Ngày 20/9, Tòa án nhân dân Tối cao đã tổ chức họp báo về tình hình thực hiện công tác tòa án từ đầu năm đến nay. Theo đó, từ 1/10/2015 đến 20/9/2016, các Tòa án đã giải quyết 320.513 vụ án các loại trong tổng số 418.374 vụ án đã thụ lý. Số vụ án còn lại hầu hết trong thời hạn luật định và đang được xem xét, giải quyết. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ án đã thụ lý tăng 33.943 vụ.
Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn cho biết, thời gian tới, các Tòa án tiếp tục nâng cao chất lương xét xử, đảm bảo các phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, bảo vệ công lý và quyền con người, quyền công dân; phấn đấu không để xảy ra việc xét xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm; khẩn trương giải quyết việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan khi phát hiện có việc xét xử oan.
Đối với nhiệm vụ quan trọng của tòa án là đảm bảo xét xử thống nhất, công bằng, ông Chu Thành Quang, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học cho biết, có 3 nhánh giải pháp trọng yếu là Tòa án sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn xét xử, phát triển án lệ và trao đổi nghiệp vụ thông qua công văn trả lời, hỏi đáp.
Riêng đối với án lệ, ông Quang cho rằng đây là một trong dấu ấn của cải cách tư pháp. Việc cho phép áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử một trong những dấu ấn quan trọng về cải cách tư pháp; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau; đồng thời khắc phục lỗ hổng trong quy định của pháp luật cũng như tạo lập tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án.
Tòa án nhân dân tối cao đã công bố 6 án lệ đầu tiên đã chính thức được ban hành để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. giúp xét xử thống nhất, công bằng. Hiện, đã có 6 án lệ được ban hành. Tới đây, sẽ xem xét thông qua các án lệ tiếp theo.
Ngày 22/9 tới, Hội đồng thành viên án lệ cho ý kiến về 18 dự thảo án lệ trước khi trình Hội đồng thẩm phán xem xét thông qua.
Về oan sai và bồi thường, lãnh đạo TAND Tối cao cho biết, việc giải quyết bồi thường oan sai đối với ông Thêm và ông Nén đang ở giai đoạn thương lượng và chưa có kết quả. Đối với ông Thêm, Tòa cấp cao tại Hà Nội đang hướng dẫn ông thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vấn đề thiệt hại, để làm sao bồi thường đảm bảo đúng quy định pháp luật. Nếu thương lượng được thì sẽ chuyển hồ sơ về TAND Tối cao thẩm định. Tiếp đến, hồ sơ sẽ được chuyển sang để Bộ Tài chính thẩm định, rồi mới ra quyết định bồi thường và sau đó, Bộ Tài chính mới chi tiền. Trong trường hợp người được đền bù oan sai không thể đi đến thống nhất thì họ có quyền khởi kiện và Tòa án sẽ thụ giải quyết theo thủ tục chung.
Đối với vụ ông Nén bị oan sai, cơ quan có trách nhiệm bồi thường là TAND tỉnh Bình Thuận và sẽ tiến hành sớm việc thương lượng. Trong ngày 20/9, các bên sẽ trao đổi để đi đến thống nhất việc bồi thường.
Theo lãnh đạo TAND Tối cao, thẩm phán xử vụ ông Thêm hiện nay đã nghỉ hưu hết. Trong khi đó, vị thẩm phán xử oan ông Nén sau này đã được điều động chức Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận và hiện ông này đang phải điều trị vì bị xuất huyết não nên chưa thể tổ chức kiểm điểm được.
Mẫu trang phục mới dành cho Thẩm phán khi xét xử sẽ được áp dụng thử nghiệm tại một số tỉnh thành từ tháng 10/2016.
Việc thí điểm sẽ được thực hiện tại 41 đơn vị trên toàn quốc, với hơn 1.500 thẩm phán và có áp dụng đại trà hay không sẽ chờ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.