Đây là chia sẻ của nhiều chuyên gia tại Hội nghị trực tuyến “Bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới trong kinh doanh dịch vụ bất động sản 2024” do Viện Nghiên cứu Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (VARS IRE), VARs Connect và Hiệp hội Bất động sản Cần Thơ phối tổ chức ngày 28/8 vừa qua.
Chia sẻ về Luật Đất đai, TS. Lê Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, điểm nổi bật của Luật Đất đai 2024 là sự tập trung vào việc giải quyết những vấn đề tồn tại từ lâu trong quá trình quản lý đất đai, đồng thời tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, hấp dẫn. Luật đã bổ sung nhiều quy định mới, mang tính đột phá, nhằm hiện đại hóa công tác quản lý đất đai, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước.
“Một trong những điểm mới đáng chú ý là việc bãi bỏ khung giá đất, ban hành bảng giá đất mới từ 01/01/2026. Việc bỏ khung giá đất đồng nghĩa với việc Nhà nước không áp dụng mức giá tối thiểu và tối đa với từng loại đất nữa, mà thay vào đó, trước khi ban hành ra bảng giá đất của từng địa phương, UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ vào các nguyên tắc, phương pháp định giá đất, các quy chuẩn và giá đất, sự biến động về giá đất thực tế trên thị trường để xây dựng ra bảng giá đất”, ông Bình nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Hoàng Thu Hằng, Trưởng phòng phòng Quản lý thị trường bất động sản - Cục Quản lý Nhà & Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 tập trung vào việc tăng cường tính minh bạch, công khai, đồng thời siết chặt quản lý các hoạt động kinh doanh bất động sản.
Luật đã quy định rõ ràng hơn về các loại hợp đồng kinh doanh bất động sản, đồng thời bổ sung các điều khoản nhằm bảo vệ quyền lợi của người mua. Các hành vi vi phạm hợp đồng như chậm bàn giao nhà, chất lượng công trình không đảm bảo sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Ngoài ra, khác với Luật Kinh doanh bất động sản 2014, khi Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực, các cá nhân hành nghề môi giới phải có chứng chỉ hành nghề và phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới.
Đối với Luật Nhà ở 2023, theo TS. Trần Xuân Lượng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam đánh giá, một trong nhiều thay đổi là việc luật hóa các văn bản hướng dẫn dưới luật; có sửa đổi, bổ sung để đảm bảo vai trò quản lý nhà nước trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tương thích với các loại quy hoạch chuyên ngành khác; có chính sách rõ ràng để khuyến khích các thành phần kinh tế khác nhau tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; giảm bớt sự chồng chéo, mâu thuẫn, lúng túng khi áp dụng - tránh tình trạng cùng một vấn đề lại được quy định ở các luật khác nhau; tăng cường yêu cầu về sự minh bạch trong đầu tư, kinh doanh dự án nhà ở.
Điểm đáng lưu ý, theo TS. Lượng, trong các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở 2023 sẽ không đặt ra quy định về trình tự thủ tục liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại, lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại mà dẫn chiếu đến các quy định pháp luật về đầu tư; cũng như không đặt ra quy định về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở mà chỉ dẫn chiếu hoặc để các nội dung liên quan đến việc giao đất, cho phép nhận quyền sử dụng đất được điều chỉnh bởi quy định pháp luật về đất đai.
“Như vậy sẽ dễ hơn cho cơ quan quản lý, nhà đầu tư trong việc hiểu, áp dụng quy định pháp luật, sẽ hạn chế tình trạng có nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau cho cùng vấn đề, cũng như khắc phục tình trạng khi cần sửa đổi một nội dung không phù hợp thì lại phải rà soát và sửa nhiều luật khác nhau cùng điều chỉnh nội dung đó”, ông Lượng nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, các quy định mới sẽ hỗ trợ việc ổn định thị trường bất động sản, giảm thiểu rủi ro cho người mua, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, môi giới hoạt động lành mạnh. Tuy nhiên, việc thực hiện hiệu quả luật pháp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và ý thức của các chủ thể tham gia thị trường.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thời gian tới, trước những thay đổi lớn của các luật liên quan đến thị trường động sản, Hội sẽ tổ chức nhiều hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới trong kinh doanh dịch vụ bất động sản, trực tiếp tại các địa phương, các doanh nghiệp môi giới.
Cùng với đó là tổ chức các khóa đào tạo môi giới bất động sản, từ những người mới bước vào nghề đến những chuyên gia có kinh nghiệm. Các khóa học sẽ cung cấp những kiến thức cập nhật về luật pháp, kỹ năng đàm phán, tư vấn khách hàng, cùng với các chiến lược phát triển bền vững trong thị trường bất động sản.
Việc này không chỉ giúp môi giới bất động sản hiểu rõ hơn về vai trò của mình mà còn giúp họ tự tin hơn khi đối mặt với các thách thức trong nghề. Ngoài việc đào tạo các nhà môi giới, hội cũng sẽ tập trung vào việc đào tạo quản lý sàn giao dịch bất động sản, nâng cao kỹ năng và nghiệp vụ cho các nhà quản lý.
Những chương trình này sẽ giúp họ nắm vững quy trình hoạt động của một sàn giao dịch chuyên nghiệp, từ việc quản lý giao dịch, chăm sóc khách hàng đến quản lý đội ngũ môi giới. Điều này đảm bảo rằng, các sàn giao dịch bất động sản tại Việt Nam sẽ hoạt động một cách hiệu quả và minh bạch hơn, góp phần xây dựng lòng tin với khách hàng và đối tác.
Đặc biệt, VARS sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính quyền địa phương để tổ chức các kỳ thi sát hạch chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản nhằm đảm bảo rằng chỉ những người có đủ kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp mới được cấp chứng chỉ hành nghề.
Qua các hoạt động đào tạo và hỗ trợ này, ông Đính kỳ vọng sẽ góp phần nâng tầm nghề môi giới bất động sản tại Việt Nam, để môi giới bất động sản là một nghề nghiệp được xã hội tôn trọng và đánh giá cao.
Những nỗ lực này không chỉ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ trong ngành mà còn tạo ra một đội ngũ môi giới chuyên nghiệp, có đạo đức, góp phần phát triển bền vững thị trường bất động sản Việt Nam.