Net Zero và cơ hội hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Điển

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đạt được phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Trong một thời gian dài, phát triển kinh tế đi kèm với gia tăng phát thải trên mọi lĩnh vực ngành nghề.
Ông David Liden, Tham tán thương mại, Trưởng đại diện Business Sweden. Ông David Liden, Tham tán thương mại, Trưởng đại diện Business Sweden.

Loại bỏ khí thải bằng cách kìm hãm phát triển kinh tế là cách làm thụ động, đồng nghĩa với việc hạn chế sự phát triển của con người. Chứng kiến cách thức tiếp cận khác nhau của các chính phủ khác nhau với chủ đề này, tôi cho rằng sự đánh đổi trên không phải là điều có thể dễ dàng thực hiện.

Điều đáng mừng là nhiều quốc gia ngày càng thể hiện rõ tham vọng giải quyết vấn đề trên. Giờ đây, các quốc gia đã nhìn thấy cơ hội trong phát triển bền vững và muốn “đi tắt đón đầu” sự phát triển công nghệ để thẳng tiến đến nền công nghiệp phù hợp nhất với định hướng phát triển của mình. Chỉ khi cùng cam kết về một tương lai không phát thải ròng, đồng hành với các giải pháp mới sáng tạo trong cả công nghệ và kinh doanh, chúng ta sẽ thấy các bước rõ ràng để triển khai thực hiện hướng tới lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Phát triển bền vững ở Thụy Điển và bài học cho Việt Nam

Thực tế phát triển của Thụy Điển là minh chứng cho việc tăng trưởng kinh tế vẫn có thể song hành với việc giảm lượng khí thải. Kể từ năm 1990, lượng khí thải của Thụy Điển liên tục giảm trong khi GDP tiếp tục tăng. Trong giai đoạn này, GDP đã tăng hơn 86%, trong khi lượng khí thải giảm hơn 33%. Thụy Điển cũng tiếp tục đặt ra các mục tiêu rất cao, thông qua Luật cam kết không phát thải ròng vào năm 2045, mức này thậm chí còn cao hơn những gì chúng tôi đã cam kết trong Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris.

Để biến điều này thành hiện thực, có sự kết hợp của nhiều yếu tố, nhưng tôi muốn nhấn mạnh 3 điểm quan trọng:

Thứ nhất, nhận thức rõ ràng về sự cần thiết phải giảm lượng khí thải trong xã hội Thụy Điển.

Thứ hai, thiết lập mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ Thụy Điển và việc cam kết mạnh mẽ thực hiện các thỏa thuận quốc tế.

Thứ ba, thành công của Thụy Điển trong ứng dụng đổi mới sáng tạo, cũng như việc triển khai các giải pháp giảm phát thải.

Giảm phát thải là việc không thể do một tổ chức đơn lẻ có thể thực hiện được, mà cần sự hợp tác với các tổ chức trong toàn bộ chuỗi giá trị. Nhận thức trong toàn xã hội, cùng với các cam kết rõ ràng của chính phủ giúp việc tìm kiếm đối tác trở nên dễ dàng hơn để cùng hợp tác đưa ra các giải pháp giảm phát thải.

Ví dụ, các nhà sản xuất thép Thụy Điển, từ lâu đã nổi tiếng với việc sản xuất thép có chất lượng và độ tinh khiết nhất quán, gần đây đã tạo ra một bước đột phá quan trọng trong việc cung cấp thép không có hóa thạch. Hybrit, như tên gọi, là kết quả của sự hợp tác giữa SSAB (một nhà sản xuất thép), LKAB (một công ty khai thác mỏ) và Vattenfall (một công ty năng lượng). Chuyến hàng đầu tiên đã được giao đến Volvo AB - nhà sản xuất xe tải Thụy Điển, cách đây hơn một năm.

Những sản phẩm đổi mới, sáng tạo như vậy, đến từ Thụy Điển cũng không có gì gây ngạc nhiên. Bởi vì chúng tôi liên tục được xếp hạng là một trong những quốc gia đổi mới, sáng tạo nhất toàn cầu. Nếu tính trên đầu người, thủ đô Stockholm của Thụy Điển đã sản sinh ra số lượng lớn nhất các công ty khởi nghiệp trở thành kỳ lân, chỉ đứng sau Thung lũng Silicon của Hoa Kỳ.

Cuối cùng, khả năng đổi mới này được hỗ trợ bởi một hệ thống giáo dục mạnh mẽ và được tài trợ một cách công khai, cho phép tư duy phản biện và tự do, truyền thống kỹ thuật lâu đời và mạng lưới an toàn xã hội được thiết lập cho phép các công dân Thụy Điển thoải mái thử nghiệm những điều mới mẻ, không có gì quá nghiêm trọng nếu thất bại lần đầu.

Là Trưởng đại diện của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Thụy Điển (Business Sweden), tôi có những cuộc trao đổi hàng ngày với các doanh nghiệp Thụy Điển về các cơ hội đầu tư, thương mại tại Việt Nam. Hiện một số công ty Thụy Điển đã mở văn phòng hoạt động tại Việt Nam - quốc gia đang hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Ví dụ, ABB và Hitachi Energy đang đưa các giải pháp công nghệ và kỹ thuật về cách xây dựng mạng lưới điện theo hướng hiện đại và xanh hơn. Một ví dụ khác là Ericsson, nhà cung cấp các giải pháp 5G, đã mang lại hiệu quả trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

Ngoài các hoạt động hỗ trợ thương mại nhằm đưa công nghệ Thụy Điển đến Việt Nam, chúng tôi cũng hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan của Việt Nam trong các lĩnh vực quan trọng của quốc gia như năng lượng và hàng không.

Chúng tôi cũng cung cấp tư vấn tiếp cận các khoản hỗ trợ không hoàn lại, đề nghị tài trợ các dự án nghiên cứu tiền khả thi cho các đối tác Việt Nam với mục tiêu số hóa, hiện đại hóa và giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và hàng không. Tôi hy vọng, Thỏa thuận tài trợ ký kết cho các dự án hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực hàng không và năng lượng sẽ được sớm thông qua trong thời gian tới.

Mới đây, tại triển lãm Ô tô Việt Nam 2022 tại TP.HCM, hãng xe Volvo Cars của Thụy Điển đã giới thiệu dòng sản phẩm mới được điện khí hóa độc quyền, không có mẫu ICE (động cơ đốt trong) nào.

Vì Việt Nam sẽ cần sự phát triển đáng kể về mặt cơ sở hạ tầng cho sạc điện trước khi loại bỏ xe hybrid để chuyển sang sử dụng xe chạy điện, Volvo Cars đã đưa ra đề xuất để thực hiện theo lộ trình từng bước nhỏ hướng tới phát thải ròng bằng 0, thông qua việc cung cấp xe trên nền tảng điện khí hóa.

Vẫn còn nhiều công ty và giải pháp sáng tạo của Thụy Điển mà chúng tôi muốn giới thiệu đến thị trường Việt Nam. Trong tương lai gần, tôi tin rằng các nhà cung cấp máy móc và thiết bị công nghiệp sẽ tập trung vào Việt Nam như một thị trường cho các giải pháp bền vững.

Việt Nam cần những chính sách gì?

Để hỗ trợ con đường đạt tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam phải kiên trì thực hiện các cam kết đầy tham vọng của mình. Đó là khi các tầm nhìn chiến lược được cụ thể hóa thành các kế hoạch thực hiện để chuyển đổi cơ sở công nghiệp và toàn xã hội theo mô hình bền vững hơn. Ví dụ, việc hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện 8 sẽ tạo điều kiện cho các khoản đầu tư cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng có được nguồn điện bền vững.

Ngoài việc cung cấp môi trường thuận lợi về kinh tế và giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư, điều quan trọng là Việt Nam phải có chiến lược đào tạo lực lượng lao động trẻ và chủ chốt của đất nước cũng như đảm bảo rằng, các quy trình mua sắm công tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được các yêu cầu về tính bền vững.

Với năng lực công nghiệp của Việt Nam hiện tại, để có được các kết quả và thịnh vượng bền vững, lâu dài, các ý tưởng và giải pháp sáng tạo phải được triển khai thử nghiệm. Thụy Điển và các công ty Thụy Điển luôn sẵn sàng cùng Việt Nam tìm ra những cách thức hợp tác mới và cùng tiên phong cho những đột phá.

David Liden,
Tham tán thương mại, Trưởng đại diện Business Sweden

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục