Nên bỏ ngay trần lãi suất

“Tự do hóa lãi suất sẽ thúc đẩy tự do hóa cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng, sẽ có lợi hơn cho người đi vay”.
“Sẽ không có vấn đề gì nếu bỏ trần lãi suất”, chuyên gia Vũ Đình Ánh khẳng định. “Sẽ không có vấn đề gì nếu bỏ trần lãi suất”, chuyên gia Vũ Đình Ánh khẳng định.

 

Ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đánh giá có thể bắt đầu tính đến việc bỏ trần lãi suất.

 

Điều kiện đã “chín”

Quan điểm của ông Cao Sỹ Kiêm được nhiều vị chuyên gia kinh tế đồng tình. Xét về điều kiện hình thành nên chủ trương thực hiện trần lãi suất, đặt trong bối cảnh hiện nay, đã có những thay đổi ở chính các điều kiện hình thành đó.

 

“Theo tôi thì nên bỏ”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nêu quan điểm. Ông cho rằng, các cuộc đua lãi suất từ khoảng 1-2 năm trở về trước, do một số ngân hàng nhỏ “khuấy động”, là một lý do chính để Ngân hàng Nhà nước áp dụng trần lãi suất.

 

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cũng có chung góc nhìn này. Theo ông Thành, với thị trường tiền tệ trước đây, khi lãi suất bị đẩy lên cao đã tạo nên nhiều bất lợi cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế, cũng vừa là tiền đề để nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng đến chính các ngân hàng.

Tuy nhiên, mọi sự đã thay đổi.

 

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tại thời điểm này rất khó để có thể xảy ra một cuộc chạy đua tăng lãi suất. Bởi vì, tăng trưởng tín dụng đã âm nhiều tháng nay, không ít ngân hàng đang mong muốn đẩy vốn ra.

 

“Sẽ không có chuyện chạy đua tăng lãi suất mà có khi sẽ là đua giảm lãi suất”, TS. Cao Sỹ Kiêm bình luận.

 

Một điểm rất quan trọng khác, thể hiện sự thay đổi lớn so với trước đây, theo lưu ý của ông Vũ Đình Ánh, những ngân hàng nhỏ là tác nhân gây ra đua lãi suất đã nằm trong “lưới” kiểm soát khi tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

 

“Lý do đặt trần lãi suất là để ngăn không cho họ quậy, ảnh hưởng chung đến thị trường tín dụng. Nay các lý do đó đã bị loại bỏ nhờ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nên đã đủ điều kiện để trả lãi suất về với thị trường”, ông Ánh nói.

 

“Vì vậy, nhân dịp này có thể làm luôn việc bỏ trần lãi suất”, ông Thiên bày tỏ sự đồng tình.

 

Bỏ trần lãi suất không đáng ngại

“Sẽ không có vấn đề gì nếu bỏ trần lãi suất”, chuyên gia Vũ Đình Ánh khẳng định.

 

Theo ông Ánh, khi bỏ trần, các ngân hàng sẽ phải điều chỉnh lãi suất theo tín hiệu thị trường, gồm cả thị trường tín dụng lẫn thị trường hàng hóa dịch vụ, theo tình hình lạm phát, tăng trưởng kinh tế, nợ xấu… Và điều đó thể hiện sự lành mạnh của thị trường tiền tệ.

 

“Ví dụ động cơ của Vietcombank có thể khác Vietinbank trong chiến lược ngân hàng, tại sao họ phải bắt tay nhau để có cùng lãi suất theo quy định trần”, ông Ánh nêu vấn đề.

 

TS.Trần Đình Thiên cũng chung góc nhìn này. “Tự do hóa lãi suất sẽ thúc đẩy tự do hóa cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng, sẽ có lợi hơn cho người đi vay”, ông nói.

 

Nhưng, trả lại việc quyết định lãi suất cho thị trường không phải là thị trường muốn làm gì thì làm mà Ngân hàng Nhà nước vẫn có các công cụ can thiệp. Ông Ánh cho rằng, can thiệp của Ngân hàng Nhà nước đối với lãi suất sau khi bỏ trần sẽ chuyển sang sử dụng các công cụ “truyền thống” như tái chiết khấu, tái cấp vốn…

 

Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã từng điều hành như vậy, để cho các ngân hàng tự quyết về lãi suất và vận hành của hệ thống vẫn trơn tru.

 

Nhưng, “lỗi” là do trong quá khứ có lúc đã không kiểm soát được hoạt động tín dụng, để các ngân hàng thương mại đẩy tín dụng tăng trưởng quá nóng dẫn tới lạm phát và bất ổn cho nền kinh tế, tác động ngược lại đến tình hình nợ xấu của hệ thống tín dụng.

 

“Bây giờ sai đâu thì sửa đấy”, chuyên gia Vũ Đình Ánh nói.

 

Cụ thể, các chuyên gia khuyến cáo Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường  hơn nữa việc thanh tra, giám sát tín dụng đầu ra của các ngân hàng thương mại, ngăn chặn kịp thời rủi ro tín dụng, rủi ro đạo đức...

 

“Khi đã kiểm soát được tín dụng thì bản thân các ngân hàng thương mại sẽ phải cân đối lãi suất huy động và nhu cầu huy động”, ông Ánh phân tích.

 

TS. Cao Sỹ Kiêm nói thêm, việc kiểm soát tín dụng sẽ phải được thiết lập chặt chẽ, nếu phát hiện vi phạm cần xử lý thật nặng một vài trường hợp sẽ có tác dụng ngăn chặn các vi phạm tương tự xảy ra.


NDH Money

Tin cùng chuyên mục