Nâng cấp bộ phận kiểm toán nội bộ: Yếu tố quyết định thành công của DN

(ĐTCK-online) Ông Hoàng Đức Hùng là Phó tổng giám đốc của Ersnt&Young Việt Nam. Ông có hơn 14 năm kinh nghiệm làm việc tại Ernst & Young Việt Nam, Ernst&Young San Francisco (Hoa Kỳ) và Ernst&Young Brisbane (Úc) trong các lĩnh vực kiểm toán, chẩn đoán, rà soát hệ thống kiểm soát nội bộ, tư vấn về quản trị doanh nghiệp, xây dựng cẩm nang tài chính và đào tạo … Ông Hùng là kiểm toán viên công chứng của Việt Nam và là thành viên của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA), kiểm toán viên nội bộ công chứng của Học viện Kiểm toán viên nội bộ Hoa Kỳ (IIA).
Nâng cấp bộ phận kiểm toán  nội bộ: Yếu tố quyết định thành  công của DN

Vai trò và vị trí của KTNB trong DN không dừng lại ở tính kiểm soát và tính tuân thủ, mà mở rộng đến các mặt: tư vấn cho HĐQT và ban kiểm toán, ban giám đốc trong việc giám sát chung về báo cáo tài chính, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, đạo đức kinh doanh, quản lý tài sản, các qui định tuân thủ; tham gia công tác đào tạo cho các bộ phận và phòng, ban trong DN về các kiến thức liên quan đến kiểm soát nội bộ, báo cáo tài chính, các quy định tuân thủ. Do vậy, trong quá trình nâng cấp, hoàn thiện chức năng của bộ phận KTNB, DN cần quan tâm hàng đầu đến các yếu tố sau: vấn đề nhân lực cho KTNB, nhận thức về KTNB, kế hoạch đầu tư cho hoạt động KTNB, việc áp dụng các thông lệ và chuẩn mực trong hoạt động KTNB cũng như chương trình giám sát và quản lý chất lượng hoạt động KTNB.

 

Trình độ của chức năng KTNB có thể được định vị ở 5 cấp khác nhau, có thể ở mức: hạn chế; sơ lược; cơ bản; tiên tiến và dẫn đầu. Trình độ này được đánh giá dựa trên việc xem xét các yếu tố hoạt động của chức năng KTNB bao gồm: quản trị, con người và nền tảng hoạt động.

 

 

Để nâng cấp bộ phận kiểm toán nội bộ, DN cần xác định rõ trình độ của chức năng KTNB và mức độ muốn nâng cấp, không nhất thiết phải nâng lên đến cấp "dẫn đầu". Quyết định lựa chọn nâng cấp lên mức độ nào phụ thuộc vào kết quả phân tích và so sánh giữa lợi ích đem lại và chi phí DN phải bỏ ra.

 

Để chuyển đổi, nâng cấp thành công bộ phận KTNB, DN cần có lộ trình phù hợp. Lộ trình này phải đảm bảo không gây nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của DN, tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả cao nhất cho hoạt động của bộ phận. Thông thường, việc chuyển đổi bộ phận KTNB trải qua 5 giai đoạn sau:

 

Giai đoạn 1: Đánh giá hiện trạng của bộ phận KTNB, trên các phương diện: năng lực quản trị, con người và nền tảng hoạt động. Quá trình này giúp lãnh đạo của bộ phận KTNB nói riêng và của toàn DN nói chung thấy được những bất cập trong hệ thống KTNB hiện tại và nhu cầu chuyển đổi.

 

Giai đoạn 2: Xác định tầm nhìn và thiết kế mô hình hoạt động của bộ phận KTNB. Mục tiêu hoạt động và nhiệm vụ của KTNB cần được thiết kế phù hợp với chiến lược và mục tiêu chung của DN và là nhân tố cơ bản quyết định việc lựa chọn mô hình hoạt động của bộ phận KTNB. Ngoài ra, trình độ phát triển, đặc thù kinh doanh và môi trường hoạt động cũng là những nhân tố quyết định giúp lãnh đạo DN xác định mô hình hoạt động phù hợp cho bộ phận KTNB của DN.

 

Giai đoạn 3: Phân tích lợi ích và chi phí cho việc chuyển đổi bộ phận KTNB. Dựa trên kết quả đánh giá hiện trạng của bộ phận KTNB và việc xác định tầm nhìn, thiết kế mô hình hoạt động cho bộ phận KTNB, DN cần tiến hành đánh giá, so sánh giữa chi phí và lợi ích đem lại từ hoạt động KTNB. Kết quả của việc đánh giá và so sánh này sẽ giúp các bên liên quan nhìn nhận những lợi ích đem lại từ hoạt động chuyển đổi, làm cơ sở đề xuất các bước chuyển đổi cụ thể và ngân sách tương ứng.

 

Giai đoạn 4: Tiến hành chuyển đổi bộ phận. Xác định kế hoạch thay đổi dựa trên các quyết định thay đổi về thời gian, chi phí, cách thức chuyển đổi. DN có thể tự triển khai hoặc triển khai với sự hỗ trợ từ bên ngoài.

 

Giai đoạn 5: Đồng kiểm toán/thuê ngoài dịch vụ KTNB. Việc sử dụng dịch vụ tư vấn đồng kiểm toán và/hoặc thuê ngoài dịch vụ KTNB có thể giúp DN đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và khắc phục những khó khăn trong ngắn hạn về nguồn lực và các nền tảng hoạt động khác vốn chưa sẵn sàng hoặc chưa có trong DN ở giai đoạn đầu chuyển đổi.

 

 Có thể nói, quá trình nâng cấp, chuyển đổi bộ phận KTNB sẽ giúp DN hướng đến các vấn đề sau:

 

Thứ nhất, nâng cao năng lực quản trị cho DN (đảm bảo sự phù hợp giữa mục đích, tầm nhìn, vấn đề tập trung và phạm vi hoạt động của KTNB với mục tiêu và chiến lược chung của DN, đồng thời, kế hoạch kiểm toán phù hợp với mục đích, tầm nhìn, vấn đề tập trung và phạm vi hoạt động của KTNB);

 

Thứ hai, phát triển con người, gắn liền với mục tiêu và tầm nhìn của KTNB, cụ thể: hoàn thiện cơ cấu tổ chức của bộ phận KTNB (đảm bảo đội ngũ kiểm toán viên đáp ứng được nhu cầu của hoạt động kiểm toán); hoàn thiện quy trình phát triển nguồn nhân lực cho bộ phận KTNB; duy trì đội ngũ cán bộ (đảm bảo áp dụng các quy chế giữ người phù hợp thông qua các hoạt động hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trong nội bộ và các hoạt động khác có liên quan).

 

Thứ ba, đầu tư vào nền tảng hỗ trợ hoạt động (phương pháp tiếp cận, công nghệ và công cụ hỗ trợ; quản lý tri thức; quản lý hoạt động; quản lý chất lượng).

 

Cùng với việc gia tăng vai trò, trách nhiệm và kỳ vọng đối với hoạt động KTNB, việc hoàn thiện và cải tổ bộ máy KTNB là điều các DN sớm muộn phải tiến hành. Tuy nhiên, chuyển đổi như thế nào, trên các phương diện gì và khi nào phụ thuộc vào tầm nhìn và nhu cầu của từng DN. Xây dựng một lộ trình chuyển đổi, nâng cấp phù hợp dựa trên những đánh giá hợp lý là yếu tố quyết định thành công của quá trình chuyển đổi.  

Hoàng Đức Hùng
Hoàng Đức Hùng

Tin cùng chuyên mục