Nhu cầu vốn rất lớn
Theo Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030, Thành phố cần nguồn kinh phí khoảng 970.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 |
Hạ tầng là một trong hai điểm nghẽn lớn nhất của TP.HCM lâu nay, bên cạnh điểm nghẽn về cơ chế. Nếu như cơ chế phát triển Thành phố đã được tháo gỡ phần nào bằng Nghị quyết 98/2023/QH15 (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM) mà TP.HCM đang tích cực triển khai, thì hạ tầng vẫn là điểm nghẽn chưa thể giải quyết trong “ngày một ngày hai”. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn và cơ chế huy động vốn. Cần đầu tư nhiều hơn cho phát triển hạ tầng, trước hết là hạ tầng giao thông cho Thành phố và các vùng kinh tế phía Nam. Các tuyến cao tốc thi công ì ạch, đường vành đai nhiều năm không khép kín được. Các mạng lưới đường vành đai, cao tốc đã sớm có trong quy hoạch, chứng tỏ có tầm nhìn nhưng vì thiếu vốn nên đành “lực bất tòng tâm”.
Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội đã quy định bốn nguồn lực cho TP. HCM: Một là tăng vay nợ, từ chỗ Thành phố không được vay vượt quá 70% tổng mức thu ngân sách được hưởng theo phân cấp thì nay, trần đi vay được nâng lên mức 120% tổng mức thu ngân sách, trong đó có vay bằng trái phiếu (riêng trái phiếu quốc tế thì phải xin cơ chế, còn trái phiếu trong nước thì có thể làm được ngay); Hai là, hướng tới huy động quỹ đất đô thị theo hướng giao thông công cộng TOD. Hiện Thành phố đang triển khai được một số dự án; Ba là, Thành phố sử dụng hiệu quả nhà cửa công sản dôi dư, là nguồn rất lớn; Bốn là, cho Thành phố một số loại thuế, phí đặc thù để tăng thu.
Có thể nói, Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM huy động vốn từ nhiều nguồn. Hiện Thành phố đang hoàn thiện đề án này để trình các cấp chính quyền phê duyệt về cơ chế, chính sách. Nói nôm na, với cơ chế, chính sách đặc thù đột phá tại Nghị quyết 98, Thành phố có thể tận dụng được lợi thế để phát triển mà không phải đi xin điều tiết ngân sách đang có của Trung ương. Thế nhưng, nhìn qua nhìn lại, đến nay, tất cả nguồn này đều đang trên bàn tính toán. Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng rất lớn, nếu chỉ dựa vào ngân sách Thành phố thì không thể làm được.
Giai đoạn 2020 - 2030, TP.HCM cần khoảng 970.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án giao thông |
Trong bối cảnh khan hiếm vốn như hiện nay, nếu TP.HCM có những chính sách để thu hút được dòng tiền, trong đó có nguồn kiều hối và nắn dòng vốn này vào các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và đầu tư thì hiệu quả sẽ lớn hơn. Mức độ tác động đến tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn nhiều. Bởi đây là dòng tiền ròng, rất ổn định, tăng đều qua từng năm và không chịu nhiều quy định và không phải tuân thủ các điều kiện vay, nguyên tắc hoàn trả như các nguồn vốn ngoại tệ khác.
Tuy vậy, không thể huy động kiều hối một cách đơn lẻ như lâu nay mà phải qua các định chế, với vai trò khởi xướng của Nhà nước. Trước đây, kiều hối chỉ ở dạng chuyển về cho người thân ở Việt Nam là chính, nhưng trong những năm gần đây, kiều hối chuyển về Việt Nam dưới dạng đầu tư. Thông qua gia đình, kiều hối chuyển về Việt Nam để đầu tư sản xuất - kinh doanh và cả đầu tư bất động sản. Kiều hối chuyển vào lĩnh vực nào cũng đều được đánh giá tích cực, ích nước lợi nhà, góp phần tăng dự trữ ngoại hối…, nhưng nếu thu hút được vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng thì sẽ kích thích được nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác phát triển, mang tính lan tỏa rộng rãi trong nền kinh tế khu vực và cả nước.
Cần có dự án thí điểm và cơ chế đủ hấp dẫn
Muốn nước chảy vào đâu thì phải tạo chỗ trũng, muốn khuyến khích kiều hối vào hạ tầng thì phải tạo cơ chế, chính sách, dự án đủ hấp dẫn.
Để hút dòng kiều hối vào lĩnh vực hạ tầng của TP.HCM, trước tiên, Thành phố cần có một, hai dự án thí điểm, để nhà đầu tư thấy được tiềm năng và triển vọng khi đầu tư vào dự án đó, lĩnh vực đó. Muốn nước chảy vào đâu thì phải tạo chỗ trũng, muốn khuyến khích kiều hối vào hạ tầng thì phải tạo cơ chế, chính sách, dự án đủ hấp dẫn.
Đồng thời, TP.HCM cần nghiên cứu những dự án, công trình có thể triển khai phát hành trái phiếu để việc đề xuất “phát hành trái phiếu hút kiều hối” thêm thuyết phục. Từ năm 2025 trở đi, Thành phố cần có một, hai dự án như vậy để tạo được nền tảng cho bước đường dài hơn sau này. Bởi người nhận kiều hối phải thấy có lợi nhuận tốt và an toàn cho đồng vốn thì họ mới sẵn sàng đầu tư.
Việc hút dòng kiều hồi vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, nếu triển khai tốt, không chỉ giải quyết được bài toán thiếu vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng lâu nay, mà còn có nhiều lợi ích khác. Chẳng hạn, lâu nay, vì không phát triển các quỹ đầu tư để người dân bỏ tiền vào mà nhà nhà, người người đi đầu tư bất động sản, dòng kiều hối cũng có tỷ trọng không nhỏ chảy vào kênh tài sản này, từ đó đẩy giá bất động sản đi lên, khiến thị trường phát triển méo mó.
Trở lại với cơ chế hút dòng kiều hối vào lĩnh vực hạ tầng, TP.HCM có thể chọn dự án như metro để phát hành trái phiếu dự án cho kiều bào. Kênh thứ hai là phát hành trái phiếu đô thị. Loại trái phiếu này được bảo đảm bằng ngân sách Thành phố cũng rất an toàn, giống như trái phiếu chính phủ. Nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép loại trái phiếu này được lưu chuyển, giao dịch trên thị trường như trái phiếu chính phủ thì người dân sẽ lựa chọn. Đây là một kênh đầu tư an toàn để thu hút dòng kiều hối chảy vào.
Ngoài ra, với các dự án lớn thì Công ty Đầu tư Tài chính TP. HCM (HFIC), với chức năng công ty đầu tư tài chính nhà nước có thể lập quỹ đầu tư cho từng dự án, với nhiều nguồn huy động, trong đó có nguồn kiều hối. Nhưng yếu tố đầu tiên mà nhà đầu tư kiều hối cần đảm bảo là tuyệt đối an toàn cho khoản đầu tư tư, tiếp đến mới là tỷ lệ sinh lời và tính thanh khoản (có thể giao dịch, chuyển nhượng).
Tóm lại, muốn thu hút được nhiều nguồn vốn vào các dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có nguồn kiều hối, giải pháp đầu tiên là tạo môi trường pháp lý, cơ chế an toàn để kiều bào an tâm. Hai là các định chế, đặc biệt là phát hành trái phiếu kiều hối, gồm hai dạng, phát hành bằng ngoại tệ (phải xin phép đề án Trung ương), hoặc bằng tiền Việt Nam đồng (không vướng về vấn đề ngoại hối, có thể làm được ngay). Tuy nhiên, TP. HCM phải chủ động, có định chế, phát huy cho được vai trò của HFIC như một sếu đầu đàn để thu hút, dẫn dắt được dòng vốn này vào các dự án cơ sở hạ tầng.