>> CTCP Hàm Long: Gần 10 năm không họp cổ đông
Vụ cổ đông khởi kiện CTCP Hàm Long (63 - 65 Hàm Long, Hà Nội) đã qua hai cấp xét xử là Toà án nhân dân TP. Hà Nội và Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội, đều có cùng phán quyết buộc HĐQT Công ty do ông Lê Thắng Lợi làm Chủ tịch HĐQT phải tổ chức ĐHCĐ (ĐTCK đề cập trong số báo ra ngày 21/11). Thế nhưng, hơn một tháng trôi qua kể từ khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, Công ty vẫn chưa tổ chức ĐHCĐ. Trao đổi với ĐTCK ngày 23/11, ông Dương Minh Công, Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội cho biết, nếu CTCP Hàm Long không tuân thủ phán quyết của Toà án, thì ông Lợi với tư cách Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty, có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Tại cuộc làm việc với các cổ đông lớn mới đây, ông Lê Thắng Lợi, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Hàm Long cho biết, thực tế Công ty đã nỗ lực tổ chức ĐHCĐ, chẳng hạn năm 2003, nhưng bất thành do một số cổ đông không hợp tác. Những năm gần đây, do một nhóm cổ đông liên tục khiếu kiện về hoạt động điều hành DN, nên Công ty phải tập trung giải quyết, chưa thể tiến hành ĐHCĐ. Tuy nhiên, trên cơ sở phán quyết của Toà án, HĐQT Công ty cam kết sẽ tổ chức ĐHCĐ trong tháng 12/2011. |
Bản án 196/2011/KDTM-PT có hiệu lực từ ngày 12/10/2011 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội nêu rõ, khi bản án có hiệu lực, nếu HĐQT CTCP Hàm Long không tổ chức ĐHCĐ, thì các đồng nguyên đơn có quyền yêu cầu Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội buộc HĐQT Công ty tổ chức ĐHCĐ... Cách nào để các đồng nguyên đơn thực hiện quyền này, thưa ông?
Trước hết, các đồng nguyên đơn phải có đơn yêu cầu Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội tiến hành các biện pháp buộc HĐQT CTCP Hàm Long do ông Lê Thắng Lợi là người đại diện theo pháp luật phải tổ chức ĐHCĐ theo đúng phán quyết của toà án. Đơn yêu cầu phải có chữ ký của các đồng nguyên đơn thì mới đảm bảo hợp lệ theo quy định. Khi gửi hồ sơ yêu cầu thi hành án đến Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội, ngoài đơn yêu cầu, các đồng nguyên đơn còn phải gửi kèm Bản án 196/2011. Sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, Cục sẽ chính thức thụ lý hồ sơ để tống đạt quyết định thi hành án.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu thi hành án, hợp pháp từ các nguyên đơn, Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội sẽ tiến hành các biện pháp nào để buộc CTCP Hàm Long phải tổ chức ĐHCĐ, thưa ông?
Trên cơ sở quyết định thi hành án, Chấp hành viên của Cục sẽ đôn đốc HĐQT Công ty, nhất là ông Lợi - với tư cách là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, phải khẩn trương tiến hành ĐHCĐ theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp. Nếu HĐQT Công ty vẫn không chấp hành, thì Chấp hành viên sẽ áp dụng Điều 118, Luật Thi hành án dân sự để cưỡng chế thi hành án. Theo đó, nếu người phải thi hành án không thực hiện phán quyết của bản án, thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền và ấn định thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt để người đó thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Nếu HĐQT CTCP Hàm Long chấp nhận phạt tiền và tiếp tục chây ỳ không tổ chức ĐHCĐ thì sao?
Trường hợp sau khi phạt tiền mà HĐQT CTCP Hàm Long vẫn cố tình không tổ chức ĐHCĐ, thì Chấp hành viên sẽ áp dụng các hình thức xử lý tăng nặng cũng được quy định tại Điều 118, Luật Thi hành án dân sự. Cụ thể, nếu hết thời hạn đã ấn định mà người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ thi hành án, thì Chấp hành viên xử lý theo hướng: trường hợp công việc đó có thể giao cho người khác thực hiện thay, thì Chấp hành viên giao cho người có điều kiện thực hiện, chi phí thực hiện do người phải thi hành án chịu; trường hợp công việc đó phải do chính người phải thi hành án thực hiện thì Chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.
Với quy định như vậy, có thể hiểu, nếu không tổ chức ĐHCĐ theo phán quyết của toà án, thì ông Lợi sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự?
Đúng như vậy, bởi với tư cách là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc và là người đại diện pháp luật của CTCP Hàm Long, ông Lợi phải có trách nhiệm tuân thủ nghiêm phán quyết của tòa án trong việc tổ chức ĐHCĐ. Nếu ông Lợi không thực hiện việc này thì Chấp hành viên sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông này về tội không chấp hành án. Trong trường hợp ông Lợi bị xử lý theo hướng này, thì để tiến hành được ĐHCĐ, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty, có quyền yêu cầu triệu tập ĐHCĐ do HĐQT đã vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý. Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội sẽ không có bất kỳ can thiệp nào về nội dung cũng như hình thức tổ chức ĐHCĐ, bởi đây là việc nội bộ của CTCP Hàm Long.