Nền kinh tế Trung Quốc gặp khó không chỉ vì dịch tái bùng phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tốc độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và biến chủng Delta không phải lý do duy nhất. Điều này khiến cho các chuyên gia kinh tế cũng như các quan chức chính phủ tỏ ra lo lắng.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Hôm 16/8, nhà chức trách Trung Quốc công bố những dữ liệu mới nhất về sản lượng sản xuất công nghiệp, giá trị đầu tư và doanh thu bán lẻ trong tháng 7, qua đó có thể thấy rõ những vấn đề đang tồn tại trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ghi nhận mức tăng chậm nhất trong vòng 11 tháng qua khi chỉ tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020. Ngành ô tô bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn trên toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu bán lẻ trong tháng 7 cũng ở ngưỡng thấp nhất tính từ đầu năm đến nay, trong khi nguồn vốn đầu tư vào các loại hình tài sản cố định cũng không được như kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế.

“Đà lan rộng của biến thể mới và các thảm họa thiên nhiên ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của nhiều địa phương. Đà phục hồi của nền kinh tế vẫn tương đối bất ổn”, Fu Linghui, người phát ngôn của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, phát biểu tại cuộc họp báo hôm 16/8 tại Bắc Kinh.

Cùng với đợt bùng dịch mới đây, các trận lũ kinh hoàng cũng đã quét qua nhiều tỉnh thành miền Trung của Trung Quốc trong tháng trước, khiến hơn 300 người thiệt mạng. Thiệt hại nặng nề và sự gián đoạn trong các hoạt động kinh tế đã khiến cho nền kinh tế Trung Quốc mất đi gần 21 tỷ USD, theo thống kê của chính phủ.

Lũ lụt nặng nề ở Trung Quốc

Lũ lụt nặng nề ở Trung Quốc

Sự xuất hiện của các ổ dịch Covid-19 cũng góp phần kéo giảm doanh số bán lẻ tính đến cuối tháng 7, theo Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế học Trung Quốc tại Capital Economics.

Làn sóng Covid-19 mới nhất đã lan tới hơn nửa trong số 34 tỉnh, thành của Trung Quốc, với hàng nghìn ca nhiễm mới. Chính quyền các địa phương đã áp dụng một loạt biện pháp phòng dịch mạnh tay nhằm chặn đứng đà lây lan của dịch bệnh, bao gồm phong tỏa nhiều thành phố, hủy các chuyến bay và cho đóng cửa các trung tâm thương mại và vui chơi giải trí...

Tỷ lệ thất nghiệp đối tại quốc gia này cũng tăng mạnh trong tháng 7 khi lên tới 16,2%, theo dữ liệu chính phủ. Đây là mức cao nhất được ghi nhận trong vòng một năm qua.

Có một vài nguyên nhân gây ra áp lực lên thị trường lao động. Có hơn 9 triệu sinh viên mới ra trường đang tìm việc tại Trung Quốc trong năm 2021. Và vì dịch bệnh, nhiều du học sinh đang học tập tại nước ngoài đã quay trở về quê hương nhằm tìm kiếm cơ hội cho bản thân.

Đợt bùng dịch mới nhất, cùng với sự gián đoạn bởi các trận lũ lụt tại khu vực miền trung “dường như đã ảnh hưởng tới công tác tuyển dụng sinh viên mới ra trường”, Evans-Pritchard nhận định trong bản báo cáo nghiên cứu công bố hôm 16/8.

Các nút thắt trong vấn đề nguồn cung tài chính cũng như những điều kiện tín dụng khắt khe hơn cũng làm dấy lên những lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

“Các quy định vay vốn chặt chẽ hơn đối với các nhà đầu tư bất động sản dường như khiến cho sức nóng của thị trường giảm xuống”, Pritchard cho biết thêm.

Sản xuất ôtô là lĩnh vực mang lại nhiều thất vọng nhất, khi giảm tới 8,5% so với cùng kỳ tháng 7/2020. Theo Iris Pang, nhà kinh tế học trưởng về Trung Quốc đại lục tại ING, nguyên nhân xuất phát từ tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn.

Lĩnh vực sản xuất máy tính, thiết bị viễn thông và nhiều sản phẩm điện tử khác cũng có xu hướng tăng trưởng chậm lại trong một vài tháng tới do thiếu chip, Pang bổ sung.

Có không ít các thách thức ở phía trước đối với nền kinh tế Trung Quốc. Trong tuần trước, chính quyền các địa phương đã cho đóng cửa một phân khu tại cảng Ninh Ba - Chu Sơn, cảng biển container lớn thứ 3 thế giới, sau khi một công nhân làm việc tại đây xác định dương tính với Covid-19. Cảng biển này xử lý khối lượng hàng hóa tương đương với 78.000 container 20-feet mỗi ngày, và phân khu bị đóng cửa chiếm khoảng 1/5 khối lượng hàng hóa được bốc dỡ tại cảng hàng hóa này.

“Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của khu vực Thượng Hải và vùng lân cận”, bà cho biết. “Chúng tôi dự báo sự tắc nghẽn tại đây có thể sẽ kéo dài trong vài tháng tới”.

Các quy định pháp luật gần đây trên các lĩnh vực như công nghệ, giáo dục,... cũng đã “kìm lại đà tăng trưởng” của các công ty công nghệ trong ngắn hạn, Pang bổ sung.

Trong khi đó, Evans-Pritchard cho biết ông kỳ vọng chi tiêu sẽ bật tăng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát và các biện pháp hạn chế được gỡ bỏ.

Nhưng ông dự báo rằng đà giảm tốc này có thể sẽ diễn biến xấu hơn khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vẫn tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng.

Di Di
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục