Mặc dù chưa nhận được sự xác nhận chính thức từ cả phía BaoViet Holding và HSBC về khả năng chia tay, nhưng giới phân tích đánh giá khả năng chấm dứt mối lương duyên giữa tập đoàn bảo hiểm và một đại gia ngân hàng là có thể xảy ra. Bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài từng được xem là sự lựa chọn sáng suốt của nhiều doanh nghiệp Việt Nam , nhưng nhiều mối quan hệ sau đó đã không như kỳ vọng. Ngay khi kết thúc thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu, không ít cuộc chia tay vội vã diễn ra.
Khoảng lặng NĐT chiến lược
Cách đây gần 3 năm, trong buổi roadshow giới thiệu cổ phiếu DVD ngày chào sàn HOSE, CTCP Dược phẩm Viễn Đông thông báo vừa hoàn tất đợt phát hành 3 triệu cổ phiếu cho BankInvest với giá 8 “chấm”. Với tỷ lệ nắm giữ 30%, Quỹ PENM thuộc BankInvest được trang trọng giới thiệu chính thức trở thành NĐT chiến lược của DVD. Không nắm giữ cổ phần đơn thuần, quỹ thành viên đến từ Đan Mạch này còn cử người tham gia HĐQT DVD. Tuy nhiên, niềm hy vọng và phấn khởi không kéo dài, vì nhiều rắc rối bắt đầu xuất hiện tại DVD sau vụ thâu tóm bất thành Dược phẩm Hà Tây. Khoản đầu tư của PENM trở thành ác mộng thực sự, vì không lâu sau đó, một loạt lãnh đạo cao cấp của DVD vướng vào vòng lao lý. May mắn là Quỹ đã kịp thời tháo chạy khỏi DVD, khi cổ phiếu này trên đường trở thành giấy vụn. Giới chuyên môn ước tính, PENM thiệt hại khoảng 10 triệu USD.
Nếu như “cuộc hôn nhân” giữa một quỹ đầu tư và một công ty dược có các khoảng cách nhất định, tạo ra rủi ro, thì nhiều cuộc hôn nhân “ngành” cũng không có kết quả tốt đẹp. Đơn cử, năm 2007, Deutsche Bank hoan hỉ công bố trở thành đối tác chiến lược của Habubank (HBB), sau khi sở hữu 10% cổ phần. Vài năm sau, ngân hàng có tiếng về quản lý rủi ro trên toàn cầu này lại đứng giữa hai sự lựa chọn khó khăn: hoặc chấp nhận giảm vị thế xuống còn 3% tỷ lệ sở hữu sau khi HBB sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB); hoặc gia tăng tỷ lệ sở hữu lên mức tương ứng, với cam kết hỗ trợ cho ngân hàng sau sáp nhập trên nhiều lĩnh vực. Chưa biết Deutsche Bank chọn hướng nào, vì cuộc hôn nhân SHB - HBB vẫn đang dang dở. Nhưng ước tính, với thương vụ đầu tư vào HBB, định chế tài chính này đang lỗ khoảng 25 triệu USD.
Xu hướng hợp tác ngành có dấu hiệu nổi lên, thay vì đầu tư tài chính đơn thuần
Tương tự, giới tài chính đều thông tỏ cuộc chia tay giữa Dragon Capital và Ngân hàng ANZ với Sacombank mới đây, trên bề nổi được tuyên bố từ lý do tái cơ cấu danh mục đầu tư, nhưng phía sau là các bất đồng khó hàn gắn, bắt nguồn từ các góc nhìn khác nhau về phương pháp quản trị doanh nghiệp. Cũng vì lý do này, Dragon Capital thoái vốn khỏi Sudico (SJS) và Dầu thực vật Tường An (TAC).
Một số “cuộc hôn nhân” được nhìn nhận là hạnh phúc, sự hợp tác được nhìn nhận mang tính chất chiến lược đúng nghĩa, nhưng thi thoảng vẫn vô tình vạch áo cho người xem lưng, để lộ những khoảng khắc “cơm không lành, canh không ngọt”. Chẳng hạn, đầu năm nay, Lotte Cofectionery (Hàn Quốc) - NĐT chiến lược nắm 38% vốn tại CTCP Bibica (BBC) bất ngờ tuyên bố muốn đơn phương đổi tên Bibica thành CTCP Lotte - Bibica.
