Napas: Thương hiệu thẻ quốc gia - con đường tất yếu phải đi

(ĐTCK) Việc đưa ra thương hiệu Thẻ quốc gia NAPAS là hoàn toàn cần thiết, mang lại lợi ích lớn cho ngân hàng và người dân, cũng như thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. 
Việc thống nhất một thương hiệu thẻ quốc gia sẽ tạo thuận tiện lớn khi thanh toán cả trong và ngoài nước Việc thống nhất một thương hiệu thẻ quốc gia sẽ tạo thuận tiện lớn khi thanh toán cả trong và ngoài nước

Bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam đã trao đổi như vậy với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2016 về thương hiệu Thẻ quốc gia NAPAS. 

Được biết, Banknetvn vừa đổi thương hiệu thành NAPAS. Bà có thể giới thiệu qua về thương hiệu NAPAS?

NAPAS - viết tắt từ National Payment Services. Sau khi hoàn thành công tác sáp nhập CTCP Dịch vụ Thẻ Smartlink, CTCP Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn) đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao thêm nhiều nhiệm vụ mới để phát triển hạ tầng thanh toán bán lẻ tại Việt Nam, bên cạnh công tác vận hành hệ thống chuyển mạch thẻ quốc gia thống nhất duy nhất.

Các dự án hoàn thiện hạ tầng thanh toán bán lẻ mà Banknetvn được giao triển khai gồm: Xây dựng bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa; Xây dựng Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH) tại Việt Nam; Nghiên cứu, đề xuất giải pháp khuyến khích phát triển hệ thống POS, quy hoạch hệ thống ATM tại Việt Nam và Xây dựng Cổng chuyển mạch quốc gia kết nối tập trung các ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán, các tổ chức thẻ quốc tế góp phần đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa công nghệ trong thanh toán, nâng cao năng lực quản trị và đáp ứng yêu cầu quản lý của các cơ quan nhà nước.

Với những nhiệm vụ mới được NHNN giao, chúng tôi nhận thấy, phát triển hạ tầng thanh toán bán lẻ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam là sứ mệnh của Công ty trong giai đoạn phát triển mới, chuyển mạch tài chính chỉ là một cấu phần của hệ thống thanh toán bán lẻ.

Napas: Thương hiệu thẻ quốc gia - con đường tất yếu phải đi ảnh 1

Bà Nguyễn Tú Anh, 

Để phù hợp với tầm nhìn và sứ mệnh, Công ty đã xin các cấp có thẩm quyền phê duyệt để đổi tên thành CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (tên tiếng Anh là National Payment Corporation of Vietnam), thể hiện việc Công ty làm hạ tầng quốc gia cho các giao dịch thanh toán bán lẻ, không chỉ riêng giao dịch chuyển mạch thẻ. Công ty cũng xin phê duyệt NAPAS là tên thương hiệu của Công ty, đồng thời là thương hiệu thẻ quốc gia.

Theo đó, thiết kế logo NAPAS được phát triển từ ý tưởng “sự kết nối, nơi hội tụ”.  Logo gồm tên thương hiệu và biểu trưng 3D, gồm nhiều tấm thẻ hội tụ và thể hiện mũi tên phát triển đi lên của thị trường thanh toán Việt Nam nói chung và của Công ty nói riêng.

Logo NAPAS thể hiện tầm vóc thương hiệu thẻ quốc gia, kết nối toàn bộ các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán, đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ (merchants), đơn vị có nhu cầu thực hiện các dịch vụ thanh toán vào hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia; hỗ trợ người dùng dễ dàng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm/ dịch vụ thanh toán thẻ, góp phần gia tăng tỷ trọng giao dịch thanh toán trong sử dụng thẻ. 

Đâu là lý do cho việc đưa ra thương hiệu mới này, thưa bà?

Sau hơn 20 năm phát triển, thị trường thẻ Việt Nam có sự tham gia của hơn 40 ngân hàng với 90 triệu chủ thẻ nội địa, nhưng vẫn thiếu vắng thương hiệu thẻ quốc gia. Từng ngân hàng phát triển thương hiệu thẻ nội địa riêng rẽ. Việc không có nhận diện thương hiệu thẻ nội địa đồng nhất ngay tại mạng lưới các điểm sử dụng và thanh toán thẻ (ATM, POS) trong phạm vi Việt Nam dẫn tới hạn chế trong công tác thông tin, truyền thông tới các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ, cũng như người sử dụng thẻ, để có thể thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tương xứng với tiềm năng của thị trường.

Napas: Thương hiệu thẻ quốc gia - con đường tất yếu phải đi ảnh 2

Các lô thẻ mới phát hành của nhiều ngân hàng sắp tới sẽ được triển khai trên cơ sở thương hiệu thẻ quốc gia NAPAS 

Kết quả khảo sát sơ bộ do chúng tôi triển khai qua một đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, mặc dù việc liên thông mạng lưới các điểm sử dụng và thanh toán thẻ nội địa (ATM, POS) đã được Banknetvn và Smartlink triển khai từ năm 2008 - 2010 nhưng phần lớn các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ và người sử dụng thẻ vẫn chỉ nhận biết và sử dụng dịch vụ theo từng thương hiệu thẻ riêng rẽ của các ngân hàng. Cụ thể, thẻ của ngân hàng nào sẽ được thanh toán tại POS của chính ngân hàng đó và thẻ nội địa chỉ có thể rút tiền tại ATM mà chưa biết đến tính năng thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ tại các điểm chấp nhận thanh toán thẻ POS.

Về phương diện quốc tế, từ năm 2011, được sự cho phép của NHNN, Banknetvn đã triển khai một số hợp tác quốc tế song biên với một số nước trong khu vực thông qua mạng thanh toán châu Á (APN - Asian Payment Network) như Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Nga... Trong quá trình triển khai kết nối song biên giữa các quốc gia, chúng tôi nhận thấy, Việt Nam chưa có thương hiệu đồng nhất để triển khai nhận diện thương hiệu ở mạng lưới sử dụng và chấp nhận thanh toán thẻ (ATM, POS) tại các quốc gia bạn.

Napas: Thương hiệu thẻ quốc gia - con đường tất yếu phải đi ảnh 3

 NAPAS cam kết đồng hành với các ngân hàng phát triển dịch vụ thanh toán điện tử

Hiện nay, thương hiệu Smartlink và Banknetvn được thể hiện rất nhỏ ở mặt đằng sau của thẻ nội địa mà khách hàng vẫn quen gọi là thẻ ATM và khách hàng chỉ biết đến thẻ ATM của Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank... mà không gọi là thẻ Smartlink hay Banknetvn. Tuy nhiên, để khách hàng nhận biết và sử dụng được những thẻ ATM này ở nước ngoài, thì cần phải có thương hiệu chung quốc gia, gắn vào ATM, POS tại nước ngoài như một dấu hiệu chấp nhận thanh toán thẻ. Chúng ta không thể gắn mấy chục logo ngân hàng của Việt Nam lên máy ATM, POS ở nước ngoài. Chính vì vậy, chúng tôi đã thuê đơn vị tư vấn tổ chức nghiên cứu thị trường, đánh giá việc nhận diện và bảo hộ 2 thương hiệu Banknetvn và Smartlink tại quốc tế.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, cả 2 thương hiệu Banknetvn và Smartlink đều không sử dụng được tại thị trường quốc tế vì đã có những thương hiệu tương tự được bảo hộ rồi. Từ góc độ kinh doanh, góc độ thương hiệu lẫn góc độ pháp lý, chúng tôi thấy sự cần thiết phải xây dựng thương hiệu mới đại diện cho Việt Nam tham gia kết nối, hợp tác quốc tế. Nói rộng ra là phải có cách làm thương hiệu mới.

Một năm sau sáp nhập mới ra mắt thương hiệu thẻ mới, theo bà, như vậy có quá chậm và tại sao lại đưa ra thương hiệu mới vào thời điểm này?

Đúng là Banknetvn và Smartlink hoàn thành công tác sáp nhập từ 1/4/2015 nhưng sau sáp nhập, chúng tôi mới có điều kiện để đánh giá thương hiệu, nghiên cứu thị trường trong nước và quốc tế để xây dựng chiến lược phát triển theo tầm nhìn và sứ mệnh mới.

Toàn bộ công tác nghiên cứu, xây dựng thương hiệu được chúng tôi báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền và triển khai trong 6 tháng. Việc xây dựng phát triển thương hiệu mới không chỉ là tên gọi mà là cả hệ thống nhận diện thương hiệu để thúc đẩy hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Việc rút tiền tại ATM, sau đó cầm tiền mặt mua hàng hóa thì không khác biệt so với chi tiêu bằng tiền mặt. Thanh toán không dùng tiền mặt là khách hàng sử dụng thẻ, quẹt qua thiết bị POS như cách mà Visa và MasterCard đang làm, hoặc sử dụng thẻ, tài khoản ngân hàng để thanh toán tại các website thương mại điện tử của đơn vị bán hàng, tiến tới thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến qua điện thoại di động. Vì vậy, cần phải có một cái tên thương hiệu thẻ đồng nhất để thúc đẩy toàn bộ câu chuyện đó, từ đó thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, làm sao chuyển từ việc ra ATM rút tiền sau đó đi chợ, vào siêu thị mua sắm thành dùng thẻ thanh toán tại tất cả các siêu thị, cửa hàng, cửa hiệu, nhà hàng có chấp nhận thẻ, cũng như mua sắm online.

Do vậy, thương hiệu thẻ quốc gia NAPAS ra đời nhằm đồng nhất nhận diện thương hiệu chung về thẻ thanh toán Việt Nam, thẻ thanh toán dành cho mọi người dân Việt, thay thế cho tiền mặt, dễ dàng tham gia nhờ thủ tục phát hành đơn giản thông qua hệ thống các ngân hàng, có thể sử dụng để thanh toán tại các điểm chấp nhận thẻ POS và rút tiền mặt tại ATM trong nước, có thể sử dụng tại mạng lưới ATM/POS của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới có gắn logo NAPAS thông qua kết nối quốc tế mà chúng tôi đang triển khai. 

Thời điểm 1 năm tôi nghĩ là thời điểm phù hợp để đưa ra thương hiệu mới. Trong 1 năm vừa qua, ngoài nghiên cứu thương hiệu, thì chúng tôi cũng thực hiện tích hợp hệ thống của cả Smartlink và Banknetvn, kiện toàn lại toàn bộ sản phẩm dịch vụ của 2 công ty. Thương hiệu mới sẽ được dùng cho các dịch vụ không chỉ đáp ứng nhu cầu rút tiền liên ngân hàng mà còn những dịch vụ khác như Dịch vụ cổng thanh toán thương mại điện tử mà Công ty hiện đang cung cấp cho các DN lớn như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Đường sắt Việt Nam và rất nhiều merchants online lớn khác... Trước kia, cổng thanh toán phải liệt kê hàng loạt logo của các ngân hàng, giờ chỉ cần logo NAPAS là mọi người có thể nhận biết được cổng thanh toán cho phép chấp nhận thanh toán bằng thẻ nội địa của tất cả các ngân hàng kết nối vào mạng lưới NAPAS.

Một thay đổi quan trọng nữa, đó là nhận dạng trên thẻ. Ví dụ trước đây thẻ Techcombank có logo nhỏ Smartlink hay Banknetvn ở đằng sau. Nay thương hiệu NAPAS mới sẽ được thể hiện trên mặt trước của thẻ như cách thể hiện của các tổ chức thẻ Visa, MasterCard. Một số ngân hàng như ACB, Sacombank đã triển khai việc thiết kế theo nhận dạng thương hiệu NAPAS trên thẻ mới. Trong năm 2016, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng đẩy mạnh triển khai nhận diện thương hiệu thẻ quốc gia NAPAS trên toàn bộ các sản phẩm thẻ nội địa được phát hành mới.

Khi logo NAPAS được thể hiện trên thẻ, khách hàng sẽ dễ dàng có được sự liên hệ trực diện với logo NAPAS tại ATM có thương hiệu NAPAS, tại POS, cổng thanh toán thương mại điện tử có thương hiệu NAPAS cả trong và ngoài lãnh thổ Việt nam. Mọi người sẽ loại bỏ suy nghĩ là họ đang sở hữu đơn thuần một chiếc thẻ ATM. Bởi nếu khách hàng cứ nghĩ là thẻ ATM, thì sẽ cho rằng chỉ có thể rút tiền tại ATM thôi.

Phản ứng của các ngân hàng thế nào? Các ngân hàng có lợi gì từ thương hiệu mới, thưa bà?

Các ngân hàng đã quen với việc phát triển thương hiệu của ngân hàng, cũng như của các tổ chức thẻ quốc tế và đều ghi nhận sự hạn chế khi thiếu vắng thương hiệu thẻ quốc gia để phát triển thị trường. Do vậy, các ngân hàng rất ủng hộ khi có chủ trương cùng kiến tạo thương hiệu thẻ quốc gia. Chúng tôi cũng không thể đi một mình mà không có các ngân hàng trong chiến lược phát triển thương hiệu thẻ quốc gia NAPAS.

Khi có một thương hiệu quốc gia chung như thế này, chúng tôi sẽ triển khai đồng bộ với ngân hàng những chương trình phát triển thương hiệu và marketing chung để khách hàng của tất cả các nhà băng hiểu được rằng, thẻ NAPAS có thể chi tiêu tại rất nhiều nơi mà không mất phí và rất tiện dụng, thẻ NAPAS không chỉ là thẻ rút tiền ATM mà còn thanh toán được tại POS, trên internet và tại nước ngoài. Như vậy, các ngân hàng cũng được lợi về mặt thương hiệu và hiệu quả cộng hưởng đến toàn thị trường. Vì vậy, thương hiệu thẻ quốc gia rất được các ngân hàng chào đón và là xu thế tất yếu của thị trường khi chuyển sang giai đoạn phát triển về chất, không chỉ về lượng.

Thực tế, ngay khi nhận được thông báo của chúng tôi về thương hiệu thẻ quốc gia NAPAS, các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, ACB, TPBank, Sacombank… đã triển khai ngay thiết kế trên lô thẻ mới sắp phát hành cùng với hệ thống nhận diện thương hiệu tại mạng lưới ATM, POS, cổng thanh toán của các ngân hàng.

Hiện nay, Thẻ NAPAS có thể sử dụng được tại những quốc gia nào?

Hiện đã có khá nhiều quốc gia có kết nối với NAPAS như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nga… Điều đó có nghĩa rằng, chủ thẻ NAPAS có thể sử dụng để rút tiền tại ATM, cũng như thanh toán tại các quốc gia này.

