Quảng Bình - Một Việt Nam thu nhỏ
Là một địa phương ven biển nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, Quảng Bình là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời; là nơi giao thoa những điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hoá, xã hội giữa hai miền Nam - Bắc. Dải đất Quảng Bình mặc dù hẹp nhất về bề ngang, nhưng lại được trải dài như một bức hoành phi với đầy đủ cảnh quan sông, biển, đồng bằng chiêm trũng, trung du, núi rừng.
Về tài nguyên du lịch, Quảng Bình có dải cát ven biển dài nhất Việt Nam với nhiều bãi tắm sạch, đẹp như: Nhật Lệ, Bảo Ninh, Vũng Chùa, Đá Nhảy, Hải Ninh… Với một lịch sử phát triển lâu đời, Quảng Bình có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hoá như chùa Hoàng Phúc, núi Thần Đinh, đường Trường Sơn huyền thoại, hang Tám Cô, bến phà Long Đại, Đền Thánh Mẫu, Lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lăng mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh...
Đặc biệt, Quảng Bình có Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới với tính đa dạng sinh học cao. Nơi đây có hơn 400 hang động lớn nhỏ hình thành cách đây hàng trăm triệu năm, lộng lẫy, đặc sắc, kỳ ảo và huyền bí với nhiều tiêu chí nhất thế giới như: Hang Sơn Đoòng là hang động kỳ vĩ và lớn nhất thế giới, động Phong Nha có sông ngầm dài nhất thế giới, động Thiên Đường tráng lệ nhất thế giới.
Bên cạnh đó, Quảng Bình còn có Suối nước nóng Bang có độ sôi tự nhiên 105 độ C, thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; cùng với việc đầu tư hoàn thành đưa vào hoạt động các sân golf đẳng cấp quốc tế, Quảng Bình hội tụ đủ các điều kiện để phát triển thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và của Đông Nam Á.
Phối cảnh mặt bằng nơi diễn ra Triển lãm Lễ hội Hoa quốc tế tại Quảng Bình |
Đánh giá về tiềm năng du lịch Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, Quảng Bình hoàn toàn có thể là một lựa chọn xuất sắc để tạo nên những ấn tượng mới lạ và sâu sắc về một Việt Nam được yêu thích ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Đây là vùng đất văn minh cổ thuộc hàng ngũ những nền văn minh lâu đời nhất châu Á. Và quan trọng không kém, đó là một Quảng Bình hiếu khách, thân thiện, chuyên nghiệp, sẵn sàng và sạch sẽ, những nguyên tắc cơ bản của chiến lược dịch vụ hóa nền kinh tế của Quảng Bình.
“Quảng Bình không đơn giản là một Việt Nam thu nhỏ hay là sự phản ánh sắc nét về vẻ đẹp tiềm ẩn, vẻ đẹp bất tận của Việt Nam, mà Quảng Bình thực sự là “viên kim cương màu xanh” của châu Á với những giá trị huyền bí cần được khám phá. Nếu quý vị muốn tìm kiếm một ý tưởng về du lịch rất độc đáo, khác biệt, còn nguyên bản và kỳ vĩ thì Quảng Bình là một lựa chọn hiếm có. Có thể gọi đây là nơi không còn sót lại nhiều trên trái đất này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Với sự đa dạng về tài nguyên du lịch, lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan, Quảng Bình đang hướng đến là một trung tâm du lịch mới của châu Á và thế giới với những loại hình du lịch hấp dẫn như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch chữa bệnh… Tỉnh Quảng Bình cũng đã xác định du lịch trở thành một trong bốn khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Bước ngoặt đưa du lịch Quảng Bình ra thế giới?
Những năm gần đây, du lịch Quảng Bình xuất hiện nhiều trên các kênh truyền thông quốc tế qua các bộ phim điện ảnh của Hollywood; những clip, phóng sự về quần thể hang động do các chuyên gia thám hiểm, các đài truyền hình quốc tế thực hiện… tại khu vực quần thể Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Lễ hội Hoa quốc tế nếu được tổ chức thành công, sẽ giúp du lịch Quảng Bình ‘cất cánh’, ghi dấu ấn trong bản đồ du lịch thế giới.
Và tới đây, một sự kiện lớn cũng được nhận định sẽ tạo ra tiếng vang lớn cho thương hiệu du lịch Quảng Bình nếu được tổ chức thành công - Đó là Triển lãm Lễ hội Hoa quốc tế 2023. Vào tháng 5/2020, Công ty cổ phần Panasia - Nhật Bản đã chính thức đề xuất UBND tỉnh Quảng Bình được đăng cai Triển lãm Lễ hội Hoa quốc tế Quảng Bình vào năm 2023 (Quang Binh Flora Expo 2023).
Theo thông tin từ Công ty Panasia, sau khi được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận chủ trương, Công ty cổ phần Panasia cũng chính thức có văn bản xin phép Hiệp hội Làm vườn thế giới (AIPH) để được đăng cai tổ chức Triển lãm Lễ hội Hoa quốc tế 2023.
Đến tháng 10/2020, tại Đại hội diễn ra tại Nhật Bản, Hiệp hội Làm vườn thế giới đã bỏ phiếu thông qua việc tổ chức tổ chức Triển lãm Lễ hội Hoa quốc tế năm 2023 tại Quảng Bình. Theo đó, Triển lãm Lễ hội Hoa quốc tế dự kiến diễn ra trong 183 ngày, từ ngày 1/12/2023 đến 31/5/2024. Lễ hội được tổ chức tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, với quy mô diện tích 89 ha.
Đơn vị tổ chức là Công ty cổ phần Panasia, Công ty Triển lãm quốc tế Quảng Bình và Tập đoàn tổ chức sự kiện Hakuhodo - Nhật Bản. Tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 122 triệu euro, trong đó chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng là 60 triệu euro.
Ông Koichiro Kimura, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Panasia cho biết, theo tính toán, dự kiến, Lễ hội sẽ thu hút khoảng 8 triệu lượt khách tham quan, trong đó có khoảng 2,5 triệu lượt khách quốc tế và 5,5 triệu lượt khách nội địa. Doanh thu dự kiến đạt 148 triệu euro từ bán vé vào cổng và nhượng quyền các gian hàng ẩm thực; nộp ngân sách nhà nước hơn 300 tỷ đồng. “Đây sẽ là lễ hội hoa quốc tế đầu tiên được tổ chức ở Đông Nam Á. Sau khi xây dựng cơ sở hạ tầng cho Lễ hội, đơn vị tổ chức sẽ bàn giao lại cơ sở hạ tầng cho địa phương quản lý, sở hữu và khai thác theo quy định của tổ chức Hiệp hội Làm vườn thế giới”, ông Koichiro Kimura chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, Lễ hội hoa Quốc tế nếu được tổ chức thành công, sẽ giúp du lịch Quảng Bình “cất cánh”, ghi dấu ấn trong bản đồ du lịch thế giới.
“Đây là lễ hội hoa mang tầm quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Tỉnh Quảng Bình càng vinh dự hơn khi được lựa chọn là địa điểm diễn ra sự kiện lớn này. Định hướng phát triển của tỉnh cũng hướng đến du lịch và nông nghiệp, công nghiệp sạch. Do vậy, nếu Lễ hội Hoa quốc tế được tổ chức thành công, sẽ góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Quảng Bình, để du lịch Quảng Bình ghi dấu ấn trong bản đồ du lịch thế giới”, ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.
Ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, thống nhất với đề xuất từ phía nhà đầu tư, hiện nay, tỉnh đã giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tiến hành các bước chuẩn bị về công tác tổ chức sự kiện, công tác truyền thông, quảng bá.
“Tỉnh đã chỉ đạo giao Sở Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan và Công ty Triển lãm Quốc tế Quảng Bình trên cơ sở tên gọi quốc tế của Lễ hội để lựa chọn và thống nhất tên gọi tiếng Việt phù hợp, ấn tượng, chuyển tải đầy đủ ý nghĩa, thông điệp của Lễ hội. Trước mắt, các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư triển khai dự án, trước hết là chuẩn bị tốt cho cuộc khảo sát trực tuyến của Hiệp hội Làm vườn thế giới, nhằm cung cấp chính xác tình hình thực tế của Quảng Bình về điều kiện cơ sở hạ tầng, từ đó đi đến một kết quả đàm phán tốt nhất với đơn vị tài trợ; huyện Quảng Ninh khẩn trương xây dựng phương án để chuẩn bị tốt nhất quỹ đất cho dự án”, ông Phong cho biết.