Năng lượng tái tạo được chứng minh nhiều ưu việt

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Qua các dự án điện mặt trời đã xây dựng tại Việt Nam, có thể thấy, suất đầu tư trung bình đối với điện mặt trời hiện nay là 1.038 USD/kWp (tương đương trên 23 triệu đồng/1 kWp, thấp hơn bất cứ suất đầu tư nguồn điện nào.

Nhà máy điện mặt trời tại Long An của Bamboo Capital Nhà máy điện mặt trời tại Long An của Bamboo Capital

Suất đầu tư hợp lý

Việt Nam gần đây có những bước phát triển kinh tế vượt bậc, tỷ lệ tăng trưởng luôn ở mức cao trong khu vực. Để giữ vững tốc độ phát triển này, tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc được dự báo giai đoạn 2016 - 2020 là 10,6%/năm, giai đoạn 2021 - 2025 là 8,5%/năm. Theo Bộ Công Thương, nhu cầu năng lượng cho năm 2020 phải đạt 235 tỷ kWh điện, đến năm 2025 cần 352 tỷ kWh.

Để đáp ứng được nhu cầu này, mức tăng trưởng nguồn điện cần khoảng 60.000 MW công suất nguồn trong năm 2020 và sẽ còn tăng trưởng cao trong các năm tiếp theo.

Trong bối cảnh nguồn điện than không còn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển do tác động nguy hại đến môi trường, điện hạt nhân đã dừng, thủy điện không còn nhiều dư địa, các nguồn điện khí hóa lỏng cần thời gian dài để phát triển, sự phát triển của nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời đang là một chiến lược tốt để tăng nhanh nguồn cung và giảm sự thiếu hụt về điện năng.

Từ năm 2018 đến tháng 6/2019, đã có hơn 330 dự án điện mặt trời trình Chính phủ phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch điện, trong đó có 121 dự án đã được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến năm 2020 là 6.100 MW và năm 2030 là 7.200 MW. Ngoài ra, còn 221 dự án đang chờ phê duyệt, công suất đăng ký hơn 14.330 MW.

Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, tính đến hết tháng 9/2020, tổng công suất lắp đặt điện năng lượng tái tạo đạt 5,5 GW, gồm điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối, chiếm khoảng 11,2% tổng công suất lắp đặt toàn quốc.

Qua các dự án điện mặt trời đã xây dựng có thể thấy rằng, suất đầu tư trung bình đối với điện mặt trời hiện nay ở Việt Nam là 1.038 USD/kWp (tương đương trên 23 triệu đồng/1 kWp, thấp hơn bất cứ suất đầu tư nguồn điện nào.

Trong khi đó, theo Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), suất đầu tư trên thế giới hiện nay đối với các công nghệ phát điện như sau: nhiệt điện than khoảng 1.600 USD/kW; điện gió trên bờ 1.765 USD/kW; điện gió ngoài khơi 4.480 USD/kW; thủy điện 1.764 USD/kW; điện sinh khối 2.200 USD/kW; điện địa nhiệt 3.734 USD/kW.

Tái chế pin có nhiều giải pháp

Một vấn đề được quan tâm gần đây là tái chế tấm pin mặt trời. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực quang năng, các tấm pin năng lượng mặt trời hoàn toàn có thể tái chế với tỷ lệ rất cao. Điều này không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, môi trường, mà còn một lần nữa khẳng định điện mặt trời là nguồn năng lượng sạch, các tấm pin mặt trời là những sản phẩm “double green”: sau nhiều năm tạo ra điện sạch từ quang năng tiếp tục được tái chế để làm ra những tấm pin mới hoặc sử dụng trong các ngành công nghiệp khác.

Cụ thể, trong một tấm pin năng lượng mặt trời, tấm kính cường lực thường nặng nhất: chiếm tỷ trọng 65%; sau đó tới khung chiếm 20%; rồi đến các tế bào quang điện khoảng 6-8%, cuối cùng là các thành phần còn lại. Tổng khối lượng của tấm kính, khung và tế bào quang điện chiếm khoảng 91-93% khối lượng của toàn bộ tấm pin năng lượng mặt trời. Như vậy, phần lớn các vật liệu trong một tấm pin mặt trời là có thể tái chế, thu hồi để tái sản xuất.

Chính vì vậy, các tấm pin mặt trời không sử dụng nữa (do hết vòng đời hoặc hỏng hóc) chính là tài nguyên làm vật liệu đầu vào sản xuất các tấm pin mới hoặc cho các mục đích khác (hầu hết được tái sử dụng để tiếp tục sản xuất tấm pin mới). Việc tái chế tấm pin mặt trời sẽ giúp ngành công nghiệp điện mặt trời ngày càng phát triển.

IRENA tính toán, đến năm 2050, sẽ có 2 tỷ tấm pin năng lượng mặt trời mới được sản xuất hoàn toàn từ nguồn vật liệu tái sử dụng này. Điều này có nghĩa là sẽ có 630 GW năng lượng sạch được sản xuất nhờ nguồn vật liệu tái chế. Ngoài ra, các nhà máy tái chế tấm pin năng lượng mặt trời cũng tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho con người.

Trên thế giới, EU là khu vực đầu tiên ban hành các luật về phế thải điện mặt trời (Thông tư WEEE). Luật này bao gồm các vấn đề như thu gom, tái chế, tái sử dụng các tấm pin mặt trời phế thải, trách nhiệm của các nhà sản xuất, cung cấp tấm pin. Với các tấm pin mặt trời không còn sử dụng, EU quy định tỷ lệ tái chế/tái sử dụng là 85%/80%. Anh, Đức, Séc… là những quốc gia tiên phong thực hiện thông tư này.

Hiện nay, đã có nhiều nhà máy xử lý các tấm pin mặt trời cũ với tỷ lệ tái chế lên đến 96%. Nhiều quốc gia cũng đang nghiên cứu các công nghệ để việc tái chế tấm pin năng lượng mặt trời ngày càng hiệu quả, chi phí thấp, rút ngắn thời gian tái chế…

Chẳng hạn, năm 2018, Tập đoàn xử lý nước thải và chất thải Veolia đã mở nhà máy tái chế tấm pin mặt trời tại Rousset, miền Nam nước Pháp. Đây là nhà máy tái chế tấm pin mặt trời đầu tiên của châu Âu. Trong nhà máy này, robot sẽ tiến hành tháo rời các tấm pin mặt trời để thu hồi thủy tinh, silic, nhựa, đồng và bạc, nghiền nát thành các hạt có thể sử dụng để chế tạo các tấm pin mới.

Mới đây, Veolia cho biết mỗi năm nhà máy này có thể tái chế được 40 tấn tấm pin mặt trời. Tái chế 1 tấn tấm pin mặt trời tương đương việc tránh được 1.2 tấn CO2 thải ra. Nhà máy mới ở Rousset, miền Nam nước Pháp dự kiến tái chế lên tới 4.000 tấn vào năm 2022.

Trong một nghiên cứu về tái chế tấm pin năng lượng mặt trời IRENA cho rằng, về lâu dài, việc xây dựng các nhà máy tái chế chuyên dụng rất có ý nghĩa. IRENA ước tính các vật liệu thu hồi có thể trị giá 450 triệu USD vào năm 2030 và hơn 15 tỷ USD vào năm 2050.

Nguyễn Đoàn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục