Năng lực và cơ hội

(ĐTCK-online) Sau hơn một năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bên cạnh những thời cơ và hiệu ứng mà hội nhập và WTO mang lại, những yếu kém bất cập cố hữu của nền kinh tế Việt Nam tiếp tục lộ rõ. Điểm yếu lớn nhất và có tác động lan truyền nhất vẫn được cho là năng lực thể chế.
Chính sự hụt hẫng về nguồn nhân lực do thiếu cơ chế động lực tốt đã cản trở rất lớn sự chủ động hội nhập

Trong nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về các bài học sau hội nhập WTO, các chuyên gia cho rằng, chính tầm chơi thấp so với đòi hỏi của sân chơi chung đã tăng áp lực lớn lên các "nút thắt cổ chai" của môi trường kinh doanh Việt Nam . Vào thời điểm hiện nay, ngoài các "nút thắt" lớn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao… chưa được giải quyết rốt ráo, giới phân tích kinh tế vĩ mô đang đặt nhiều câu hỏi lên hệ thống động lực để cải thiện năng lực thể chế.

Một cách dễ hiểu nhất thì hệ thống động lực này gồm các quy định về tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, các quy định liên quan đến cơ chế tiền lương, thưởng của giới công chức nhà nước. Phải chăng, làn sóng lao động ra khỏi khu vực nhà nước đang trỗi dậy do chính sự trì trệ trong cải thiện hệ thống động lực này? "Nếu như không có được sự thay đổi đáng kể nào về quy định tiền lương, thưởng cho người lao động, thì không chỉ giới công chức bỏ cơ quan nhà nước, mà người tài trong doanh nghiệp nhà nước cũng tiếp tục tìm đến các địa chỉ khác có thu nhập và ưu đãi cao hơn. Sự không theo kịp tiến độ giữa cải cách hành chính và cải cách tiền lương đã khiến việc khai thác các cơ hội lớn của hội nhập trong lĩnh vực phát triển thị trường lao động bị tắc nghẽn", ông Đào Quang Vinh, chuyên gia Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhận định.

Giới phân tích kinh tế cho rằng, giá trị lớn nhất của Việt Nam khi gia nhập WTO so với các tổ chức thương mại khác, các hiệp định song phương và đa phương khác chính là các cam kết về cải thiện thể chế, môi trường kinh doanh. Chính nhờ áp lực này mà môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có được những bước đột phá gây tiếng vang lớn với giới đầu tư quốc tế. Các kết quả về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như nguồn vốn gián tiếp trong hơn một năm sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO là biểu hiện rõ rệt nhất của những đánh giá này.

Tuy nhiên, ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế hội nhập (CIEM) cho rằng, chính sự hụt hẫng về nguồn nhân lực do thiếu cơ chế động lực tốt đã cản trở rất lớn sự chủ động hội nhập, cũng như chất lượng tăng trưởng nhanh và bền vững của kinh tế Việt Nam . Có thể nói, sự hấp thụ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài chưa đạt được sự đột phá lớn như số vốn đăng ký cũng có phần lớn nguyên nhân sâu xa từ hệ thống động lực này.

Điều đáng phải bàn, theo các chuyên gia kinh tế, đó là sự hạn chế này sẽ tác động ngược chiều lên mong muốn chủ động hội nhập của nền kinh  tế Việt Nam . "Việc nền kinh tế Việt Nam bị tác động mạnh từ những thay đổi tiêu cực của nền kinh tế thế giới là bài học về chuẩn bị năng lực đối phó và năng lực tận dụng cơ hội. Có thể nói là sự sẵn sàng của thể chế với các biến động chưa được tốt, thiếu khả năng thích ứng với thời cuộc", bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nói.

Thậm chí, đã có một lời giải cụ thể cho bài toán cơ hội này khi các chuyên gia CIEM cho rằng, nếu chỉ thực hiện các cam kết hội nhập mà không có cải cách trong nước đủ mạnh, 80% lợi ích của hội nhập kinh tế sẽ không thuộc về Việt Nam. Cụ thể hơn, các chuyên gia nhận định rằng, nếu như Việt Nam bỏ qua các lợi thế động này thì nguy cơ rơi vào các bẫy của hội nhập vẫn rất lớn.

Nghiên cứu của CIEM trong khi tìm hiểu về tác động của WTO tới nền kinh tế Việt Nam đã phát hiện ra rằng, Việt Nam có rất nhiều chương trình hành động để phục vụ các chương trình cải cách, chương trình làm việc lớn. Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch cụ thể trong các chương trình hành động thực hiện cam kết gia nhập WTO lại cho thấy sự thiếu quyết liệt, thậm chí còn nặng hình thức, kém hiệu quả.

"Chúng tôi cảm thất rất tiếc vì nhiều chương trình hành động thực hiện cam kết WTO của không ít địa phương đang đi theo “lối mòn”, thiếu tư vấn tốt để có khâu giám sát và thực hiện kịp thời theo kế hoạch. Nói một cách hình ảnh thì các chương trình hành động này thiếu linh hoạt, thiếu hiệu lực và hiệu quả, cho dù tiền bỏ ra không ít", ông Thành nói. Nhất là khi khâu giám sát thực hiện bị bỏ bê thì việc cải thiện năng lực từ sự thực thi cụ thể các chương trình hành động cũng như cơ hội tận dụng áp lực cải cách để thay đổi năng lực thể chế sẽ càng khó khăn hơn.

Bảo Duy
Bảo Duy

Tin cùng chuyên mục