Theo ông, có nên cho cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng tài sản công để kinh doanh?
Luật Tài sản nhà nước hiện hành nghiêm cấm cơ quan nhà nước sử dụng tài sản nhà nước để cho thuê hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh khác. Quy định như vậy, nhưng tình trạng cơ quan nhà nước vi phạm diễn ra không ít, đặt biệt là sử dụng mặt bằng để cho thuê vì trụ sở của cơ quan nhà nước thường nằm ở những vị trí đắc địa tại các đô thị.
Theo quy định hiện hành, cơ quan nhà nước phải sử dụng tài sản đúng mục đích, công năng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm; nếu không sử dụng; sử dụng sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, chế độ sẽ bị thu hồi, điều chuyển tài sản. Nhưng do công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều chuyển, thu hồi tài sản chưa được quan tâm đúng mức, nên những tài sản được Nhà nước giao không sử dụng đến, sử dụng không hết được các cơ quan nhà nước tìm mọi cách để cho thuê, khai thác, nhằm tăng thu nhập cho công chức, người lao động.
Theo tôi, sử dụng tài sản công phải đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ, mục đích, công năng. Cơ quan nhà nước được giao sử dụng tài sản công không được cho mượn, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản công hay sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, liên doanh liên kết.
Liệu có lãng phí khi tài sản công đã được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm, nhưng không sử dụng thường xuyên?
Trường hợp cơ quan nhà nước sử dụng sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, chế độ thì dứt khoát phải thu hồi, điều chuyển. Định kỳ 6 tháng hoặc hàng năm, cơ quan nhà nước phải báo cáo cơ quan dân cử (Quốc hội và HĐND các cấp) về tình hình quản lý, sử dụng, sự biến động cả vật chất lẫn giá trị tài sản công đang được giao cho cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng. Có như vậy mới tránh được tình trạng sử dụng tài sản công như tài sản “chùa”.
Còn đối với tài sản đúng định mức, đúng tiêu chuẩn, nhưng không được sử dụng thường xuyên, thì nên cho phép cơ quan nhà nước khai thác theo hình thức cho thuê, kinh doanh dịch vụ, nhưng không giao cho cơ quan nhà nước “tự tung tự tác”, mà giao thẩm quyền khai thác cho lãnh đạo các bộ, ngành hoặc UBND cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính hoặc thường trực HĐND cấp tỉnh.
Sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; sử dụng tài sản đúng mục đích đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản; tính đủ khấu hao tài sản cố định và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; thực hiện theo cơ chế thị trường và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.
Với đơn vị sự nghiệp thì sao, thưa ông?
Cần phải phân loại đơn vị sự nghiệp công lập, gồm đơn vị tự chủ hoàn toàn về tài chính cho chi thường xuyên và đầu tư, tự chủ một phần và chưa tự chủ. Với mỗi loại hình có cách quản lý, sử dụng tài sản công khác nhau theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bao nhiêu thì được tự chủ về quản lý, sử dụng tài sản công bấy nhiêu. Trong đó, với loại chưa tự chủ thì quy định quản lý, sử dụng tài sản công như đối với cơ quan nhà nước; đối với đơn vị tự chủ 100% thì quy định quản lý, sử dụng tài sản công tương tự như doanh nghiệp được Nhà nước giao vốn, tài sản.
Với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ 100% tài chính, biên chế, tổ chức bộ máy, theo ông, nên trao cho họ những quyền gì trong quản lý, sử dụng tài sản công?
Tôi đồng tình với việc cho phép đơn vị sự nghiệp công được sử dụng tài sản công chưa sử dụng hết công năng, công suất vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết nhằm phát huy công suất và hiệu quả sử dụng, nhưng không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao.
Với tài sản hình thành từ việc đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ 100% về tài chính, tổ chức, bộ máy, biên chế, bỏ vốn tự có, huy động vốn của đối tác, vay vốn ngân hàng thì phải có cách quản lý thoáng hơn.
Tôi cho rằng, quy định bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định đối với tài sản xe ô tô; tài sản có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê là không phù hợp nếu tài sản này hình thành từ việc đơn vị sự nghiệp tự chủ 100% về tài chính, bỏ vốn tự có, huy động vốn, vay ngân hàng.
Quản lý, sử dụng tài sản công nói chung kém hiệu quả, thậm chí thất thoát, lãng phí, khiến xã hội bức xúc. Cần có chế tài gì để chấn chỉnh công tác này, thưa ông?
Cần phải có chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi sử dụng tài sản công kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí theo hướng, người vi phạm ngoài kỷ luật, bồi thường thiệt hại, còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao tài sản công; thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về tài sản công hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài sản công, quyền và nghĩa vụ của đối tượng sử dụng tài sản công…