TS. Lịch cho rằng, quy định đưa ra trong Thông tư 13/2010/TT–NHNN ban hành 20/5/2010 là đúng đắn và cần thiết để tiến tới các tiêu chuẩn quốc tế. Duy chỉ có điểm cần xem xét lại đó là tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế nên tính vào nguồn vốn huy động để cấp tín dụng, thay vì loại ra theo quy định tại Thông tư 13.
Với các quy định đưa ra tại Thông tư 13 được cho là sẽ “siết” tín dụng trong thời gian tới. Ý kiến của ông về về vấn đề này thế nào?
Theo tôi, các quy định đưa ra tại Thông tư 13 là đúng đắn và cần thiết, dần tiến tới các tiêu chuẩn quốc tế. Vì thực tế, với Trung Quốc hiện nay, các ngân hàng chỉ được phép cấp tín dụng với tỷ lệ 75% trên tổng vốn huy động, chứ không được 80% như Việt Nam. Còn quy định tỷ lệ an toàn vốn lên 9% sẽ tạo được tính an toàn cho cả hệ thống.
Duy chỉ có một điểm, theo tôi, cần xem xét lại là tiền gửi không kỳ hạn (tiền gửi thanh toán và tài khoản vãng lai) của các tổ chức kinh tế nên tính vào trong tổng nguồn vốn huy động, thay vì loại ra như quy định tại Thông tư 13. Tôi cho rằng, tiền gửi không kỳ hạn của doanh nghiệp rất lớn. Trong khi đó, nguồn vốn này không được tính vào nguồn vốn huy động để cho vay sẽ có khó khăn cho các NHTM. Do đó, theo tôi, cần tính lại điểm này, tức loại tiền gửi nào cần tính vào nguồn vốn huy động. Còn tiền gửi kho bạc thì khác, không được tính vào vốn huy động tôi cho là phù hợp.
Các ngân hàng cho rằng, thời gian thực hiện các quy định trong Thông tư nói trên là quá gấp. Với tư cách là thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, theo ông, có nên giãn thời điểm thực hiện để ngân hàng có thêm thời gian chuẩn bị?
|
Tôi cho rằng, khó có thể hoãn thời gian thực hiện các quy định trong Thông tư 13. Vì Thông tư này đã được ban hành từ tháng 5/2010. Do đó, các ngân hàng phải từng bước cân đối và báo cáo lên NHNN trước khi quy định trên bắt đầu có hiệu lực từ 1/10 tới.
Còn nếu có điều chỉnh, khả năng chỉ sẽ xem xét lại khoản tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế có nên tính vào nguồn vốn huy động hay không. Bởi trong một số trường hợp đặc biệt, các ngân hàng có thể dùng số tiền nhàn rỗi (tiền gửi thanh toán và tiền gửi tài khoản vãng lai của doanh nghiệp) để làm thế chấp vay vốn qua thị trường liên ngân hàng. Nếu tận dụng được điều này sẽ làm cho lãi suất giảm thêm.
Với quy định ngân hàng không được sử dụng quá 20% vốn liên ngân hàng làm vốn tín dụng và khi Thông tư 13 có hiệu lực, liệu lãi suất có khó giảm hơn không, thưa ông?
Theo tôi, lãi suất giảm trong thời gian qua đã là một nỗ lực khá lớn của thị trường. Vì thực tế, với kỳ vọng lạm phát năm 2010 ở mức 8%, trong khi đó, lãi suất huy động tiền gửi hiện nay phổ biến ở mức 10,5%/năm. Như vậy, lãi suất đã thực dương, song với chênh lệch 2,5%/năm cũng không phải là cao để có thể dễ huy động vốn. Mặt khác, một lượng trái phiếu Kho bạc phát hành trong 5 năm qua, với hơn 56.000 tỷ đồng đã hút một lượng tiền lớn của các NHTM nên lượng tiền đã cạn, không còn nhiều để cho vay ra, dẫn đến lãi suất sẽ khó có thể giảm mạnh.
Như vậy, nếu muốn giảm thêm lãi suất thì kỳ vọng lạm phát phải được kiềm chế ở mức 7%, thay vì 8% trong năm nay. Đồng thời, Ngân sách nhà nước không huy động thêm vốn nữa thì lãi suất cho vay thỏa thuận mới có thể giảm mạnh hơn hiện nay.
Nhưng lãi suất cho vay hiện nay, khách hàng có nhu cầu vẫn khó tiếp cận vốn vay?
Người vay vốn kêu khó tiếp cận được ngân hàng cũng cần xem xét lại từng loại khách hàng. Chẳng hạn với người vay tiêu dùng thì lãi suất ngân hàng áp dụng từ 16 – 17%/năm. Song thực tế, với các khách hàng chiến lược, sử dụng vốn vay cho mục đích xuất khẩu, nhiều ngân hàng hiện vẫn cho vay ở mức khoảng 12 – 12,5%/năm.
Đánh giá của ông như thế nào về tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng trong 7 tháng qua, với con số được NHNN công bố ở mức 12,96%/năm?
Tính đến thời điểm giữa tháng 8/2010, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đã xấp xỉ 14%. Do đó, theo tôi mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay khoảng 25% là hoàn toàn có khả năng. Trường hợp, nếu không đạt được con số này, tôi cho rằng cũng không có vấn đề gì và chúng ta không nên bằng mọi giá để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên. Vì nếu, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% mà tín dụng không tăng hết “room” theo mục tiêu kiểm soát cả năm là điều tốt cho nền kinh tế.
Tín dụng năm nay không tăng sẽ dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế trong năm tới?
Theo tôi, tín dụng tăng hay không còn tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường, vì thực tế hiện nay, các doanh nghiệp vay vốn cũng chưa mở rộng được việc đầu tư, kinh doanh. Do đó, nếu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong lúc này khó có thể tránh được vốn ngân hàng “chảy” vào thị trường bất động sản cũng như thị trường chứng khoán và điều đó là rất nguy hiểm. Nếu theo dõi sát, chúng ta cũng có thể thấy, khi tín dụng được nới lỏng, chứng khoán và bất động sản tăng theo. Ngược lại, khi chính sách tiền tệ “siết” tín dụng, chứng khoán và bất động sản sụt giảm trở lại.
Theo ông, xu hướng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ ra sao và liệu có giảm nhanh?
Tôi cho rằng, khả năng lãi suất cho vay thỏa thuận sẽ chỉ giảm thêm khoảng 0,5%/năm trong thời gian tới. Sau đó, xu hướng lãi suất sẽ tùy thuộc vào diễn biến của nền kinh tế. Còn kỳ vọng lạm phát trong năm nay sẽ được kiểm soát ở mức 8%.