Nên để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành mức thuế suất xuất khẩu tối thiểu

(ĐTCK) Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (XK, NK) hiện hành đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp sau gần 10 năm thực hiện. Do vậy, nhiều ý kiến DN và chuyên gia đều cho rằng, đã đến lúc cần phải sửa đổi, bổ sung để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp và nền sản xuất trong nước.
Theo Dự thảo, hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất sẽ được chuyển sang đối tượng miễn thuế Theo Dự thảo, hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất sẽ được chuyển sang đối tượng miễn thuế

Tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế XK, NK do Tổng cục Hải quan phối hợp cùng Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện USAID (GIG) tổ chức tại Hà Nội mới đây, đại diện Tổng cục Hải quan thừa nhận, Luật hiện hành đã bộc lộ khá nhiều bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, do đó, việc sửa đổi Luật là cần thiết.

Cụ thể, theo đại diện cơ quan này, Luật đã ban hành cách đây 10 năm nên nhiều nội dung quy định không còn phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật nói chung và một số luật liên quan gần đây, như Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, cũng như thực tiễn hoạt động xuất nhập khẩu.

Với hạn chế này, Luật Thuế XK, NK hiện hành chưa khuyến khích phát triển sản xuất trong nước, do vẫn có sự ưu đãi thuế khác nhau giữa hàng hoá NK để gia công thuộc đối tượng miễn thuế, với hàng hóa NK để sản xuất hàng hóa XK thuộc đối tượng hoàn thuế và hàng hóa NK vào khu chế xuất (thuộc đối tượng không chịu thuế).

Mặt khác, các quy định về miễn thuế hàng hóa NK tạo tài sản cố định của dự án ưu đãi đầu tư chưa rõ ràng, thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện.

Góp ý cho Dự thảo Luật từ thực tiễn vướng mắc trong hoạt động kinh doanh, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, hiện các DN kinh doanh xăng dầu bày tỏ lo ngại về việc thay đổi thuế suất thường xuyên, khiến DN gặp khó trong việc hoạt động kinh doanh.

Vì vậy, theo đề xuất của phía Petrolimex, quy định tại Điều 11 của Dự thảo Luật, về nguyên tắc thẩm quyền ban hành thuế suất, nên thực hiện theo phương án Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành mức thuế suất tối thiểu cho từng phân nhóm hàng thuộc danh mục nhóm hàng chịu thuế XK; Thủ tướng Chính phủ căn cứ vào mức thuế suất tối thiểu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, để quy định biểu thuế XK, biểu thuế NK đối với từng mặt hàng; quyết định áp dụng mặt hàng và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan, đối với từng mặt hàng trong trường hợp cần thiết. Bởi phương án này sẽ giúp ổn định thuế suất hơn, từ đó, DN có kế hoạch dài hạn, chủ động ký các hợp đồng lớn.

Bên cạnh đó, đại diện Công ty Honda Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật đã đưa ra thẩm quyền và nguyên tắc ban hành biểu thuế, tuy nhiên, việc giám sát thực hiện nguyên tắc này ra sao cùng cần được đưa vào Dự thảo. Bởi thực tế hiện nay, nhiều khi Biểu thuế được ban hành không thống nhất.

Ví dụ tiêu biểu nhất là việc áp thuế linh kiện và động cơ ô tô nguyên chiếc NK. Trong khi DN nhập khẩu động cơ nguyên chiếc được tính thuế NK 0%, thì Công ty Honda nhập linh kiện lại chịu thuế 5%. Điều này đã gây khó khăn cho DN khi đã đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn lao động.

Trong Dự thảo mới nhất của Luật sửa đổi, Ban soạn thảo Luật Thuế XK, NK (sửa đổi) cũng nêu lên một quy định mới về hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất, từ đối tượng hoàn thuế sẽ được chuyển sang đối tượng miễn thuế, nếu có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc đặt cọc một khoản tiền tương đương số tiền thuế NK của hàng tạm nhập - tái xuất.

Theo phân tích của Ban soạn thảo Luật, Luật Thuế XK, NK hiện hành quy định, hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất phải tạm nộp thuế hoặc thực hiện bảo lãnh khi tạm nhập và được hoàn thuế khi tái xuất. Tuy nhiên, trong hoạt động thực tế, các doanh nghiệp phải thực hiện bảo lãnh khi tạm NK hàng hóa, trong khi cơ quan Hải quan phải theo dõi trên sổ kế toán số tiền thuế này, làm tăng chi phí quản lý thuế.

Bà Lỗ Thị Nhụ, Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về quản lý loại hình này cho thấy, hầu hết các nước đều quy định hàng tạm nhập - tái xuất không phải nộp thuế trong thời hạn nhất định, nhưng phải tái xuất đúng thời hạn và phải đảm bảo bằng một khoản tiền đặt cọc tương đương nghĩa vụ thuế phải nộp (như Anh, Nhật Bản, New Zealand, Trung Quốc); hoặc đảm bảo bằng một khoản tiền đặt cọc nhất định (như Thái Lan, Lào, Campuchia); và quản lý, theo dõi bằng sổ tạm quản.

Vì vậy, để khắc phục những vướng mắc và phù hợp với thông lệ quốc tế, khoản 9 Điều 15 Dự thảo Luật Thuế XK, NK (sửa đổi) đã quy định chuyển hàng kinh doanh tạm nhấp - tái xuất từ đối tượng hoàn thuế sang đối tượng miễn thuế trong thời hạn tạm nhập - tái xuất, kèm với điều kiện phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc đặt cọc một khoản tiền tương đương số tiền thuế NK của hàng tạm nhập - tái xuất.

Mai Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục