Nasdaq thất bại trong tham vọng “bành trướng”

(ĐTCK-online) Không mấy ai ngạc nhiên trước tuyên bố từ bỏ ý định mua lại sàn NYSE Euronext của hai sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq OMX Group và sàn liên lục địa Intercontinental Exchange (ICF) hôm thứ Hai vừa rồi. Ngay từ đầu, rõ ràng là Nasdaq đang thực hiện một công việc hầu như bất khả thi khi cố gắng sáp nhập với một sàn giao dịch khác cũng của Mỹ.
CEO Nasdaq Robert Greifeld
CEO Nasdaq Robert Greifeld

Thương vụ đã không vượt qua được rào cản pháp lý của Mỹ, bởi lẽ nó chứa đầy nguy cơ của chủ nghĩa độc quyền. Christine Varney, một quan chức chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ, đã đưa ra một bản thông cáo ngay sau tuyên bố rút lui của Nasdaq, nói rõ rằng: “Thương vụ sẽ tiêu trừ tính cạnh tranh về giá, về các dịch vụ chất lượng cao và sự đổi mới trong phương thức niêm yết, giao dịch và các dịch vụ dữ liệu mà các nhà điều hành các sàn giao dịch này cung cấp cho cộng đồng nhà đầu tư và cho các công ty đã và sẽ niêm yết trên thị trường Mỹ”.

Giám đốc điều hành của Nasdaq, Robert Greifeld, bày tỏ sự thất vọng của mình về bản tuyên bố, nói rằng, việc rút lui xuất phát từ tình thế “rõ ràng rằng chúng tôi sẽ không thể thành công trong việc xin cấp phép cho thương vụ cho dù có đưa ra một loạt giải pháp có đầy đủ cơ sở”.

Thực ra, ngay từ tháng 4 vừa rồi, khi Nasdaq đưa đề nghị chào mua lại sàn giao dịch đồng hương, người ta đã có thể lường trước thất bại của nó. Những nỗ lực của họ thực chất cũng ngốn không ít tiền, vậy nhưng tại sao Nasdaq và ICE vẫn tỏ ra tận tuỵ với ý định của mình?

Có rất nhiều nguyên nhân có thể giải thích cho hành động này. Nasdaq đang tụt hậu trước làn sóng sáp nhập toàn cầu trong ngành công nghiệp kinh doanh sàn giao dịch. Họ thà thử đưa ra lời chào mua để xác định liệu việc sáp nhập có khả thi hay không còn hơn để tuột mất cơ hội.

Nasdaq có con bài chủ nghĩa dân tộc. Họ có thể quảng bá một chiến dịch sáp nhập giữa những cá thể của nước Mỹ và xem đó như cách tốt nhất để duy trì sức cạnh tranh của đất nước trước các đối thủ khác trên thế giới. Nhưng dù sao, Nasdad cũng đã nhầm khi cho rằng, lý luận đó sẽ làm xuôi được các quan chức của Bộ Tư pháp.

Một nguyên nhân khác, lời chào mua của Nasdaq cho phép họ tự thể hiện rằng, họ vẫn muốn trở thành một sàn giao dịch toàn cầu. Nói cách khác, nó giống như một sự đánh tiếng với các sàn giao dịch khác trên thế giới rằng, họ đang sẵn sàng cho một sự sáp nhập.

Trong cả hai trường hợp trên, một phi vụ chào mua cũng bõ công, cho dù Nasdaq đã biết họ không thể vượt qua rào cản chống độc quyền của đất nước mình.

Đây là lần thứ hai Robert Greifeld thất bại sau khi không thể đàm phán mua lại sàn London Stock Exchange của Anh. Người ta nói ngài giám đốc đã hành động quá vội vàng và rằng cho dù vì lý do gì cũng không đáng để tiêu tốn vào một mục tiêu không có mấy khả năng thành công.

Đến ngay bản thân kẻ bị chào mua NYSE Euronext cũng tỏ ra chống đối Nasdaq. NYSE đã khoét sâu thêm thế bất lợi của Nasdaq và ICE bằng cách từ chối hoãn đại hội cổ đông của mình lại (để lấy ý kiến về việc bán lại sàn giao dịch). Nó khiến Nasdaq phải đẩy thật nhanh thương lượng với các quan chức của Bộ Tư pháp, trong khi nếu tiếp cận họ một cách chậm rãi hơn thì sự việc đã khác. Thêm vào đó, công chúng tỏ ra lo ngại rằng, một sự kết hợp Nasdaq-NYSE sẽ dẫn tới hậu quả thất nghiệp cho hàng loạt người.

Giờ đây, Ban quản trị NYSE Euronext bỗng trở nên “vô tội” trước các cổ đông khi từ chối lời đề nghị hơn 11 tỷ USD của Nasdaq, để quay sang xem xét lời chào chỉ có 10 tỷ USD của Sở Giao dịch chứng khoán Đức Deutsche Boerse AG. Dẫu vậy, cổ đông của họ có vẻ tỏ ra không mấy đồng tình, khi mà giá cổ phiếu NYSE tụt tới 10% hôm thứ Hai vừa rồi.

Về phần Deutsche Boerse, thông báo của Nasdaq là một may mắn bất ngờ. Nếu thương vụ được chấp thuận, NYSE sẽ lên đường để trở thành một sàn giao dịch nước ngoài và đó sẽ là một chiến thắng mới cho chủ nghĩa toàn cầu hóa.

Trong khi đó, Nasdaq lại đang quay sang tìm kiếm một đối tác nước ngoài cho mình, không loại trừ khả năng hướng tới London Stock Exchange thêm một lần nữa.


Hải Linh (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục