Nâng tỷ giá USD/VND, lợi và hại!

(ĐTCK-online) Đã có nhiều chuyên gia phân tích có quan điểm khác nhau về chuyện nâng tỷ giá USD/VND lần gần đây nhất của NHNN Việt Nam. Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi vẫn muốn đưa ra quan điểm riêng của mình về việc lợi và hại trong việc hạ giá VND vừa qua.
Chuyện nâng hoặc hạ tỷ giá phải dựa vào cung cầu thực sự trên thị trường ngoại tệ - Ảnh minh họa: Đức Thanh Chuyện nâng hoặc hạ tỷ giá phải dựa vào cung cầu thực sự trên thị trường ngoại tệ - Ảnh minh họa: Đức Thanh

>> Tăng tỷ giá, hãm đà tín dụng ngoại tệ

>> Tăng tỷ giá, có đáng để lo lắng?

>> Nâng biên độ tỷ giá - Một mũi tên trúng hai đích

>> Tăng tỷ giá USD/VND liên ngân hàng  

Một số quan điểm cho rằng, hạ giá VND có hại nhiều hơn là lợi vì điều này làm tăng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, đồng thời làm giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng lên dẫn tới lạm phát, mặt khác các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là gia công nên, hạ giá VND sẽ không khuyến khích xuất khẩu tăng hơn trước. Hơn nữa, hạ giá VND có thể khiến cho các khoản vay nợ bằng USD của Chính phủ và các doanh nghiệp trở nên cao hơn. Tuy nhiên, theo người viết, việc nâng tỷ giá lần này của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý.

 

 

Nâng tỷ giá USD/VND là hợp lý

 

Hiện nay, vẫn tồn tại hai loại tỷ giá USD, một là tỷ giá niêm yết chợ đen và một là tỷ giá niêm yết tại ngân hàng.

 

Doanh nghiệp và người dân khi mua USD không phải lúc nào cũng mua đúng giá niêm yết tại ngân hàng, nhiều khi giá chợ đen mới phản ánh chính xác tình hình cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Như vậy, việc có nâng hay không nâng tỷ giá niêm yết tại ngân hàng thì điều chúng ta quan tâm chính là việc tỷ giá thực sự mà doanh nghiệp và người dân đang giao dịch thực sự là bao nhiêu. Nếu các doanh nghiệp đang giao dịch với tỷ giá chợ đen thì việc niêm yết tỷ giá của ngân hàng phải phù hợp với giá chợ đen là hoàn toàn hợp lý, vì việc công bố tỷ giá chỉ là hình thức và bản chất thì giá USD mà doanh nghiệp mua để nhập hàng hóa và nguyên vật liệu đã khác xa với giá niêm yết tại ngân hàng.

 

Tại Việt Nam việc quản lý ngoại tệ không phải thả nổi mà có sự kiểm soát của Nhà nước. Nhưng việc kiểm soát cũng phải tuân theo quy luật thị trường, nếu chỉ quản lý bằng mệnh lệnh hành chính sẽ tạo ra những hiện tượng méo mó trong điều hành và quản lý kinh tế. Do vậy, việc hạ giá VND để phù hợp với quan hệ cung cầu USD trên thị trường theo tôi là hợp lý.

 

Việc hạ giá VND cũng không làm cho nợ nước ngoài của Việt Nam tăng lên, vì chúng ta nợ bằng USD thì đương nhiên cũng phải trả bằng USD, nên chuyện tăng, hay giảm tỷ giá này không ảnh hưởng nhiều.

 

Tuy nhiên, với các khoản nợ của doanh nghiệp bằng USD thì cũng có hai trường hợp, nếu là doanh nghiệp vay nợ bằng USD và nguốn thu cũng bằng USD thì không ảnh hưởng, nhưng nếu là thu bằng VND thì sự trượt giá nêu trên cũng gây ra những thiệt hại nhất định với doanh nghiệp, tuy nhiên, so với chênh lệch lãi vay của tiền VND và USD thì sự trượt giá này so với việc vay tiền VND có thể doanh nghiệp vẫn có lợi hơn.

 

Mặt lợi của việc hạ giá VND

 

Tuy rằng nền kinh tế của Việt Nam gia công là chủ yếu nhưng việc hạ giá VND cũng buộc cách doanh nghiệp chuyên nhập khẩu nguyên liệu và hàng hóa phải suy nghĩ giải pháp khác hơn, đó là hình thức sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu, Việt Nam đang trong quá trình hướng tới việc tái cơ cấu nền kinh tế, nên phát triển nền sản xuất trong nước là hết sức quan trọng.

 

Các nước khác trên thế giới kể cả Mỹ, Đức, Nhật cũng không mong muốn đồng tiền của họ tăng giá và đặc biệt là Trung Quốc, họ đã có một thời kỳ dài sử dụng chính sách đồng nhân dân tệ được định giá thấp để khuyến khích sản xuất trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, điều này đã giúp ích không nhỏ trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.

 

Với nền kinh tế Việt Nam , một số ngành nghề như nông nghiệp, khai thác khoáng sản, du lịch… ít phụ thuộc vào nhập khẩu thì sẽ có sức cạnh tranh hơn. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng có thể tăng lên nhiều hơn với lợi thế về chi phí lao động rẻ. Hơn nữa, việc hạ giá VND để phù hợp với cung cầu thị trường cũng làm cho việc quản lý dễ hơn, doanh nghiệp khi mua USD của ngân hàng thì không phải cộng thêm “phí ngoài” (điều này làm cho cả ngân hàng và doanh nghiệp đều khó xử khi hạch toán), còn cơ quan quản lý nhà nước sẽ nắm sát về biến động giá và cung cầu ngoại tệ hơn.

 

Theo tôi, chuyện nâng hoặc hạ tỷ giá phải dựa vào cung cầu thực sự trên thị trường ngoại tệ để điều tiết và đưa ra chính sách quản lý cho phù hợp.

Nguyễn Hồng Hải
Nguyễn Hồng Hải