Chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa là mục tiêu chiến lược của NHNN Việt Nam theo hướng tiết kiệm chi phí cho xã hội, tiện lợi cho người dân trong thanh toán không dùng tiền mặt. Ông có thể cho biết, khuôn khổ hành lang pháp lý nào cho vấn đề này?
Trong hoạt động thanh toán, ngành ngân hàng là một trong những ngành chủ động đi đầu ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghệ 4.0, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng các tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả; công tác đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán điện tử được coi trọng và tăng cường. Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng.
Ông Nguyễn Quang Minh
Ngày 5/10/2018, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Quyết định số 1927/QĐ-NHNN công bố các yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc tại Việt Nam tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) về thẻ chip nội địa (gọi tắt là TCCS về thẻ chip nội địa). Việc áp dụng tiêu chuẩn thẻ chip sẽ gia tăng nhiều tính năng, tiện ích cho khách hàng, góp phần quan trọng cho thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhờ đưa ra những thay đổi về công nghệ, mức độ an toàn, bảo mật so với thẻ từ trước đây.
Để hoàn thiện khung pháp lý áp dụng TCCS về thẻ chip nội địa làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng thực hiện, ngày 28/12/2018, Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 41/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2019 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (Thông tư 41), trong đó có yêu cầu: Tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ phải tuân thủ TCCS về thẻ chip nội địa khi phát hành thẻ khi có BIN do NHNN cấp và áp dụng đối với ATM, thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán của tổ chức thanh toán thẻ; quy định lộ trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip đối với tổ chức phát hành thẻ và thanh toán thẻ.
Ngày 13/3/2019, NHNN đã có Công văn số 1524/NHNN-TT đề nghị các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ chủ động, nghiêm túc tổ chức triển khai áp dụng TCCS về thẻ chip nội địa theo lộ trình chuyển đổi quy định tại Thông tư 41; yêu cầu các đơn vị nêu trên phải đảm bảo hoạt động thẻ diễn ra liên tục, ổn định và an toàn, đồng thời phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ thẻ trong quá trình thực hiện chuyển đổi.
NHNN cũng khuyến khích các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ hoàn thành triển khai việc áp dụng TCCS về thẻ chip nội địa trước thời hạn so với quy định.
Vậy, Napas đã chuẩn bị như thế nào cho câu chuyện này?
Với vai trò là đơn vị chuyển mạch và bù trừ điện tử các giao dịch thẻ và là đối tượng điều chỉnh của Thông tư số 41/TT-NHNN, Napas đã hoàn thành nâng cấp hệ thống chuyển mạch, đảm bảo việc xử lý các giao dịch thẻ theo quy định của bộ TCCS thẻ chip nội địa do NHNN ban hành. Đồng thời, Napas cũng đã sẵn sàng triển khai việc kiểm tra, đánh giá tính đáp ứng bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa VCCS theo thông lệ quốc tế cho các sản phẩm thẻ, thiết bị chấp nhận thẻ và hệ thống xử lý giao dịch (host) của các hãng sản xuất và các ngân hàng.
Hướng tới mục tiêu nhằm chuẩn hóa kết nối hệ thống chuyển mạch theo bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa (VCCS) cũng như hỗ trợ các ngân hàng hoàn thành mục tiêu chuyển đổi 25 triệu thẻ ATM, 150.000 máy POS và 6.000 máy ATM vào cuối năm 2019 theo lộ trình chuyển đổi thẻ chip của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN, NAPAS đã triển khai chương trình giảm phí dịch vụ chuyển mạch (tùy theo loại giao dịch) lên đến 80% cho các ngân hàng thành viên hoàn thành các điều kiện kỹ thuật để chuyển đổi thẻ từ sang tiêu chuẩn thẻ chip nội địa từ 1/5/2019.
Có thể khẳng định, Napas hoàn toàn sẵn sàng cùng với các ngân hàng thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip theo lộ trình chuyển đổi được NHNN ban hành. Chúng tôi đảm bảo nguồn lực về nhân sự và công nghệ để hỗ trợ các ngân hàng chuyển đổi được thuận tiện nhất.
Theo ông, đâu là những mục tiêu trước mắt mà Napas cần hoàn thành?
Hiện Việt Nam có 41 ngân hàng với số lượng thẻ từ hiện tại vào khoảng 75 triệu thẻ. Số lượng POS với khoảng gần 280.000 máy, phần lớn POS đã tuân theo Tiêu chuẩn EMV và việc nâng cấp để hỗ trợ Tiêu chuẩn thẻ chip nội địa không quá phức tạp..
Như đã trao đổi ở trên, bản thân Napas đã sẵn sàng đễ hỗ trợ thị trường chuyển đổi. Chúng tôi đã và đang phối hợp với 7 ngân hàng đầu tiên để hoàn thành việc phát hành và xử lý giao dịch thẻ chip nội địa trong quý II/2019. Napas đã và đang phối hợp với các ngân hàng còn lại xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết để cùng các ngân hàng nâng cấp hệ thống phát hành và chấp nhận thẻ theo tiêu chuẩn VCCS.
Bên cạnh đó, Napas tiếp tục hỗ trợ các đơn vị cung cấp mới trong lĩnh vực thẻ và thiết bị chấp nhận thẻ để đánh giá và đưa ra các sản phẩm tuân theo tiêu chuẩn thẻ chip nội địa VCCS để giúp các ngân hàng có thể nhanh chóng và dễ dàng lựa chọn được các sản phẩm có sẵn, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí chuyển đổi cho các ngân hàng.
Khó khăn trong quá trình chuyển đổi là không tránh khỏi. Theo ông, đó là những trở ngại gì? Sau khi thực hiện chuyển đổi, đâu là lợi ích thu về trong dài hạn?
Theo kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, khó khăn lớn nhất là quá trình chuyển đổi bị kéo dài, vượt quá lộ trình đặt ra ban đầu; dẫn đến hạ tầng không đồng bộ do phải duy trì song song nhiều bộ tiêu chuẩn và không xử lý triệt để được vấn đề bảo mật, chống gian lận trong giao dịch thanh toán. Do vậy các bên tham gia cần cam kết việc chuyển đổi bám sát theo lộ trình đã được NHNN ban hành.
Ngoài ra, lợi ích mà thẻ chip khi thay thế thẻ từ ngoài việc giúp cho các giao dịch thanh toán an toàn hơn, bảo mật hơn thì còn mở ra cho các ngân hàng điều kiện thuận lợi để phát triển tính năng thanh toán mới, hiện đại cho các sản phẩm thẻ nội địa. Napas đang nghiên cứu việc hợp tác với các tổ chức thẻ quốc tế để cùng với các ngân hàng Việt Nam phát hành ra thị trường thẻ đồng thương hiệu (co-badge) giữa thẻ nội địa và thẻ quốc tế, cho phép khách hàng sở hữu chiếc thẻ này sử dụng tại thị trường nội địa Việt Nam cũng như sử dụng thuận tiện ngoài biên giới, ngoài lãnh thổ.
Có thể nói, cơ hội mở ra cho thị trường thanh toán không dùng tiền mặt Việt Nam khi triển khai thành công chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip là rất lớn, đặc biệt đối với thẻ chip không tiếp xúc (contactless). Bộ tiêu chuẩn thẻ chip sẽ là 1 nền tảng cơ bản để số hoá thông tin thẻ lên thiết bị di động, tiến đến cho phép người dùng sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán. Tương lai thị trường sẽ đón nhận trào lưu thanh toán “quẹt”, “chạm”, khách hàng chỉ cần chạm thẻ hoặc điện thoại vào thiết bị chấp nhận POS và đi. Mặt khác, các thẻ không tiếp xúc sau khi được cung cấp ra thị trường sẽ hỗ trợ tích cực cho các khoản thanh toán dịch vụ công, các dịch vụ công ích khác và đặc biệt thanh toán trong giao thông. Việc 75 triệu thẻ ngân hàng có thể sử dụng để thanh toán các dịch vụ giao thông công cộng giúp gia tăng tiện ích, là cơ hội mở rộng dịch vụ cho cả ngành ngân hàng và giao thông, giảm được chi phí cho xã hội. Vì vậy, rất cần các cơ quản lý nhà nước có những xúc tiến, phối hợp liên bộ/ngành để việc triển khai ứng dụng được nhanh chóng trong thực tế.
Bên cạnh đó, với chính sách không cần nhập PIN cho các giao dịch giá trị thấp, thẻ chip nội địa sẽ giúp lược bỏ được các thao tác cho khách hàng khi thanh toán, thao tác thanh toán dễ dàng, thuận tiện cũng là một trong những điều kiện tiên quyết giúp thay đổi và chuyển dịch thói quen thanh toán từ tiền mặt sang thẻ; góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ và NHNN.