NĐT nước ngoài và trò chơi "lướt sóng"

(ĐTCK-online) Tập đoàn Ngân hàng toàn cầu CitiGroup vừa công bố báo cáo "Điều các nhà đầu tư mong muốn", chủ yếu đánh giá về xu hướng đầu tư đang gia tăng của các nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường mới nổi cũng như những khuyến nghị đối với các công ty trong nước. Một điểm đáng lưu ý là xu hướng này bao gồm cả đầu tư ngắn hạn với những chiến thuật rất bài bản. ĐTCK xin trích đăng một phần nội dung của báo cáo này.
NĐT nước ngoài và trò chơi "lướt sóng"

Lợi ích

Theo đánh giá của Citigroup, trong 5 năm qua, đầu tư cổ phiếu vào thị trường mới nổi đạt tốc độ tăng 2 con số. Chỉ tính năm 2006, giá trị các khoản đầu tư lên đến 260 tỷ USD, trong đó đầu tư gián tiếp - FII (có ít hơn 10% tỷ lệ cổ phần sở hữu/quyền bỏ phiếu) chiếm 58 tỷ USD (con số này năm 2002 chỉ là 1 tỷ USD).

Các quỹ tự bảo hiểm đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi ghê ghớm này. Tính tới cuối năm 2006, có tổng cộng 271 quỹ cổ phiếu tư nhân tại các thị trường mới nổi đã tăng vốn đầu tư vào thị trường này. Trong năm 2006, tại châu Á, các quỹ cổ phiếu tư nhân đã mua 30 tỷ USD tài sản.

Qua điều tra 1.500 công ty tại thị trường mới nổi cho thấy, so với năm 2001, lượng cổ phiếu sở hữu bởi các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng gấp 4 lần. Những công ty có mức sở hữu FII cao (hơn 30%) đã được lợi, cụ thể là được định giá cao hơn mức quy định từ 6 - 20% so với DN khác.

Lĩnh vực công nghệ ở châu Á đã thu hút một lượng đầu tư cổ phiếu lớn nhất từ các tổ chức đầu tư nước ngoài. Các hãng công nghệ với hơn 10% cổ phần thuộc vốn FII không chỉ có tốc độ tăng trưởng hai con số mà còn có các biên độ sản xuất và tỷ lệ phân bổ vốn lớn gấp hai lần so với các hãng công nghệ có ít hơn 10% vốn FII. Ngoài lĩnh vực công nghệ thì ngành công nghiệp viễn thông ở châu Á cũng thu hút nhiều FII hơn so với các lĩnh vực khác.

"Lướt sóng"

Một xu hướng mới trong đầu tư cổ phiếu mà Citgroup gọi là "Chủ nghĩa đầu tư ngắn hạn tại các thị trường mới nổi" được nhận định là đang tăng lên. Các nhà đầu tư ngắn hạn chính là những nhà đầu tư gây sức ép để các công ty thay đổi chính sách của mình, bao gồm các kế hoạch thôn tính, sáp nhập, phân phối vốn, cấu trúc vốn hoặc tiền mặt hóa tài sản.

Các chiến thuật này thường liên quan đến việc đạt một tỷ lệ sở hữu cổ phần trong công ty, sau đó đưa ra các nhu cầu chung về quản lý, với hy vọng rằng các nhà đầu tư khác sẽ cùng tham gia vào chiến dịch của họ. Vì các nhà đầu tư ngắn hạn này chỉ có ý định đầu tư trong thời gian ngắn nên chỉ cần một thông báo trước về các hoạt động quản lý làm tăng giá trị cổ phiếu là đã đủ để họ thu được lợi ích. Các phân tích cho thấy, các chiến dịch đầu tư ngắn hạn đã thành công trong việc định giá cổ phiếu: hệ số P/E đã tăng mạnh trong số các công ty có tỷ lệ cổ phiếu thuộc quyền sở hữu nước ngoài cao, cao hơn gần 40% so với P/E của các công ty có tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp.

Ví dụ, KT&G - nhà sản xuất thuốc lá và nhân sâm lớn nhất Hàn Quốc, đã trở thành mục tiêu của nhà đầu tư ngắn hạn khi các cổ đông nước ngoài do Warren Lichtenstein và Carl Icahn cầm đầu đã giới thiệu với ban lãnh đạo KT&G một danh sách các yêu cầu tăng giá cổ phiếu. Sáu tháng sau khi công bố công khai mục tiêu của các nhà đầu tư nước ngoài, giá cổ phiếu của KT&G đã tăng 28%, trong khi chỉ số chứng khoán Kospi giảm 4,7%.

Quản trị công ty cần hoàn thiện

Kết luận về các vấn đề trong báo cáo này mới dừng ở mức khuyến nghị hành vi đối với các công ty tại các thị trường mới nổi trên cơ sở hiện tượng được phân tích chứ chưa thành một đề xuất chính sách cụ thể đổi với tất cả công ty. Theo Citigroup, các công ty cần phải cân nhắc tới 3 vấn đề ở dạng câu hỏi đối với xu hướng đầu tư toàn cầu này. Đó là, bạn có am hiểu nhà đầu tư của bạn hay không? Thực tế là năng lực xây dựng quan hệ với các nhà đầu tư tại các công ty nhỏ thường rất yếu kém, do đó, những công ty này dễ bị tổn thương trước sức ép của các nhà đầu tư.

Câu hỏi thứ hai là chiến lược tài chính của bạn có phù hợp với chiến lược tăng trưởng hay không? Bởi lẽ, nhiều công ty gặp khó khăn khi phải lựa chọn giữa tăng trưởng và lợi tức bởi áp lực về trả cổ tức cao luôn duy trì trong khi việc xây dựng một cơ chế phát triển bền vững cũng là điều cần đòi hỏi.

Cuối cùng là bạn đã tính tới quỹ đầu tư cổ phần tư nhân (private equity Fund) hay chưa? Đây là vấn đề còn để ngỏ bởi một mặt nó mang lại các lợi ích như cấp vốn, chuyển giao kinh nghiệm, nhưng đồng thời nó cũng giữ tư cách là một đối thủ cạnh tranh. Các quỹ cổ phiếu tư nhân đang chiếm hơn 20% các hoạt động thôn tính, sáp nhập và tỷ lệ này có thể tăng lên do quy mô vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi đang tăng. Do đó, theo theo Citigroup, quỹ cổ phiếu tư nhân là mối đe dọa hay là một cơ hội còn phục thuộc vào đặc điểm của từng công ty.

Ngọc Kha
Ngọc Kha

Tin cùng chuyên mục