Nếu không kịp thời sửa đổi luật về chứng khoán, sẽ có nhiều rủi ro khác

Bên cạnh chỉ số cả 2 sàn đều tuột dốc, năm 2008 cũng lộ rõ tình trạng vi phạm luật đã ở mức báo động của các doanh nghiệp niêm yết và công ty chứng khoán.
Nếu không kịp thời sửa đổi luật về chứng khoán, sẽ có nhiều rủi ro khác

Vi phạm luật quá nhiều

 

Theo báo cáo của Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), từ đầu năm 2008 đến ngày 2/12/2008, UBCK đã xử phạt 124 trường hợp vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK), tổng số tiền phạt nộp vào ngân sách nhà nước là 3,765 tỷ đồng. Trong các trường hợp bị xử phạt, có đến 94 đơn vị (75,8%) là vi phạm các quy định về chế độ báo cáo và công bố thông tin của công ty đại chúng, công ty niêm yết; 19 trường hợp (15,3%) vi phạm quy định về giao dịch giả tạo, thao túng thị trường, thực hiện giao dịch chứng khoán không báo cáo...

 

Dưới một góc độ khác, một số chuyên gia chứng khoán và công ty chứng khoán cho rằng, thực tế đang còn khá nhiều bất cập trong hoạt động thanh tra, giám sát đối với TTCK Việt Nam . Đáng nói nhất là hoạt động thanh tra, giám sát mới dừng lại ở việc đột xuất chọn ngẫu nhiên, không mang tính liên tục, những đơn vị vi phạm không được xử lý hoặc xử lý không triệt để dẫn đến tình trạng vi phạm tái diễn. Mới đây, tại một hội thảo về chứng khoán do Viện Khoa học - Tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức, CTCK Bảo Việt đã nêu ra những vi phạm mang tính điển hình là một số CTCK đã cho phép khách hàng đặt lệnh khi số dư tài khoản không có đủ tiền trong ngày giao dịch hoặc cho khách hàng được nợ tiền mua chứng khoán đã khớp lệnh đến ngày T+1, thậm chí để ngày T+3 mới phải thanh toán; cho phép khách hàng bán tại ngày T+2. Một số CTCK vẫn để xảy ra hiện tượng chèn lệnh của nhân viên hoặc lệnh tự doanh các CTCK lên trên lệnh của nhà đầu tư. Không chỉ có vậy, họ còn cho các đơn vị này tiến hành giao dịch vừa mua vừa bán cùng một loại chứng khoán trong một ngày cho một khách hàng, nhất là khi thị trường có sự biến động lớn trong ngày…

 

Đi tìm nguyên nhân

 

Sự nở rộ các vi phạm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó một nguyên nhân cơ bản là từ hệ thống pháp luật về chứng khoán và TTCK. Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn được ban hành đã tạo thành khung pháp lý tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh, điều chỉnh hoạt động của TTCK, tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta đã có nhiều thay đổi nhanh chóng, trong đó có TTCK. Nhiều quy định đã bộc lộ những điểm hạn chế, không còn phù hợp hoặc thiếu quy định để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh, làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thị trường. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản tạo ra những vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm chứng khoán và TTCK.

 

Bên cạnh đó, do quy định của Luật Chứng khoán và Nghị định 14/2007/NĐ-CP rất thông thoáng nên thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã tận dụng thị trường phát triển nóng để phát hành với số lượng chứng khoán rất lớn, trong đó một phần đáng kể để đầu tư tài chính với phương án sử dụng vốn chưa rõ ràng cụ thể khiến cho nguồn cung vượt quá cầu, dẫn đến giá cổ phiếu bị pha loãng quá nhanh. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước chưa có một công cụ hữu hiệu nào để ngăn chặn hay điều tiết được tình trạng này. Thực tế cho thấy, trong các vi phạm, nổi cộm nhất là vi phạm về chào bán chứng khoán ra công chúng. Theo quy định của Luật Chứng khoán, nếu doanh nghiệp phát hành cho trên 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thì phải tuân thủ các quy định về chào bán ra công chúng; phải đáp ứng các điều kiện về mức vốn điều lệ thực góp tối thiểu là 10 tỷ đồng và phải hoạt động kinh doanh có lãi. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn, mặt khác, buộc doanh nghiệp phải "lách luật" bằng cách chặt nhỏ đợt phát hành thành các đợt phát hành riêng lẻ; hoặc ban đầu chỉ phân phối cho dưới 100 cổ đông để không phải tuân thủ quy định nhưng sau đó chuyển nhượng (chỉ là hình thức, không phải là chuyển nhượng thực sự)... Lách luật kiểu đó làm cho việc phát hành chứng khoán ngày càng thêm phức tạp, thiếu minh bạch, khó quản lý, cũng như rất dễ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện của cổ đông. Trong thời gian tới, nếu không kịp thời ngăn chặn ngay tình trạng này thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng vẫn tiến hành mà không cần phải đăng ký qua một cơ quan quản lý nào, thậm chí cũng không cần phải tuân thủ các quy định về công bố thông tin, bảo đảm công khai, minh bạch về tài chính.

 

Một vấn đề cũng được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm là còn thiếu các chế tài linh hoạt và đủ sức răn đe, phòng ngừa vi phạm trên thị trường, vì vậy mà tình trạng vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK không những không giảm mà ngày càng có chiều hướng gia tăng. Một số quy định trong Luật Chứng khoán đã và đang trở nên cứng nhắc, rất khó áp dụng được trong thực tiễn trong khi việc sửa đổi, bổ sung lại rất khó khăn do quy trình xây dựng, sửa đổi luật phức tạp và tốn nhiều thời gian. Minh chứng cho những nhận xét này là hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng khi chưa có giấy chứng nhận chào bán do UBCKNN cấp. Vi phạm này có thể gây thiệt hại lớn đến lợi ích của các tổ chức, cá nhân, gây ảnh hưởng đến tính minh bạch của TTCK và tạo ra tình trạng pha loãng giá cổ phiếu trên thị trường hiện nay.

 

Những thiếu sót cơ bản nói trên trong pháp luật về chứng khoán và TTCK nếu không kịp thời được chỉnh sửa thì sẽ có thêm những rủi ro khác trong tương lai gần. Và lúc đó thì...


Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục