Nâng tuổi nghỉ hưu: Phải tính toán lộ trình cụ thể

Liên quan tới dự thảo điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho lao động nam từ 60 lên 62 và nữ từ 55 lên 58 (hoặc 60) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện các cơ quan quản lý đều khẳng định, đây là giải pháp cần thiết mang tính lâu dài nhằm tránh vỡ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH).
Việt Nam đang ở trong thời kỳ cuối của giai đoạn "dân số vàng", tỷ lệ người trong độ tuổi lao động so với người nghỉ hưu đang ngày càng giảm Việt Nam đang ở trong thời kỳ cuối của giai đoạn "dân số vàng", tỷ lệ người trong độ tuổi lao động so với người nghỉ hưu đang ngày càng giảm

Nguyên nhân vỡ quỹ BHXH

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra dự kiến, đến năm 2031, chênh lệch thu - chi quỹ hưu trí bắt đầu âm 35.962 tỷ đồng; đến năm 2020, quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)  chênh lệch thu chi hơn 668 tỷ đồng, còn quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) đến cuối năm 2019, nguồn tài chính dự phòng về trạng thái âm144 tỷ đồng.

Phân tích nguyên nhân đưa ra các dự báo trên, ông Phạm Lương Sơn, Phó giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, mức đóng BHXH tiếp tục giữ nguyên từ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (quỹ hưu trí tử tuất, người sử dụng lao động đóng 14% và người lao động đóng 8%; quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động đóng 1%; quỹ ốm đau, thai sản, người sử dụng lao động đóng 3%).

Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã bổ sung nhiều quyền lợi cho người hưởng: Mẹ sinh con, thì bố cũng được nghỉ việc hưởng trợ cấp; lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng trợ cấp thai sản; tăng mức hưởng chế độ BHXH một lần; mở rộng đối tượng được hưởng BHXH một lần.

Việt Nam cần nâng dần tuổi nghỉ hưu để bảo đảm mối tương quan giữa đóng và hưởng BHXH và giải quyết thiếu hụt lao động trong tương lai

-  Ông Phạm Lương Sơn,
Phó giám đốc BHXH Việt Nam

“Như vậy, mức thu không tăng, trong khi mức chi tăng dẫn đến các quỹ sớm mất cân đối”, ông Sơn khẳng định. 

Tính toán một cách cơ học, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân tích, nếu tính số thời gian 1 người đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí trong 30 năm, với mức đóng 22 % tiền lương, thì tổng số tháng đóng là 66 tháng lương. Nếu không tính lãi suất, thì khi về hưu, với mức hưởng 75%, thì mức đóng của 66 tháng chỉ đủ trả cho 88 tháng.

Nếu cộng lãi suất, cũng chỉ có thể trả tối đa khoảng 120 tháng, tương đương 10 năm sau khi nghỉ hưu. Trong khi đó, với tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tính từ khi nghỉ hưu đã lên tới 19 năm, thì việc quỹ phải bù thêm 9 năm nữa sẽ gây mất cân bằng quan hệ đóng - hưởng.

Ông Sơn phân tích thêm, với tổng mức đóng góp là 22%, trong khi tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho 25 năm đóng BHXH đối với nữ và 30 năm đối với nam, thì tỷ lệ hưởng lương hưu bình quân của nam là 2,5%/năm đóng, của nữ là 3%/năm đóng. Con số này được xem là cao hơn so với mức bình quân của các nước trên thế giới là 1,7%.

Nâng tuổi nghỉ hưu có là giải pháp tối ưu?

Trước câu hỏi, nâng tuổi nghỉ hưu có là phải là giải pháp tối ưu không, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định: “Nâng lên, thì bài toán mất cân đối vẫn hiện hữu, vì vậy phải đồng bộ các giải pháp khác, nhưng đã đến lúc phải nâng tuổi nghỉ hưu. Tất nhiên, việc nâng tuổi nghỉ hưu phải có lộ trình cụ thể với các nhóm có đặc thù khác nhau”.

“Tôi vẫn khẳng định, việc mất cân đối chủ yếu do quan hệ đóng - hưởng, việc này không phải của mỗi Việt Nam, mà hầu như các nước trên thế giới đều gặp phải”, ông Diệp nói.

Liên quan tới giải quyết bài toán cân đối quỹ, ông Sơn đưa ra các giải pháp là tăng mức đóng, giảm mức hưởng hoặc kéo dài thời gian đóng, rút ngắn thời gian hưởng.

“Tuy nhiên, trong thực tế, việc tăng mức đóng khó thực hiện vì gây áp lực cho người sử dụng lao động và người lao động khi bị giảm thu nhập; giảm mức hưởng cũng khó vì người lao động không đồng tình. Vậy chỉ còn cách tăng điều kiện về thời gian đóng BHXH”, ông Sơn phân thích.

Cũng theo ông Sơn, Việt Nam đang ở trong thời kỳ cuối của giai đoạn “dân số vàng”. Nếu tuổi nghỉ hưu vẫn giữ như trước đây (nam ở tuổi 60 và nữ ở tuổi 55) thì tỷ lệ người nghỉ hưu so với người đang trong độ tuổi lao động dự đoán sẽ tăng từ 19,4% (năm 2009) lên 59,5% (2049) và tiếp tục lên 77,7% (năm 2099).

“Trong bối cảnh tuổi thọ trung bình đã và sẽ tiếp tục tăng, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động so với người nghỉ hưu đang ngày càng giảm, do mức sinh giảm cũng như sức khỏe và tuổi thọ tăng lên, Việt Nam cần nâng dần tuổi nghỉ hưu để bảo đảm mối tương quan giữa đóng và hưởng BHXH và giải quyết thiếu hụt lao động trong tương lai”, ông Sơn nói.

Mặc dù khẳng định đây là giải pháp mang tính ổn định bền vững cho quỹ BHXH nhưng ông Diệp cũng cho rằng, giải pháp này chỉ giải quyết một phần câu chuyện vì mất cân đối cần nhiều giải pháp khác như giảm thiểu trốn đóng, nợ đóng, nỗ lực tăng lợi tức đầu tư để bảo tồn và phát triển quỹ bên cạnh việc siết chặt chi phí quản lý.

Hải Hà
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục