Newsweek "chết" vì ai?

Trong nửa đầu năm 2012 tại Mỹ, số độc giả đặt mua tạp chí dài hạn tăng 1,1%. Doanh thu từ quảng cáo của nhóm tạp chí tăng 2,6%. Trong 9 tháng đầu năm, cả nước Mỹ có 181 tờ tạp chí mới ra đời và chỉ có 1/3 đã phải đóng cửa… Cho nên đừng ai nói Newsweek dừng xuất bản là do lỗi của ngành công nghiệp báo chí.
Newsweek "chết" vì ai?

Cách đây vài ngày, tạp chí Newsweek, một trong những tờ tạp chí uy tín và lớn nhất của Mỹ với 80 năm tuổi đời đã chính thức ra mắt ấn bản cuối cùng dưới dạng báo in. đây quả thực là một tin buồn đối với ngành công nghiệp báo chí Mỹ và thế giới. Theo thói quen mới phát sinh trong vài năm trở lại đây, người ta đổ lỗi cho sự suy thoái của ngành công nghiệp này. Nhưng sự thật chưa hẳn đã như vậy, ít nhất là với Newsweek.

Các thống kê gần đây của hãng nghiên cứu eMarketer cho thấy, tổng doanh thu quảng cáo trong năm 2012 của các tạp chí Mỹ đã tăng 2,6%, đạt 18,3 tỷ USD. Đây là mức tăng thứ 3 trong vòng 3 năm qua mặc dù chủ yếu tăng ở mảng các phiên bản điện tử còn doanh thu của bản in thì gần như không thay đổi.

 

 

Theo báo cáo của ủy ban kiểm toán phát hành báo chí Mỹ, trong nửa đầu năm 2012, lượng độc giả đăng ký mua tạp chí dài hạn tăng 1,1%. Mặc dù lượng phát hành chia đều theo đầu báo giảm 9,6% nhưng xét trên tổng các bản in, lượng phát hành của toàn ngành không thay đổi so với năm ngoái.

Chưa hết, vẫn có những tín hiệu ấm áp dành cho ngành công nghiệp tạp chí Mỹ khi trong vòng 9 tháng đầu năm nay, cả nước này có 181 tờ tạp chí mới ra đời và chỉ có khoảng 1/3 (61) đã phải đóng cửa, theo MediaFinder.com.

Bằng nhiều công cụ đo đạc khác nhau có thể thấy lĩnh vực tạp chí Mỹ vẫn đang khá ổn định nên việc Newsweek đình bản buộc 1,4 triệu độc giả thường xuyên của họ hàng tuần phải check email để đọc báo cho thấy vấn đề lớn nhất của tờ tạp chí này là cách thức họ kết nối với độc giả của mình.

Nhưng theo Samir Husni, giám đốc trung tâm sáng tạo tạp chí của trường ĐH Báo chí Mississippi, người giết chết Newsweek chính là bà Tổng biên tập Tina Brown, người tiếp quản tờ tạp chí này và đã sáp nhập nó với trang tin The Daily Beast của mình từ cách đây 2 năm.

"Tina Brown đã đưa Newsweek đi lạc đường", Husni nói, "Newsweek không chết. Newsweek chỉ đang tự tử mà thôi".

Một đối tác quảng cáo của tạp chí đã nói bà Tina Brown không chăm sóc nội dung tạp chí mà chỉ gây sốc bằng các ảnh bìa khiến các nhà quảng cáo “mất niềm tin”.

Dưới trào của bà Tina Brown, trang bìa Newsweek từng đăng hình minh họa Tổng thống Barrack Obama và giật tít… “liệu có tổng thống gay (đồng tính) đầu tiên hay không”. Một trang bìa khác vào tháng 7-2011 gây tranh cãi dữ dội khi phác họa giả tưởng hình công nương Diana ở tuổi 50. Có trang bìa khác khiến người Hồi giáo giận dữ.

Thực sự đúng là mọi vấn đề bắt nguồn từ khi bà Brown nắm quyền kiểm soát tờ tạp chí này. Lượng xuất bản của Newsweek tụt từ 3,1 triệu bản trong năm 2007 xuống còn 1,8 triệu bản trong năm 2010 khi mà công ty The Washington Post quyết định bán nó lại cho hãng sản xuất thiết bị âm thanh Sidney Harman với giá chỉ…1 USD. Sau đó, Harman đã đưa Newsweek vào liên doanh với hãng truyền thông IAC/InterActiveCorp – hãng đang sở hữu website tin tức The Daily Beast với nỗ lực nhằm ngăn chặn đà lỗ của tạp chí và mở rộng nhóm độc giả trực tuyến.

Tổng lượng phát hành của ngành công nghiệp báo chí trong năm 2012 dự kiến giảm khoảng 1,5 triệu bản, chưa bằng một nửa so với mức sụt giảm của 5 năm trước đây, kể cả khi đã tính thêm 29.000 bản điện tử. Trong số này, lượng phát hành của tạp chí Time – đối thủ chính của Newsweek cũng giảm từ mức khoảng 4 triệu bản (năm 2006) xuống còn 3,3 triệu bản, tương đương mức giảm khoảng 19%.

Dẫu vậy cũng phải thừa nhận một điều là các thể loại báo chí in đang phải đối mặt với sự thách thức rất mạnh mẽ từ các nguồn tin miễn phí trên Internet. Và Newsweek không phải là trường hợp đầu tiên phải từ bỏ báo in. Trước đó, tờ báo danh tiếng US News & World Report cũng đã phải chuyển sang phát hành hoàn toàn qua môi trường web ngoại trừ một số ấn bản đặc biệt mới được phát hành ở dạng báo in. Hồi tháng 6 vừa qua, tờ SmartMoney cũng đã có một công bố tương tự.

 

Chỉ trong khoảng 1 năm, The Economist đã tăng gấp đôi lượng phát hành.

 

Có điều không phải “ai” cũng có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh bởi bên cạnh những trường hợp “đáng tiếc” kể trên thì vẫn có không ít những trường hợp thành công với lượng phát hành tăng vọt. Điển hình nhất là tờ The Economist. Cách đây chừng một năm, tờ tạp chí này chỉ bán được khoảng 844.000 bản mỗi kỳ phát hành nhưng hiện nay con số này đã là hơn 1,6 triệu bản, tăng gấp đôi.

Không giống như bước đi táo bạo của Newsweek, nhiều ấn phẩm vẫn duy trì các sản phẩm in ấn như trụ cột chính của kinh doanh của họ bên cạnh thực hiện các biện pháp làm thêm các ấn bản định dạng kỹ thuật số.

Paul Canetti, người sáng lập và giám đốc điều hành của MAZ, một công ty giúp các tạp chí xuất bản phiên bản kỹ thuật số, cho biết ông đã nói với các khách hàng tiềm năng rằng hãy "nhúng ngón chân của họ" vào ngành xuất bản kỹ thuật số và "lội đi theo nhu cầu của thị trường".

Ông Canetti lưu ý chỉ có khoảng 1/4 người Mỹ có máy tính bảng riêng để đọc các tạp chí trực tuyến và nhận xét: "Có lẽ những gì họ đang thật sự đối mặt là vấn đề kết nối với bạn đọc chứ không phải là vấn đề đối đầu giữa bản in ấn và bản kỹ thuật số".

Có điều, với những trường hợp “bệnh nặng” như Newsweek thì số hóa là giải pháp được cho là rất đúng đắn, ít ra là về mặt cân đối giữa chi phí và doanh thu quảng cáo. Xu hướng chung của toàn thế giới hiện nay là ưa thích hình thức quảng cáo trực tuyến bởi nó khiến cho các nhà quảng cáo chắc chắn rằng họ đang bỏ tiền ra cho những lúc độc giả thực sự nhìn thấy hay bấm chuột vào banner quảng cáo của họ đồng thời hiệu quả của nó có thể dễ dàng lượng hóa.

 

Xu hướng quảng cáo trực tuyến đang ngày càng phát triển mạnh và chỉ đứng sau quảng cáo qua truyền hình.

 

"Chúng tôi đang thay đổi Newsweek chứ không nói lời vĩnh biệt” - Tina Brown, Tổng biên tập của Newsweek tuyên bố. Trong khi đó, người phát ngôn của Newsweek Andrew Kirk lại tiết lộ tạp chí này muốn đón đầu xu hướng đọc báo qua máy tính bảng hay các thiết bị cầm tay khác. “Hãy nhớ, trong năm nay nước Mỹ sẽ có hơn 70 triệu người sử dụng máy tính bảng và cách đây chỉ 2 năm, con số này mới là 13 triệu”, Andrew Kirk nói.

Mary Berner, chủ tịch của Hiệp hội tạp chí truyền thông, đánh giá sự lựa chọn ngừng bản in giấy của Newsweek chỉ là sự lựa chọn cá nhân và không phản ánh sức khỏe chung của ngành công nghiệp tạp chí và không phải là một dấu hiệu cho thấy toàn bộ ngành công nghiệp tạp chí đều "là đồ bỏ đi".

"Những trải nghiệm về đọc bản in tạp chí không biến mất" - Mary Berner nói.


Infonet

Tin cùng chuyên mục