Hình ảnh Santa Claus - ông già Noel mặc bộ quần áo đỏ, xỏ đôi ủng bự, vác một túi quà khổng lồ, đi xe tuần lộc đã trở nên quen thuộc. Theo truyền thuyết vào đêm Noel, Santa Claus sẽ đi phân phát quà cho các trẻ em khắp nơi trên thế giới. Giả sử nếu sàn chứng khoán Việt Nam mở cửa giao dịch trong đêm Noel và Santa Claus đi lạc qua đó thì nhiều khả năng ông sẽ gặp nhiều tình huống rắc rối, dở khóc dở cười.
1. Phục trang
Bất chấp xu hướng thời trang biến đổi cả trăm năm nay, như đàn ông Scotland diện váy truyền thống, cao bồi viễn tây Hoa Kỳ đóng quần bò Levi’s, đàn ông Việt khoái mặc quần xà lỏn lông ngông ra đường, Santa Clause luôn luôn xuất hiện với phong cách cổ điển định hình từ xa xưa: mặc bộ quần áo đỏ, đội chiếc mũ chóp nhọn kiểu xứ lạnh cũng màu đỏ, xỏ thắt lưng to bản, đi đôi giầy cao cổ màu đen, mái tóc bạc phơ và râu trắng như tuyết.
Nếu ghé sàn chứng khoán Việt Nam thì để tạo ấn tượng thiện cảm, tốt nhất ông Santa Claus nên thay đổi trang phục, chọn các tông màu khác ôn hòa hơn, gợi ý là xanh lá cây hoặc được khuyến khích tốt nhất là màu tím than.
Lý do là tại TTCK Việt Nam, các nhà đầu tư nhỏ chỉ có thể kiếm lời một cách chính thống khi cổ phiếu lên (màu xanh) và kiếm được khá nếu cổ phiếu tăng trần (màu tím), mất tiền khi cổ phiếu giảm (màu đỏ), ngoại trừ các “đội lái”. Vì vậy, kết thúc năm cũ, các nhà đầu tư đều ước ao thị trường lên (thị trường bò tót) trong năm mới để kiếm được tiền, có cuộc sống sung túc hơn.
Bò tót cũng được dân đầu tư xứ Việt coi là linh vật, mà bò tót vốn không ưa màu đỏ. Vì vậy, tốt nhất, vì lý do an toàn, Santa Claus không nên khoác bộ đồ truyền thống.
2. Quốc tịch
Ông già Noel có tên theo theo tiếng Anh Santa Claus, tiếng Pháp có tên là Père de Noel, tiếng Hà Lan là Sinterklass. Ngoài ra, theo truyền thuyết của người Thiên Chúa giáo, ông già Noel chính là hiện thân của thánh Nicolas - một vị thánh nổi tiếng bởi lòng nhân hậu vô biên, chào đời tại quận Patara thuộc phần đất của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tên gọi và lý lịch của ông già Noel nói thật là khá lằng nhằng, chưa kể nơi tạm trú cũng không rõ ràng khi ngụ ở xứ Bắc Cực lạnh giá, chọn làm bạn với đàn tuần lộc.
Nếu Santa Claus theo gợi ý 1, thay bộ đồ truyền thống bằng một bộ vest cổ điển thì nhiều khả năng sẽ gây ra nhiều nhầm lẫn. Chẳng hạn, đóng vest với cái bụng bia trứ danh, nhìn Santa Claus giống mấy tay quản lý quỹ nước ngoài, dân tình đoán già đoán non ông là CEO của cái quỹ đầu tư 300 triệu đô chuẩn bị giải ngân vào Việt Nam mà dân tình đồn ầm lên 2 tháng trước. Có khi sự xuất hiện của Santa Claus lại làm nảy sinh thêm một cái tin vịt nữa!
3. Bít tất treo đầy sàn chứng khoán
Kinh văn thế giới kể rằng, lúc còn sống, một tối mùa đông lạnh lẽo, thánh Nicolas (Santa Claus) đi lang thang vô tình nghe được câu chuyện tâm sự của ba cô gái nghèo bên lò sưởi.
Cả ba cô gái đều chăm chỉ, đến tuổi lập gia đình, nhưng phải làm lụng vất vả vì gia đình quá nghèo nên không được chàng trai nào để ý. Nghe được tâm sự thương tình, muốn giúp đỡ cô 3 cô gái, thánh Santa Claus tung một đồng tiền vàng qua ống khói.
Vì nghèo chỉ có một bộ quần áo mặc đi làm, nên buổi tối các cô phải giặt quần áo và hong trên lò sưởi cho mau khô. Đồng tiền vàng của Santa Claus vô tình rơi đúng vào một trong 6 cái bít tất đang hong. Vì điều này xuất hiện phong tục treo bít tất trước lò sưởi để mong nhận được quà từ ông già Noel.
Nếu biết Santa Claus bí mật ghé thăm sàn chứng khoán, gần như chắc chắn các nhà đầu tư đều ước ao muốn nhận một món quà an ủi, dù năm 2013 bớt bết bát hơn năm trước.
4. Bài hát Giáng sinh “Kiếp chứng khoán”
Bài hát nổi tiếng được sử dụng trong dịp Giáng sinh là Jingle Bell của nhạc sĩ J.Pierpont. Ai cũng nghĩ bài này được sáng tác dành cho đêm Noel, nhưng thật ra không phải.
Thật ra đây là một trong những bài hát dân ca nổi tiếng của Mỹ kể về chuyện ông già Noel với túi đầy quà ngồi trên xe kéo tuần lộc chuông kêu leng keng đi khắp nơi phát quà.
Và Jingle Bell được hát nhiều vào dịp Noel, nên từ đó vô tình gây nhầm lẫn rằng được sáng tác cho dịp Giáng sinh. Ở đất nước yêu thơ văn như Việt Nam, giới đầu tư đương nhiên có một bài hát riêng “Kiếp chứng khoán” trên âm thanh nền não nùng, bi thương, hình ảnh sàn vắng, nhà đầu tư hom hem, hốc hác. Google thần chưởng cho gần nửa triệu kết quả về bài hát “Kiếp chứng khoán” trên internet.
Ca khúc này xứng đáng bài hát giáng sinh trên sàn chứng khoán. Nếu tới sàn, để có thể gây dựng hình ảnh thân thiện “tôi yêu Việt Nam” kiểu các nguyên thủ quốc gia, Santa Claus nên học vài câu tủ, lời bài hát: “Đời chứng khoán là thế, đâu biết cho ngày mai…”.