Nền kinh tế Trung Quốc chậm lại trong tháng 5

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế Trung Quốc đã "vấp ngã" trong tháng 5 với sản lượng công nghiệp và tăng trưởng doanh số bán lẻ thấp hơn dự báo.
Nền kinh tế Trung Quốc chậm lại trong tháng 5

Những biểu hiện của nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 5 đang làm tăng thêm dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ cần phải hành động nhiều hơn nữa để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế nước này sau đại dịch khi nền kinh tế đang có những biểu hiện lung lay.

Theo dữ liệu Cục Thống kê Quốc gia (NBS) mới công bố, sản lượng công nghiệp trong tháng 5 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, chậm hơn so với mức tăng 5,6% trong tháng 4 và thấp hơn một chút so với mức tăng 3,6% mà các nhà phân tích dự đoán trước đó, điều này là do các nhà sản xuất gặp khó khăn khi nhu cầu hàng hóa trong và ngoài nước đều yếu.

Doanh số bán lẻ - thước đo chính về niềm tin của người tiêu dùng - chỉ tăng 12,7%, thấp hơn so với dự báo trước đó của các nhà kinh tế là sẽ tăng trưởng 13,6% và chậm hơn so với mức tăng 18,4% của tháng 4.

Tất cả các dữ liệu cho đến nay đều gửi tín hiệu nhất quán rằng động lực kinh tế Trung Quốc đang suy yếu.

Zhiwei Zhang, chủ tịch của Pinpoint Asset Management

Các dữ liệu khác từ khảo sát hoạt động sản xuất của nhà máy, hoạt động thương mại đến tăng trưởng tín dụng và doanh số bán nhà đều cho thấy dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Số liệu của NBS cũng cho thấy, sản lượng thép trong tháng 5 giảm so với tháng 4 và giảm cả so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, sản lượng than khai thác trong tháng 5 cũng giảm so với tháng 4.

Những dữ liệu trên đã thách thức kỳ vọng của các nhà phân tích về sự phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế Trung Quốc khi các số liệu đều giảm mặc dù so với mức nền thấp của năm ngoái khi nước này vẫn áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để chống dịch Covid-19. Các số liệu cũng cảnh báo rằng Bắc Kinh cần nhiều biện pháp kích thích nền kinh tế.

Việc nền kinh tế mất đà khiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) trong tuần này phải cắt giảm một số lãi suất cơ bản để hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể, PBOC đã hạ lãi suất cho vay ngắn hạn xuống mức 1,9% và hạ lãi suất đối với các khoản vay cơ sở cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm đối với một số tổ chức tài chính xuống chỉ còn 2,65% từ mức 2,75% trước đó. Những động thái này được cho là sẽ mở đường cho việc cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) vào tuần tới.

Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng tại Jones Lang LaSalle, cho biết: “Nhu cầu trong nước không đủ và nhu cầu bên ngoài suy giảm có thể làm gián đoạn đà tăng trưởng của Trung Quốc trong những tháng tới. Chính quyền nước này cần đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế cùng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ quy mô lớn. Nhưng có thể cần 2- 3 năm để những biện pháp này thực sự thúc đẩy sự phục hồi kinh tế".

Các thị trường cũng đang đặt cược vào nhiều biện pháp kích thích hơn, bao gồm các biện pháp nhắm vào lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn, từng là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh thận trọng về việc triển khai các biện pháp kích thích mạnh mẽ cho nền kinh tế có thể làm tăng rủi ro hoạt động dòng vốn "tháo chạy" khỏi Trung Quốc, các nhà phân tích lại cho rằng cần phải nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa. Các ngân hàng thương mại lớn nhất nước này gần đây đã cắt giảm lãi suất huy động để giảm áp lực lên tỷ suất sinh lời của ngân hàng và khuyến khích người gửi tiết kiệm chi tiêu nhiều hơn.

Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu Trung Quốc tại Capital econom, cho biết, quý II nền kinh tế Trung Quốc đang yếu hơn so với dự đoán của ông và có lẽ cần có thêm hỗ trợ chính sách để ngăn nền kinh tế bước vào một cuộc suy thoái mới.

Hoạt động đầu tư bất động sản trong tháng 5 giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2001 khi giảm tới 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái, bên cạnh đó giá nhà mới cũng tăng chậm lại.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết, lĩnh vực bất động sản, vốn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, dự kiến ​​sẽ phải vật lộn với sự yếu kém trong nhiều năm. Thị trường lao động tiếp tục cho thấy dấu hiệu báo động với tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 của độ tuổi thanh niên tăng lên mức kỷ lục 20,8%.

Diệp Anh
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục