Báo cáo tài chính định kỳ của Nhà máy In tiền Quốc gia theo quy định tại Nghị định 81/2015/NÐ-CP ngày 18/9/2015 của Chính phủ về việc công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước cho biết, nhà máy lỗ lũy kế khi kết thúc tháng 6/2019, trong khi nhiều năm trước đó luôn báo lãi.
Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, tại tất cả các nước trên thế giới, nhà máy in tiền là công cụ thể hiện chủ quyền quốc gia.
Ở Mỹ, nhà máy in tiền làm việc theo đơn đặt hàng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với những quy định rất chặt chẽ và không làm việc gì khác ngoài việc in tiền cho Fed. Ðơn đặt hàng, đầu ra, đầu vào, chi phí, giá bán là do các bên đồng thuận trong quyền kiểm soát của Fed.
“Do đó, nếu nói Nhà máy In tiền bị lỗ là rất khó. Nếu có thì sẽ là lỗ tạm thời hoặc lỗ kinh tế, vì đây rõ ràng là doanh nghiệp đặc thù của một quốc gia”, TS. Hiếu nhấn mạnh.
Nhà máy In tiền Quốc gia Việt Nam thực tế cũng không nằm ngoài thông lệ quốc tế. Ðiều lệ về tổ chức và hoạt động của nhà máy được ban hành kèm theo Quyết định số 371/QÐ-NHNN ngày 21/3/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN); tại Ðiều 5 về chức năng và nhiệm vụ của nhà máy ghi rõ: Nhà máy In tiền Quốc gia thực hiện nhiệm vụ in, đúc các loại tiền giấy, tiền kim loại, sản xuất vàng miếng, vật phẩm lưu niệm bằng vàng và các giấy tờ có giá theo kế hoạch giao của Thống đốc NHNN.
Tổ chức chế bản in, tạo khuôn đúc tiền, vàng miếng, giấy tờ có giá và ấn chỉ quan trọng theo hợp đồng với NHNN. Tham gia thiết kế mẫu tiền theo quyết định của Thống đốc.
Ðược nhập khẩu hoặc nhận ủy thác nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, thiết bị, phụ tùng thay thế phục vụ in, đúc tiền và giấy tờ có giá của nhà máy và doanh nghiệp khác theo quy định hiện hành của Nhà nước về nhập khẩu. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thống đốc giao…
Ðiều 7 cũng ghi rõ, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước của nhà máy này là NHNN.
Ðiều này có nghĩa, Nhà máy In tiền Quốc gia là công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ. Nhà máy là doanh nghiệp công ích, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và Bộ Tài chính, NHNN không giao chỉ tiêu lợi nhuận đối với nhà máy.
Theo điều lệ, nhà máy được tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh thêm phù hợp với khả năng của nhà máy và nhu cầu của thị trường với những điều kiện ngặt nghèo, nhưng ngành nghề kinh doanh duy nhất hiện nay của nhà máy vẫn chỉ là in, đúc tiền.
“Số lượng, doanh thu và chi phí từ hoạt động in đúc tiền của nhà máy là hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu tiền mặt trong nền kinh tế, việc điều hành chính sách tiền tệ và theo đúng kế hoạch do Thống đốc NHNN giao”, một lãnh đạo cao cấp Nhà máy In tiền Quốc gia cho biết.
Là đơn vị sản xuất cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, nhà máy thực hiện cơ chế quyết toán giá với Nhà nước. Theo đó, toàn bộ chi phí sản xuất có liên quan được tập hợp, trình NHNN và Bộ Tài chính duyệt quyết toán giá sau khi kết thúc năm tài chính. Do đó, kết quả chênh lệch thu chi giữa kỳ chỉ là số liệu tạm tính, không thể hiện đầy đủ tình hình hoạt động của nhà máy.
“Ðể in một hình (tờ tiền - PV) hoàn chỉnh không phải là hôm trước in, hôm sau có, mà trải qua rất nhiều công đoạn và quá trình này kéo dài 2 tháng nên chi phí sản xuất cũng chỉ là số liệu tạm tính. NHNN đặt hàng 1.000 hình, nhà máy sẽ in và giao đủ 1.000 hình cho NHNN, nhưng nguyên vật liệu bao giờ cũng phải dự trù một lượng nhất định, đề phòng bị lỗi. Nếu quá trình in không bị lỗi, hoặc lỗi rất ít, lượng nguyên vật liệu dôi ra sẽ để dành cho lần đặt hàng tiếp theo của NHNN”, vị lãnh đạo trên chia sẻ.
TS. Hiếu phân tích, số lượng tiền được in hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu tiền mặt trong nền kinh tế, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Trong khi đó, thông tin từ NHNN cho biết, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trung bình giảm dần qua các năm nên nhiều khả năng đơn đặt hàng của NHNN giảm xuống.
“Lượng tiền đi vào lưu thông giảm xuống, đây rõ ràng là thông tin tích cực, chứng tỏ chính sách phi tiền mặt của Chính phủ, NHNN đã phát huy hiệu quả”, TS. Hiếu nói.