Tuy nhiên, trước mắt, Thẻ NAPAS mới được sử dụng để rút tiền tại nước ngoài, còn việc quẹt thẻ sẽ được thực hiện ở giai đoạn 2 theo lộ trình thống nhất giữa các quốc gia với nhau. Song rút tiền cũng là một tiện ích thiết thực do phí chuyển đổi ngoại tệ hợp lý, bởi là chuyển đổi song biên giữa NAPAS và các đơn vị chuyển mạch tại các quốc gia. Như khi cà thẻ Visa, MasterCard ở nước ngoài, mọi người thường không để ý, nhưng sẽ có phí chuyển đổi ngoại tệ khoảng 3% tùy ngân hàng. Trong khi đó, tỷ giá ngoại tệ của thẻ NAPAS theo kết nối song biên với nhau đang không áp dụng phí chuyển đổi ngoại tệ, chỉ áp dụng phí chuyển đổi theo công bố của Reuters và chia sẻ phí xử lý giao dịch giữa các bên. Do vậy, phí giao dịch của thẻ NAPAS là cạnh tranh hơn các thẻ quốc tế khi giao dịch ở nước ngoài.

Bao giờ triển khai được việc quẹt thẻ NAPAS ở nước ngoài?

Hiện các bên đang nỗ lực để đưa ra một tiêu chuẩn, một khung kỹ thuật chung. Việc triển khai thanh toán thẻ tại các điểm POS ở nước ngoài đang được bám theo lộ trình chuyển đổi thẻ chip do liên quan đến việc quản lý rủi ro, cũng như cơ chế xử lý rủi ro trên POS.

Theo lộ trình chuyển đổi thẻ chip của NHNN, đến năm 2020, toàn bộ thẻ nội địa tại Việt Nam sẽ được chuyển đổi hoàn toàn từ công nghệ thẻ từ sang thẻ chip. Với công nghệ thẻ chip có độ an toàn bảo mật cao, thì việc triển khai các giao dịch chấp nhận thẻ tại POS sẽ thuận lợi hơn.

Chúng tôi cũng đặt kế hoạch trước mắt là triển khai kết nối với các tổ chức chuyển mạch của các quốc gia trong khu vực, sau đó sẽ nhân rộng mô hình và kết nối trực tiếp với các tổ chức thẻ quốc tế.

Trong quá trình triển khai, NAPAS có cần cơ chế chính sách hỗ trợ gì?

Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển hạ tầng phục vụ thanh toán bán lẻ và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, chúng tôi mong muốn có được những hướng dẫn, hành lang pháp lý đầy đủ để cùng với ngân hàng triển khai các dự án được giao theo đúng lộ trình cam kết và đạt hiệu quả cao nhất.

Việc thể hiện thương hiệu thẻ quốc gia NAPAS trên mặt trước thẻ nội địa và tại hệ thống nhận diện thương hiệu của các ngân hàng nhằm tạo sự đồng nhất, là yếu tố thuận lợi cho công tác phát triển thương hiệu thẻ quốc gia. NAPAS cũng sẽ xây dựng các tiêu chuẩn, chính sách chung của toàn thị trường để triển khai đồng bộ cùng với các ngân hàng, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế trong thanh toán.

Chúng tôi cũng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, trực tiếp từ NHNN và các cơ quan quản lý, đặc biệt là chủ trương về sự tự chủ và chủ quyền quốc gia trong hệ thống thanh toán. Tự chủ ở đây thể hiện, trong mọi trường hợp xảy ra, thì hệ thống thanh toán quốc gia vẫn đảm bảo hoạt động một cách thông suốt, không bị gián đoạn. Muốn vậy, phải đảm bảo sự giám sát của NHNN, các cơ quan quản lý nhà nước trong việc vận hành toàn bộ hệ thống thanh toán quốc gia. Đặc biệt, giao dịch của chủ thẻ Việt Nam thực hiện tại Việt Nam càng cần phải có sự tham gia xử lý của Công ty Thanh toán Quốc gia như NAPAS.

Tuy là đơn vị được hưởng miễn trừ cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính, nhưng chúng tôi cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các ngân hàng phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán điện tử tiện ích, hướng tới lợi ích cao nhất cho người dùng, khẳng định và ghi dấu thương hiệu thẻ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Nhuệ Mẫn thực hiện


Đặc san Toàn cảnh ngân hàng 2016

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục