Mặc dù Thông tư 41/2016/TT-NHNN mới chỉ “phủ” được một phần các tiêu chuẩn của Basel 2, nhưng để đáp ứng các quy định trong văn bản này, đòi hỏi nỗ lực không nhỏ của các nhà băng.
Tăng vốn hoặc chấp nhận bị sáp nhập, phá sản
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính phân tích, cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) cho biết, trong Thông tư 41/2016/TT-NHNN, vấn đề tỷ lệ an toàn vốn đã tiến gần đến quy định quản lý rủi ro của Basel 2, nhưng tự thân Thông tư 41 chưa phải là Basel 2.
Các quy định và tiêu chí trong Basel 2 rộng và phức tạp hơn nhiều. Nhưng ít nhất Thông tư 41 quy định về tỷ lệ an toàn vốn mà đây cũng là điểm chính của Basel 2, sự phù hợp liên quan đến vấn đề vốn cho mỗi ngân hàng.
Theo đó, Thông tư 41 quy định vốn chủ sở hữu phải được phân bổ để bảo đảm an toàn cho các loại tài sản có rủi ro của một ngân hàng. Những tài sản đó được tính toán chặt chẽ, có những hệ số rủi ro cho từng loại tài sản.
Chẳng hạn, một món nợ có hệ số rủi ro bằng 0 thì không đòi hỏi ngân hàng phải có vốn chủ sở hữu bảo đảm, nhưng một món nợ có hệ số rủi ro 100%, ngân hàng phải “trích lập” vốn chủ sở hữu tương đương với tối thiểu 8% của món nợ để bảo đảm ngân hàng hoạt động an toàn.
Còn nếu một món nợ có hệ số rủi ro 200%, ngân hàng phải “trích lập” vốn chủ sở hữu tương đương với 16% giá trị sổ sách của món nợ. Một ngân hàng phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 8% trên tổng tài sản có rủi ro.
Ngân hàng nào không bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sẽ được Ngân hàng Nhà nước đặc biệt “chiếu cố”
Ðiểm đặc biệt của Thông tư 41/2016/TT-NHNN là cách tính tài sản có rủi ro rất khác so với Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Nếu như Thông tư 3/2014/TT-NHNN chỉ tập trung vào rủi ro tín dụng, thì theo yêu cầu của Thông tư 41/2016/TT-NHNN, ngoài rủi ro tín dụng, ngân hàng phải tính cả tài sản có rủi ro về thị trường, tài sản có rủi ro hoạt động.
Với công thức tính hệ số an toàn vốn của ngân hàng (CAR) = Vốn chủ sở hữu/Tổng tài sản có rủi ro, việc mẫu số “Tổng tài sản có rủi ro” phình thêm ra, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng nếu không được nâng lên, tỷ lệ an toàn vốn sẽ đi xuống.
“Ðó chính là lý do tỷ lệ an toàn vốn tính theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN là 9%, nhưng theo Thông tư 41/2016/TT-NHHH sẽ giảm xuống 8%. Dù hiện tỷ lệ an toàn vốn của toàn hệ thống là trên 12%, song nếu tính đúng, tính đủ theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, nhiều ngân hàng vẫn không đạt.
Một ngân hàng không đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% trong một thời gian dài có thể bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Nếu tỷ lệ xuống đến một mức rất thấp, chẳng hạn 1 - 3%, NHNN có thể sử dụng biện pháp đặc biệt được quy định trong Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, bao gồm cho vay đặc biệt, sáp nhập và cuối cùng là phá sản”, TS. Hiếu nói.
Ðược biết, Thông tư 41/2016/TT-NHNN có hiệu lực vào ngày 1/1/2020, cùng với Thông tư 13/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 và Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ để buộc các nhà băng phải có đủ vốn chủ sở hữu và hoạt động lành mạnh, kiểm soát rủi ro tốt, nếu không muốn nhận được “cái roi” cuối cùng là sáp nhập vào ngân hàng khác hay nặng nề hơn là bị buộc phá sản.
Hai vấn đề nổi cộm của ngân hàng Việt
Theo TS. Hiếu, các ngân hàng trong nước đang đứng trước hai vấn đề. Thứ nhất, phải nâng vốn tự có, vốn chủ sở hữu để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn đạt 8% khi tổng tài sản có rủi ro tăng lên theo cách tính mới.
Chẳng hạn, với một món cho vay doanh nghiệp, hệ số rủi ro tính theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN là 100%, nhưng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN có thể tăng lên đến 200%, tùy từng doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không có báo cáo tài chính, nghĩa là độ rủi ro cao hơn nhiều nên phải sử dụng hệ số rủi ro đến 200%.
Tất cả những món nợ của ngân hàng và tài sản có của các ngân hàng phải tính lại để có thể đáp ứng được hệ số rủi ro mới. Ðây là việc làm không đơn giản, vì mỗi ngân hàng có hàng chục ngàn khách hàng và tình hình tài chính của khách hàng thay đổi thường xuyên, giá trị tài sản bảo đảm thay đổi thường xuyên.
Ngân hàng không thể theo dõi thủ công, mà phải có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Ngay cả việc thanh tra của Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm các ngân hàng tuân thủ các quy định của Thông tư 41 cũng không dễ dàng.
Thứ hai, ngân hàng phải có một dữ liệu về tất cả những loại tài sản rủi ro của mình từ nhiều năm, những dữ liệu đó sẽ cho ngân hàng biết về mức độ rủi ro của mỗi món vay hay mỗi loại tín dụng. Ðó là vấn đề các ngân hàng Việt gặp nhiều trở ngại, bởi có những ngân hàng không lưu trữ dữ liệu một cách thống nhất từ nhiều năm nay.
Mỗi năm, ngân hàng có thể thay đổi tính chất của loại nợ, ví dụ như cho vay bất động sản lúc thì được tính vào cho vay kinh doanh, lúc lại được tính vào tín dụng tiêu dùng. Cách mà các ngân hàng lưu giữ tín dụng về tài sản rất bất nhất trong những năm qua chính là lý do khiến các nhà băng gặp nhiều khó khăn khi phải sử dụng những dữ liệu trong quá khứ.
“Việc tuân thủ theo Thông tư 41 không dễ dàng nhưng lợi ích khi thực hiện Thông tư 41 là rất rõ ràng khi bắt buộc sổ sách của các ngân hàng phải minh bạch hơn; bảo đảm các ngân hàng có vốn chủ sở hữu thích hợp để hoạt động. Ngân hàng nào không bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sẽ được Ngân hàng Nhà nước đặc biệt “chiếu cố”, TS. Hiếu nói.
Ðiểm đáng chú ý, bắt đầu từ ngày 1/4/2019, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng xếp hạng tín nhiệm các tổ chức tín dụng trên cơ sở các tiêu chí CAMELS (vốn, chất lượng tài sản, quản trị, lợi nhuận, thanh khoản và rủi ro thị trường) và xếp hạng theo các mức độ A (khá), B (tốt), C (trung bình), D (yếu) và E (yếu kém). Theo TS Hiếu, nhà băng được xếp hạng D và E là những đơn vị “chuẩn bị cho đi vào lịch sử” nếu không tăng vốn và khẩn trương tái cơ cấu.
Thực tế, hệ thống ngân hàng Việt còn non trẻ so với hệ thống tài chính trên thế giới, trong khi thời gian qua xuất hiện nhiều rủi ro qua việc nhiều sai phạm được phát hiện, mức độ tín nhiệm vẫn bị đánh giá thấp. Với việc thực hiện Thông tư 41/2016/TT-NHNN, hệ thống ngân hàng Việt sẽ tiệm cận các quy chuẩn an toàn tài chính quốc tế, uy tín của ngân hàng Việt được nâng lên và từ đó, việc gọi vốn đầu tư từ bên ngoài sẽ dễ dàng hơn.
“Nhiều lần tôi gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài, họ thường hỏi một câu: “Các ông có điểm tín nhiệm không?”. Khi tôi nói là không, tôi hiểu mức độ hào hứng của họ cũng giảm xuống. Phải nâng mức độ tín nhiệm của ngân hàng Việt để kêu gọi đầu tư và Thông tư 41/2016/TT-NHNN giúp giải quyết vấn đề này”, TS. Hiếu nói.
Bài 2: Ép tăng vốn, ngân hàng lộ “gót chân Asin”