Nền kinh tế kiên trì vượt khó

Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 4/2017 đã có dấu hiệu khả quan hơn so với quý I/2017. Nền kinh tế đang từng bước vượt qua khó khăn.
Trong tháng 4/2017, công nghiệp chế biến, chế tạo đã có dấu hiệu tích cực trở lại. Ảnh: Đức Thanh Trong tháng 4/2017, công nghiệp chế biến, chế tạo đã có dấu hiệu tích cực trở lại. Ảnh: Đức Thanh

Kiên trì vượt khó

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/4 cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (7,4%), song theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, vẫn cao hơn mức tăng 4,1% của quý I năm nay - nguyên nhân cơ bản nhất khiến tăng trưởng kinh tế quý I/2017 chỉ đạt 5,1%. Có nghĩa là, nền kinh tế đã có dấu hiệu “nhúc nhắc” đi lên, dù chưa được như kỳ vọng.

Điều đặc biệt là, trong tháng 4/2017, công nghiệp chế biến, chế tạo đã có dấu hiệu tích cực trở lại, khi tăng tới 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, ngành chế biến, chế tạo đã tăng 9,2%, đóng góp 6,5 điểm % vào mức tăng chung. Quý I/2017, sản xuất của ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 8,4%, thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ.

4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới 39.580 doanh nghiệp, với 369.600 tỷ đồng, tăng 14% về số doanh nghiệp và tăng 48,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.    

Không chỉ sản xuất công nghiệp nhúc nhích tăng trở lại, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, khá nhiều điểm sáng cho nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm nay. Chẳng hạn, tháng 4/2017, cả nước có 13.102 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký là 98.400 tỷ đồng. Tuy số vốn đăng ký giảm so với tháng trước, song tháng 4 là tháng có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhiều nhất trong vòng 1 năm qua.

Nếu như tính chung cả 4 tháng, thì con số doanh nghiệp thành lập mới đã lên tới 39.580 doanh nghiệp, với 369.600 tỷ đồng, tăng 14% về số doanh nghiệp và tăng 48,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Nếu tính cả 455.700 tỷ đồng của các doanh nghiệp tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2017 đã lên tới 825.300 tỷ đồng, một con số rất có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Tất nhiên, con số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chưa đủ để nói lên sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam. Bởi thực tế, sau khi đạt kỷ lục 110.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016, kinh tế Việt Nam vẫn chỉ có mức tăng trưởng khá thấp trong quý I/2017. Tuy nhiên, việc ngày càng nhiều vốn từ xã hội được đổ vào đầu tư, sản xuất - kinh doanh sẽ tạo nền tảng cho nền kinh tế tăng trưởng và phát triển trong giai đoạn sau.

Trong khi toàn nền kinh tế đang kiên trì vượt khó, thì một trong những thông tin rất đáng chú ý khác, đó là kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn duy trì mức độ ổn định. Tháng 4/2017, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không thay đổi so với tháng trước đó, chỉ tăng 0,9% so với tháng 12/2016 và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Còn nếu tính bình quân, mức tăng là 4,8%, thấp hơn mức bình quân 4,96% của quý I/2017. Điều này cũng có nghĩa rằng, CPI bình quân - chỉ số hiện được lấy làm thước đo tính lạm phát của Việt Nam - đang có xu hướng giảm dần qua từng tháng. Và đây là dấu hiệu cho thấy, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang duy trì trạng thái ổn định.

Nhưng còn nhiều thách thức

Mới chỉ là những dấu hiệu nhúc nhắc ban đầu, còn thực tế, kinh tế Việt Nam năm 2017 vẫn còn nhiều khó khăn. Nhìn vào số liệu thống kê về tình hình xuất nhập khẩu, có thể rất vui mừng khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều đang rất mạnh.

Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 4 tháng qua ước tính đạt 61,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 64,1 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, đã bắt đầu thấy dấu hiệu giảm tốc về cả xuất nhập khẩu. Tháng 4/2017, Việt Nam chỉ xuất khẩu 16,70 tỷ USD, giảm 3,2% so với tháng 3/2017, đồng thời nhập khẩu 17,50 tỷ USD, giảm 4,6% so với tháng trước đó.

Điều quan trọng hơn, cán cân thương mại đang khá căng thẳng, khi 4 tháng, ước tính cả nước đã nhập siêu 2,74 tỷ USD, bằng 4,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhập siêu lớn sẽ “đe dọa” các cân đối vĩ mô của Việt Nam, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực tới tỷ giá hối đoái, trong bối cảnh đang có áp lực khá lớn sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đồng USD.

Thêm một động thái rất đáng chú ý. Đó là dù theo Cục Đầu tư nước ngoài, 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vẫn rất tích cực, với tổng vốn đăng ký lên 10,95 tỷ USD (bao gồm cả vốn đăng ký mới, tăng thêm và vốn góp thông qua mua cổ phần), tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng vốn giải ngân lại đang tăng chậm lại. 4 tháng, mới chỉ có 4,8 tỷ USD vốn FDI được giải ngân, tăng 3,2% so cùng kỳ.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư lừng chừng trong giải ngân vốn đầu tư.

Trong khi đó, theo phân tích của Công ty nghiên cứu thị trường MarketIntello, nhập siêu lớn và vốn giải ngân chậm, trong đó có vốn FDI, là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế quý I/2017 đạt thấp hơn kỳ vọng. Bởi vậy, nếu những yếu tố này không sớm được cải thiện - cả nhập siêu và giải ngân vốn đầu tư - thì dự báo, tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn.

Một báo cáo vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố cho biết, ước tăng trưởng của nền kinh tế trong quý II/2017 chỉ đạt khoảng 5,61%. Mặc dù cao hơn mức 5,12% của quý I/2017, song so với kỳ vọng tăng trưởng GDP 7% mỗi quý để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%, khoảng cách còn rất lớn. Do đó, thách thức trong điều hành kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là rất nặng nề.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục