Nên nới lỏng cách ly 7 ngày với khách quốc tế từ thị trường an toàn

0:00 / 0:00
0:00
Nếu chậm mở cửa thị trường quốc tế, các doanh nghiệp hàng không, du lịch sẽ cạnh tranh rất yếu so với các nước ngoài, khả năng phục hồi của thị trường cũng sẽ chậm.
Những hành khách quốc tế trên chuyến bay thí điểm đón du khách quốc tế đến Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+). Những hành khách quốc tế trên chuyến bay thí điểm đón du khách quốc tế đến Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+).

Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới và Việt Nam đã chuyển sang thực hiện chính sách thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đánh giá việc sớm khôi phục hoạt động khai thác hàng không quốc tế thường lệ là cần thiết.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc yêu cầu cách ly 7 ngày đối với khách quốc tế sẽ gây cản trở khách du lịch tới Việt Nam.

Cách ly dài ngày sẽ cản trở khách quốc tế

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, việc sớm khôi phục hoạt động khai thác hàng không quốc tế thường lệ không chỉ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, phục vụ nhu cầu đi lại của hàng khách mà còn góp phần phục hồi du lịch quốc tế và các ngành kinh tế khác...

Tuy nhiên, phía Bộ Giao thông Vận tải cũng nhấn mạnh việc nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách phụ thuộc vào yếu tố quyết định là khả năng phòng chống dịch, tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân để thực hiện miễn dịch cộng đồng cũng như kết quả đàm phán, thống nhất với các nước/vùng lãnh thổ về công nhận “hộ chiếu vaccine.”

Đại diện các hãng hàng không cho rằng quy định hiện nay là khách nước ngoài đến Việt Nam phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, xét nghiệm PCR âm tính, sau khi nhập cảnh phải cách ly y tế 7 ngày tại các cơ sở theo quy định, khiến khách không mặn mà do đội chi phí, mất nhiều thời gian.

Dẫn chứng thực tế nhiều nước châu Âu và cả các nước như Singapore, Thái Lan, Campuchia đã mở trở lại, ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines nhìn nhận Việt Nam càng mở chậm sẽ càng mất cơ hội cạnh tranh với các nước trên thị trường du lịch. Do đó, ông kiến nghị mở lại đường bay với các thị trường an toàn trước và không thực hiện cách ly với khách đến từ các thị trường này.

Với quan điểm chuyên gia dịch tễ, ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, quy định khách tiêm đủ liều vaccine, khách khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng đến Việt Nam phải cách ly 7 ngày là thận trọng do các nước xung quanh Việt Nam đều đã mở cửa và có quy định về y tế đơn giản hơn.

Đơn cử, Thái Lan chỉ yêu cầu xét nghiệm 72 tiếng trước đó và xét nghiệm sau khi đến Thái Lan, có hộ chiếu vaccine. Như vậy, khách đến Thái Lan chỉ nghỉ một đêm ở khách sạn, hôm sau xét nghiệm PCR âm tính là không cần cách ly.

“Thời gian thí điểm cách ly 7 ngày sẽ gây cản trở, ảnh hưởng đến du lịch, cạnh tranh quốc tế của Việt Nam. Để mở cửa hàng không, Việt Nam cần chuẩn bị thêm cho ngành y tế về hành lang pháp lý, hướng dẫn chuẩn bị về cơ sở vật chất, năng lực điều trị,” ông Nga bày tỏ quan điểm.

Khẳng định lộ trình nối lại bay quốc tế của Cục Hàng không Việt Nam là bước đi đúng hướng.

Tuy nhiên, ông Philip Goh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) khu vực châu Á-Thái Bình Dương đánh giá việc Việt Nam yêu cầu cách ly khách quốc tế đến sẽ trì hoãn quá trình phục hồi cũng như là trở ngại lớn cho những lĩnh vực kinh doanh phụ thuộc vào hàng không và khách quốc tế. Hàng không sẽ tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng tài chính, còn du lịch, khách sạn vẫn sẽ đầy khó khăn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trên quy mô rộng lớn hơn.

Sớm mở cửa để tăng cạnh tranh

Ông Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Trường đại học Kinh tế quốc dân, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cho biết việc khôi phục các đường bay thường lệ quốc tế là cần thiết với sự hồi phục của ngành hàng không đồng thời thể hiện vị thế của Việt Nam về kiểm soát dịch, sẵn sàng cho sự phục hồi của toàn bộ nền kinh tế.

Tiết lộ các hãng hàng không và các công ty lữ hành, du lịch trong nước đang rất khó khăn và vô cùng sốt ruột về mở lại các đường bay quốc tế thường lệ, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban kế hoạch và phát triển của Vietnam Airlines cảnh báo: “Nếu chậm mở cửa thị trường quốc tế thì năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hàng không, du lịch sẽ rất yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài, khả năng phục hồi của thị trường cũng sẽ chậm hơn khi các nước trong khu vực mở cửa trước.”

Trên cơ sở này, Vietnam Airlines đang tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý, các đối tác du lịch, lữ hành, khách sạn… để xây dựng các chương trình mở cửa đón khách quốc tế sau khi Chính phủ chấp thuận mở cửa trở lại thị trường quốc tế.

Theo đó, với các chuyến bay combo, Vietnam Airlines vẫn duy trì khai thác các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước theo hình thức cách ly tự nguyện. Sắp tới, hãng sẽ mở rộng lịch khai thác các chuyến bay combo, hướng tới tần suất ổn định để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.

Với các chuyến bay thí điểm đưa khách quốc tế tới Việt Nam, Vietnam Airlines hiện đang tích cực đàm phán với các đối tác là các doanh nghiệp lữ hành để triển khai các chuyến bay trọn gói, đưa khách quốc tế theo chủ trương, hướng dẫn của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và định hướng mở lại hoạt động bay quốc tế của Cục Hàng không Việt Nam...

Ngày 25/11, trong cuộc gặp Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam dự kiến đầu tháng 12 mở lại các đường bay quốc tế, trong đó có chặng sang Nhật Bản.

Nếu kế hoạch này được thực thi thì lộ trình mở đường bay quốc tế thường lệ diễn ra sớm hơn một tháng so với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục