Năng lượng số: Cần hoá giải “bi kịch”

(ĐTCK) Năng lượng là trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bởi đây là động lực cho mọi hoạt động của nền kinh tế, nhưng nhiều quốc gia đang phải đối diện với cả những “bi kịch” về năng lượng. 
Năng lượng số: Cần hoá giải “bi kịch”

Việc áp dụng các tiến bộ công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 có thể tạo ra giá trị gia tăng trị giá 1.200 - 3.700 tỷ USD trên toàn cầu, theo tính toán của McKinsey. Riêng tại ASEAN, con số này đạt 216 - 627 tỷ USD.

Trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng chính là trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bởi đây là động lực cho mọi hoạt động của nền kinh tế.

Theo đó, một chủ đề lớn của ngành này là năng lượng số - năng lượng được số hoá. Ðối với năng lượng, công nghệ giúp việc khai thác, truyền tải và sử dụng trở nên hiệu quả hơn trong hiện tại và tương lai.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang phải đối diện với cả những “bi kịch” về năng lượng.

Ông Rajagopalan M, Giám đốc phát triển thị trường, Tập đoàn Wartsila khu vực Trung Ðông và châu Á diễn giải rằng, đó là bài toán cân bằng giữa tính bền vững, độ tin cậy hệ thống và khả năng chi trả. Trung Quốc, Ðức, Nga…, các quốc gia dẫn đầu về chuyển dịch năng lượng số, đều phải trả giá khi tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống.

Ðối với Việt Nam, một quốc gia được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp vào nhóm “sơ khởi”, là nhóm những nước có cấu trúc sản xuất đơn giản và các yếu tố dẫn dắt sản xuất không mấy thuận lợi, thành quả từ việc thực hiện công nghiệp 4.0 phụ thuộc nhiều vào cách tiếp thu và vận dụng phù hợp với các điều kiện vốn có của mình.

Trong bối cảnh này, Chính phủ Việt Nam đã sớm có các chính sách thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo, số hoá các ngành năng lượng, sau khi học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia đi trước.

Theo tính toán của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), việc đầu tư và nâng cấp hệ thống năng lượng điện ở Việt Nam sẽ cần khoảng 150 tỷ USD đến năm 2030.

Nhưng theo McKinsey, con số này có thể cao hơn, vào khoảng 207 tỷ USD cho định hướng tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo.

Bên cạnh vấn đề nguồn vốn, câu chuyện nguồn nhân lực cũng là nỗi trăn trở. Theo số liệu từ McKinsey, 79% doanh nghiệp tại Việt Nam đã nhận thức được về những thay đổi nhanh chóng, sâu sắc xuất phát từ tác động của cuộc cách mạng 4.0.

Tuy nhiên, chỉ 13% có các động thái ban đầu để hoà nhịp và phần lớn trong số này vẫn loay hoay với bước khởi đầu. Bên cạnh đó, để nắm bắt được các cơ hội từ số hoá, Việt Nam cần phải đào tạo lại 4 - 5 triệu lao động.

Ðáng chú ý, trong thời gian qua, một trong những dấu ấn sâu đậm của lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam là mảng điện mặt trời nở rộ, hàng loạt nhà máy đóng điện kịp thời trước ngày 30/6/2019 để được hưởng mức giá thu mua ưu đãi. Số lượng nhà máy được đưa vào vận hành đồng loạt trong thời gian ngắn khiến tình trạng quá tải lưới điện diễn ra trầm trọng.

Ðiều này buộc các nhà máy điện mặt trời và cả điện gió phải cắt giảm công suất, ảnh hưởng tới phương án tài chính của dự án.

Chia sẻ suy tư về câu chuyện này, ông Bùi Vạn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Ðiện gió Bình Thuận cho biết, tại Bình Thuận, hơn 20 dự án năng lượng tái tạo bị cắt giảm công suất mạnh mẽ, thậm chí có dự án chỉ được phát 30% công suất.

Các chủ đầu tư không còn cách nào khác, buộc phải làm vậy vì sự an toàn của lưới điện quốc gia.

“Trước khi thông minh, phải bồi bổ cho cơ thể khoẻ mạnh. Trước khi tập trung vào số hoá năng lượng, phải đảm bảo hệ thống mạng lưới, cơ sở hạ tầng đủ khoẻ.

Ðừng để năng lượng tái tạo của Việt Nam rơi vào vết xe đổ của Trung Quốc, làm ra điện dồi dào nhưng không thể truyền tải và tiêu thụ, khiến việc đầu tư trở nên lãng phí, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư, các nhà băng và cả xã hội”, ông Thịnh nói.

Về câu chuyện này, lời giải không hẳn nằm ở nguồn vốn, mà cần có cơ chế, định hướng triển khai việc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo phù hợp.

Do đó, ông Cao Ðức Phát, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Việt Nam nỗ lực áp dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực năng lượng và còn nhiều việc cần làm, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế để phát huy cao hơn nữa nỗ lực của từng cá nhân, doanh nghiệp, xã hội trong lĩnh vực năng lượng.          

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục