Năng lượng tái tạo bùng nổ đối mặt nghẽn mạch hệ thống

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù năng lượng tái tạo phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong thời gian qua, nhưng đến năm 2030 có thể xảy ra tình trạng mất cân đối vùng miền, miền Bắc vẫn đối mặt với vấn đề thiếu hụt công suất định.
Năng lượng tái tạo bùng nổ đối mặt nghẽn mạch hệ thống

Trao đổi tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh về vận hành và quản lý hiệu quả mạng lưới điện quốc gia” ngày 22/11, ông Nguyễn Minh Quang, Phó Phòng phân tích và quy hoạch hệ thống điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trước khi xảy ra Covid-19, tốc độ phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam đạt tăng trưởng 10%/năm, sau hai năm 2020-2021 ảnh hưởng của Covid-19 khiến tốc độ có giảm, nhưng bước sang năm 2022 đã cải thiện.

Các đại biểu chia sẻ tình hình phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam tại hội thảo diễn ra ngày 22/11.

Các đại biểu chia sẻ tình hình phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam tại hội thảo diễn ra ngày 22/11.

Dự kiến giai đoạn 2022-2025, tốc độ phát triển năng lượng tái tạo sẽ đạt tăng trưởng 10% và giai đoạn 2025-2030 đạt 7-8%/năm. Như vậy, quy mô hệ thống điện Việt Nam sẽ tăng gấp đôi sau 7-8 năm.

Tại Việt Nam, ở Tây Bắc có tiềm năng lớn với hệ thống thủy điện, miền trung và miền Nam có tiềm năng về nguồn điện tái tạo, điện mặt trời, điện gió, điện khí. Công suất của điện gió và điện mặt trời sẽ chiếm khoảng 20% tổng công suất vào năm 2025 và đến năm 2030 con số này đạt 30%. Việc khai thác tiềm năng phát triển thủy điện sẽ giảm dần để bù vào tăng trưởng của năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, đại diện EVN cho rằng, đến năm 2030 sẽ mất cân đối cung cầu vùng miền. Miền Bắc phụ tải lớn nhưng không theo kịp tiềm năng phát triển của năng lượng tái tạo khi các dự án tập trung ở miền Trung và miền Nam, ít phát triển ở miền Bắc nên vấn đề cung cấp cho miền Bắc gặp khó khăn. Trong tương lai, miền Bắc đối mặt với vấn đề lớn thiếu hụt công suất định.

Khó khăn, thách thức lớn nhất của phát triển năng lượng tái tạo hiện nay là đối mặt nghẽn mạch hệ thống. Năng lượng tái tạo phát triển nhanh trong 2 năm trở lại đây nhưng lưới điện phát triển không theo kịp, bởi để phát triển công trình lưới điện theo kịp cần 5-7 năm.

Chính bởi năng lượng tái tạo phát triển nhanh trong hai năm qua khi có cơ chế hỗ trợ mà lưới điện phát triển không theo kịp dẫn đến tình trạng nghẽn mạch.

Khó khăn thứ hai là lập kế hoạch vận hành bởi đặc thù của năng lượng tái tạo, điện mặt trời buổi trưa nguồn điện cao nhưng phụ tải giảm. Bên cạnh đó là câu chuyện chuyển dịch từ cuối tuần sang đầu tuần. Cuối tuần ưu tiên phát triển tái tạo giảm năng lượng than, đến thứ Hai các nguồn năng lượng truyền thống như than gặp khó khăn trong tăng công suất đáp ứng.

Khu vực bị nghẽn mạch hệ thống chủ yếu miền Trung và miền Nam, thậm chí tác động lên cả đường dây 500 KV Bắc - Nam. Còn vào giai đoạn Tết Nguyên đán, phụ tải giảm mạnh, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn, tiềm ẩn nguy cơ.

Năng lượng tái tạo có tính biến động cao nên khi vận hành phải dự báo được biến động, đây là một khó khăn, EVN cho biết. Sau 2-3 năm vận hành, EVN đã tích lũy được kinh nghiệm khả năng dự báo đã cải thiện.

Nguồn năng lượng tái tạo không cung cấp công suất ngắn mạch trên hệ thống có thể gây ra mất ổn định cho một số nhà máy điện đấu nối xa.

Về các giải pháp, EVN cho biết đã đưa ra giải pháp cài đặt lại chế độ điều khiển cho nhà máy năng lượng tái tạo, giải pháp về giám sát kiểm soát hệ thống điện xây dựng hệ thống quán tính, xây dựng công cụ để tính toán online, trang bị các hệ thống giám sát đánh giá chất lượng điện năng hệ thống tự động vận hành.

EVN mong muốn xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo ở miền Bắc để đảm bảo an ninh năng lượng miền Bắc.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục