"Nên thay thế VN-Index"

(ĐTCK) Hướng phát triển Bộ chỉ số HOSE là phù hợp với nhu cầu của NĐT và là cơ sở để phát triển nhiều sản phẩm mới cho TTCK. Các thành viên Hội đồng chỉ số, có nhiệm vụ xem xét định kỳ đối với các chỉ số được đưa ra bởi HOSE và giám sát việc vận hành chỉ số, chia sẻ với ĐTCK.
"Nên thay thế VN-Index"

“Dragon Capital sẽ nghiên cứu lập quỹ mới trên các chỉ số”

Bà Lê Yến Quỳnh, Giám đốc nghiệp vụ Quản lý danh mục đầu tư, Dragon Capital, Ủy viên Hội đồng chỉ số 

Với NĐT tổ chức, bên cạnh chỉ số tổng hợp, các chỉ số vốn hoá và ngành cũng cần thiết để đánh giá hiệu quả đầu tư của các quỹ theo các chiến lược khác nhau. Ở Việt Nam có một số quỹ nước ngoài chỉ đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng có một số NĐT chỉ quan tâm đến một số ngành nhất định vì họ có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực đó. Tôi cho rằng, nhu cầu đối với các chỉ số ngành sẽ tăng lên cùng với sự phát triển của thị trường. Ngoài mục đích đánh giá hiệu quả đầu tư đối với các quỹ đầu tư, một hệ thống chỉ số đa dạng sẽ là cơ sở cho các sản phẩm phái sinh trên chỉ số trong tương lai.

Có thể nhu cầu này là chưa quá cấp thiết tại thời điểm hiện tại, nhưng tất cả chỉ số đều cần có thời gian nhất định để thị trường làm quen rồi sử dụng. Tôi tin, đây sẽ là một trong những viên gạch đầu tiên cho thị trường phái sinh. Chỉ số theo vốn hoá và chỉ số ngành sẽ có ưu tiên ngang nhau. Điều quan trọng là phương pháp tính toán chỉ số. HOSE nên công bố chỉ số mà phương pháp tính đã được hoàn thiện ở mức tốt nhất có thể, tránh những thay đổi sau khi triển khai, để chỉ số có tính thống nhất cao.

Tôi ủng hộ việc HOSE sử dụng một chuẩn phân ngành phù hợp đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều TTCK phát triển khi xây dựng chỉ số ngành. Việc này sẽ giúp cho NĐT nước ngoài tiếp cận với TTCK Việt Nam dễ dàng hơn, cũng như NĐT ở Việt Nam so sánh các cổ phiếu trong nước với các cổ phiếu ở nước ngoài. Đối với các chỉ số mới, trước mắt, Dragon Capital sẽ dùng làm cơ sở phân tích cho hoạt động đầu tư và nghiên cứu về khả năng lập quỹ mới trên các chỉ số, sau Quỹ VN30 ETF do VFM quản lý.

“Trong chỉ số MidCap có các công ty phù hợp với tiêu chí đầu tư của VinaCapital”

 ông Trịnh Tuấn Minh, Trưởng phòng Đầu tư, VinaCapital, Ủy viên Hội đồng chỉ số

Bộ chỉ số HOSE giúp NĐT theo dõi diễn biến thị trường nhiều chiều hơn. Chẳng hạn, ngoài việc quan sát toàn thị trường qua chỉ số VN-Index và VNAllShare, NĐT có thể theo dõi sự thay đổi giá cổ phiếu của từng nhóm công ty theo quy mô: công ty lớn (VN30), vừa (VNMidCap, 70 công ty) và nhỏ (VNSmallCap). Chỉ số VN30 bước đầu đã trở thành danh mục mẫu để đầu tư. Các cổ phiếu được thêm vào hoặc loại ra khỏi chỉ số VN30 có xu hướng được mua vào hoặc bán ra mạnh hơn tại trước mỗi kỳ điều chỉnh.

Phương pháp xây dựng bộ chỉ số là hợp lý và có tham khảo chuẩn mực quốc tế. Ví dụ, việc tính giá trị vốn hóa theo tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free-float) giúp hạn chế sự phụ thuộc của chỉ số vào các cổ phiếu có tỷ lệ free float thấp, thanh khoản thấp trên thị trường. Top 5 cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số thay đổi từ nhóm GAS, VNM, VCB, VIC, MSN đối với VN-Index (hiện chiếm khoảng 46%) sang nhóm VIC, STB, VNM, HPG, MSN đối với VN30 (hiện chiếm khoảng 42%). Ngoài ra, việc bổ sung yếu tố lọc theo thanh khoản giúp các chỉ số có tính thanh khoản cao hơn, bảo đảm tính có thể đầu tư được cho chỉ số, nổi bật là chỉ số VN30. Việc hạn chế tối đa tỷ trọng của 1 cổ phiếu trong chỉ số (ví dụ 10% ở VN30) giúp giảm sự phụ thuộc vào 1 cổ phiếu khi thực hiện đầu tư theo chỉ số đó.

Ngoài các cổ phiếu lớn hiện chiếm tỷ trọng lớn, danh mục đầu tư của VinaCapital còn bao gồm các công ty có vốn hóa trung bình (midcap), vì thế chúng tôi cũng quan tâm đến chỉ số VNMidCap. Bởi lẽ, trong chỉ số này có các công ty phù hợp với tiêu chí đầu tư của chúng tôi. VinaWealth, thành viên của Tập đoàn VinaCapital đang có kế hoạch lập quỹ ETF. Trong quá trình xây dựng các quỹ, chúng tôi mong muốn HOSE bổ sung các chỉ số mới, phù hợp với các tiêu chí đầu tư khác, ngoài quy mô vốn hóa và nhóm ngành kinh doanh.

“VN30 phản ứng với thông tin mới nhanh hơn”

TS. Dương Như Hùng, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP. HCM, Ủy viên Hội đồng chỉ số

Việc xây dựng các chỉ số của HOSE tương thích với cách làm của nhiều chỉ số phổ biến trên thế giới. Ví dụ, chỉ số S&P 500 (Hoa Kỳ) cũng được điều chỉnh theo tỷ lệ free float từ năm 2004. Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc điều chỉnh free float đối với S&P 500 là không đáng kể, vì bản thân các cổ phiếu trong rổ S&P 500 đã có tỷ lệ free float và tính thanh khoản cao (tỷ lệ free float trung bình của các cổ phiếu trong S&P 500 là 97%). Trong khi đó, tỷ lệ free float của nhiều cổ phiếu trong VN30 không cao (VIC là 35%, VNM là 45%) nên việc điều chỉnh free float ở Việt Nam sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn. Theo phân tích của tôi, dù VN30 chiếm khoảng 70% vốn hóa của VN-Index, biến động của VN30 gây ra biến động của VN-Index, nhưng không có chiều ngược lại, tức biến động của VN-Index không gây ra biến động của VN30. Điều này có thể do các cổ phiếu trong VN30 phản ứng với thông tin mới nhanh hơn so với các cổ phiếu khác trong VN-Index. Kết quả này khẳng định tính ưu việt của VN30 so với VN-Index.

Về việc phân chia ngành theo chuẩn nào, nên sử dụng GIGS hoặc ICB. Có thể vừa tính toán theo VSIC2007, vừa tính theo GIGS/ICB. Dù chọn giải pháp nào, cũng cần nghiên cứu xem chuẩn nào làm nổi bật các đặc điểm ngành rõ hơn. Một chuẩn tốt cần phải có tính đại diện cao (có khả năng phân loại nhiều chứng khoán khác nhau), quy tắc rõ ràng và hiệu quả (suất sinh lợi của các công ty tương quan cao trong cùng một ngành, nhưng lại tương quan thấp với các công ty khác ngành).

“Sự ra đời của Bộ chỉ số HOSE là rất cần thiết”

Ông Huy Nam, Chuyên gia Tài chính chứng khoán, Ủy viên Hội đồng chỉ số

Việc ra đời và sử dụng bộ chỉ số đầu tiên VN30, kế đến là bộ chỉ số gồm VNMidcap, VN100, VNSmall, VNAllshare là rất cần thiết. Trong quá trình xây dựng chỉ số, HOSE và Hội đồng chỉ số khá cân nhắc, dựa trên cách làm, tiêu chí của thế giới, tức những tính chất chung nhất có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác, còn tiêu chuẩn thì tuỳ theo mỗi nước và mỗi bộ chỉ số sẽ có sự khác nhau. Xét về mặt tiêu chí thì bộ chỉ số của HOSE là đạt. Cách xây dựng bộ chỉ số của Sở khá bài bản, tiên tiến. Tuy nhiên, bộ chỉ số đã được giới thiệu từ năm 2013, nhưng sử dụng tốt và nhiều nhất thì chủ yếu là VN30.

