phiếu đầu cơ, nguy cơ rủi ro cao, mất vốn là hiện hữu”, ông Sơn nói.
Năm 2014, đầu tư chứng khoán lỗ khó hơn lãi
Khảo sát nhanh bao nhiêu người dự báo TTCK sẽ giảm sâu năm nay, đã không một nhà đầu tư nào tin vào khả năng này trong số 100 người dự hội thảo tại MBS. Khoảng 30% nhà đầu tư tin rằng, TTCK năm nay sẽ tăng mạnh, còn lại tin vào quan điểm của chuyên gia là TTCK sẽ chuyển động theo xu hướng tăng, với điểm cân bằng động năm 2014 của VN-Index là 655 điểm, thấp nhất là 530 điểm và cao nhất có thể đến 735 điểm.
Có nhiều yếu tố lý giải cho dự báo này. Bên cạnh sự phục hồi của các nền kinh tế lớn thế giới, thì nền kinh tế Việt Nam năm 2014 nhiều khả năng sẽ đạt được các chỉ tiêu vĩ mô theo kế hoạch. Theo đó, GDP năm nay có thể tăng 5,8-6%, lạm phát được kiềm chế, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, để tiếp sức cho các DN. Năm 2013, VN-Index đã tăng khoảng 23% trên nền tảng các DN niêm yết có tổng lợi nhuận tăng trưởng 24,9% so với năm trước đó. Năm 2014, khả năng VN-Index cũng sẽ đạt mức tăng trưởng này, nếu tăng trưởng lợi nhuận của DN niêm yết từ 23-25%.