Dĩ nhiên, tham vọng này vấp phải sự phản ứng quyết liệt của Ban lãnh đạo người Việt. Vì vậy, thị trường mới được nhìn sâu hơn vào mối quan hệ hợp tác một thời được kỳ vọng đến mức đẩy giá cổ phiếu BBC tăng gấp 4 - 5 lần khi hai bên công bố trở thành đối tác chiến lược: không chỉ báo động tham vọng của Lotte từng bước muốn xóa sổ thương hiệu bánh kẹo lớn thứ hai ở thị trường nội địa, lãnh đạo Bibica còn tố cáo đối tác Hàn Quốc thực hiện việc chuyển giá với nhóm sản phẩm xuất khẩu. Trong dự án hợp tác Chocopie, phía Việt Nam chịu thua thiệt khi hợp tác. Lúc này, nhiều cổ đông Bibica mới nhớ lại cách đây 2 năm, chính Lotte đơn phương phủ quyết tờ trình chia thưởng cổ phiếu. Trước ĐHCĐ, lãnh đạo Bibica khi đó phân trần rằng, phía Lotte phản đối công khai vì việc chia thưởng sẽ ảnh hưởng đến một số quyền lợi của họ.
Qua thời cưỡi ngựa xem hoa
Vì đâu các cuộc hợp tác được kỳ vọng một thuở trở thành cuộc hôn nhân buồn tẻ và đối tác ngoại nắm ngay lấy cơ hội ra đi khi hết thời gian hạn chế chuyển nhượng vốn? Có nhiều lý do, nhưng chắc chắn có những lý do khác nhau về tầm nhìn và mục tiêu. Chẳng hạn, lãnh đạo một doanh nghiệp lớn ngành thủy sản niêm yết đã từng rút ra kinh nghiệm khi đánh giá các quỹ đầu tư luôn gây áp lực về tăng trưởng và minh bạch, nhưng hầu như không có hỗ trợ đáng kể nào sau khi mua cổ phần. Còn trong cuộc trả lời phỏng vấn của ĐTCK vào cuối năm ngoái, một lãnh đạo cao cấp của Sacombank tỏ ý nuối tiếc khi cho biết, nếu được chọn lựa lại, sẽ không lựa chọn NĐT chiến lược là các quỹ đầu tư, bởi họ luôn sẵn sàng chốt lời vì lý do lợi nhuận, khiến Ngân hàng gặp khó.
Bên cạnh sự khác biệt về văn hóa, các NĐT chiến lược dày dạn như Deutsche Bank cũng chỉ gây ảnh hưởng hạn chế lên các khoản đầu tư và chịu thua lỗ. Nguyên nhân chính từ tỷ lệ nắm giữ hạn chế số cổ phần. Với tỷ lệ nắm giữ 10% của Deutsche Bank tại Habubank, 18% của HSBC tại BaoViet Holding, các định chế tài chính này khó có thể tham gia điều hành sâu vào hoạt động của doanh nghiệp.
Những quỹ đầu tư chuyên nghiệp như BankInvest cũng khó có thể hiểu các góc khuất của TTCK Việt Nam, với thủ thuật bơm, đẩy lợi nhuận và giá cổ phiếu. Làm sao đại diện các quỹ đầu tư đến từ các TTCK phát triển có thể hòa đồng được với các phương thức quản trị DN theo kiểu bao cấp, khi tại không ít DN, đại diện cổ đông nhà nước vẫn bao phủ chiếc bóng lên phòng họp HĐQT? Không có tiếng nói tương xứng, tất yếu NĐT chiến lược chọn giải pháp rút lui.
Một chuyển động đáng chú ý trong thời gian gần đây là các cuộc hôn nhân ngành đang nổi lên, thay thế cho xu hướng đầu tư tài chính đơn thuần trước đây. Điển hình là các thương vụ trong lĩnh vực thực phẩm như Tập đoàn đồ uống có cồn nổi tiếng thế giới Diageo nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Cồn Rượu Hà Nội (Halico) lên 46%, Kinh Đô bán lại 10% cổ phần cho Tập đoàn Thực phẩm Ezaki Glico đến từ Nhật Bản, Cholimex bán 19% cổ phần cho Nichirei Food… Với mức độ hiểu biết ngành sâu sắc, xu hướng hợp tác này hứa hẹn sẽ thực chất hơn, chấm dứt điệu tăng gô buồn của các NĐT chiến lược, khi trước đây khi mới chỉ có thời gian “cưỡi ngựa xem hoa”.