So với các tiêu chí cao về chỉ số của thế giới, ở chừng mực nào đó, Việt Nam chưa đáp ứng được. Vấn đề này, Hội đồng chỉ số và HOSE đã đặt ra và theo dõi để cải thiện dần. Đối với quỹ ETF, sản phẩm phái sinh thì sự phát triển lệ thuộc vào mức độ phát triển của thị trường. Hoạt động của quỹ ETF nội địa chưa như mong đợi ban đầu, một phần do thị trường vẫn còn kém phát triển kéo theo quy mô, thanh khoản hoặc những ứng dụng nghiệp vụ, kỹ thuật còn hạn chế. Đồng thời, NĐT lớn cũng ít. Do đó, sản phẩm phái sinh và ETF sẽ có những khó khăn trong giai đoạn đầu.

HOSE và Hội đồng chỉ số tiếp tục xây dựng chỉ số ngành theo chuẩn quốc tế. Lý do theo chuẩn quốc tế ngay từ đầu, thay vì theo chuẩn phân ngành Việt Nam, bởi có một số lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam khó phân biệt rõ ràng là thuộc ngành nào. Bên cạnh đó, nhiều hiệp định đa phương, song phương giữa Việt Nam với các nước dự kiến sẽ ký kết vào năm 2015 - 2016, theo đó cần phân ngành theo chuẩn quốc tế để tránh phải sửa đổi nhiều lần và có thể áp dụng chung khi các hiệp định được ký kết.

“Nên thay thế VN-Index bằng chỉ số VN-AllShare”

Ông Phạm Ngọc Bích, Ủy viên Hội đồng chỉ số

Bộ chỉ số HOSE bao gồm các chỉ số VN-30, VN-Mid Cap, VN-100, VN-Small Cap và VN-AllShare đã đạt các mục tiêu mà HOSE đề ra. Thứ nhất, khắc phục được các điểm yếu của chỉ số đầu tiên VN-Index, vì chỉ số này nhiều khi bị “méo mó” bởi các cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn, mặc dù tỷ lệ tự do chuyển nhượng và thanh khoản rất thấp. Thứ hai, phản ánh thông tin chi tiết của thị trường đúng theo các cơ hội đầu tư sẵn có trên sàn HOSE và loại bỏ các cổ phiếu trong chỉ số VN-Index đã ngưng giao dịch vì công ty phát hành bị cảnh cáo hoặc cảnh báo. Thứ ba, đáp ứng nhu cầu về các chỉ số chuẩn (Benchmark) cho một số quỹ đầu tư trên TTCK Việt Nam. Đồng thời, làm tài sản cơ sở để phát triển sản phẩm ETF  và các sản phẩm phái sinh. Thứ tư, gia tăng cơ hội đầu tư thụ động theo chỉ số cho các NĐT cá nhân cũng như các NĐT tổ chức. Ngoài ra, có thêm nhiều chỉ số giúp tăng khả năng cung cấp dịch vụ của HOSE, tạo nên sự đồng bộ và khả năng so sánh về chỉ số với các Sở giao dịch trong khu vực.

Để hoàn thiện Bộ chỉ số HOSE, tôi đề xuất Sở ngưng phổ biến chỉ số VN-Index và thay thế bằng chỉ số VN-All Share ngay từ đầu năm 2015. Cùng lúc, HOSE phổ biến toàn bộ chỉ số VN-30, VN-Mid Cap, VN-100, VN-Small Cap và VN-AllShare trên các phương tiện truyền thông quốc tế như Bloomberg, Reuters, Marketwatch. Đối với các chỉ số ngành, HOSE cần hoàn thiện các chỉ số theo thông lệ quốc tế như chính sách phân ngành GICS hoặc ICB.

Thu Hương - Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục