Kết nối 3 bên
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, Thạc sỹ Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel cho rằng, ứng dụng các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực du lịch giúp cơ quan quản lý thuận lợi hơn trong việc nắm bắt thông tin. Trong khi đó, doanh nghiệp du lịch có thể tận dụng ưu thế của công nghệ để nắm bắt kịp thời thị hiếu của du khách, thiết kế các sản phẩm theo hướng gia tăng giá trị trải nghiệm, cũng như quảng bá sản phẩm tới du khách.
Với du khách, các ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giúp tìm kiếm thông tin, lên ý tưởng cho chuyến đi, đặt và thanh toán các chi phí dịch vụ. Ngay tại điểm đến, với các ứng dụng công nghệ thông tin, du khách có thể tự trải nghiệm các dịch vụ thuyết minh tự động, trải nghiệm sự kiện lịch sử qua công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường...
“Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, đặc biệt là Internet, mở ra cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch phương thức quảng bá hữu hiệu. Một số công cụ phổ biến như mạng xã hội, thư điện tử, trang thông tin điện tử, thiết bị di động, tiếp thị trực tuyến... mang lại hiệu quả cao mà ít tốn kém, giúp quảng bá sản phẩm, dịch vụ mới, tăng độ nhận diện thương hiệu nơi khách hàng”, PGS-TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định.
Khi Covid-19 chưa ngừng tác động mạnh tới ngành du lịch, việc sử dụng các ứng dụng công nghệ để tương tác, quảng bá, kết nối giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - du khách càng trở nên quan trọng, để các mắt xích trong mối liên hệ không bị “đứt gãy”. Trong thời đại công nghệ 4.0, khoảng cách địa lý không còn là rào cản quá lớn, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch cần tận dụng và khai thác triệt để ưu thế của công nghệ để “nắn dòng” du khách dịch chuyển vào Việt Nam.
Cơ hội bứt phá
Ngay tại thời điểm các hoạt động du lịch bị gián đoạn vào cuối tháng 3/2020, nhiều du khách đã rất ấn tượng với các sản phẩm truyền thông trực tuyến như: “Tôi yêu bánh mì Sài Gòn” do Sở Du lịch TP.HCM chủ trì tổ chức; Tour tham quan ảo 360 độ tại Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67 cùng Triển lãm online với chủ đề “Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ - Chắc thắng” trong dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Triển lãm trực tuyến “Độc Lập” trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc khánh 2/9 do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện...
Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong phát triển mô hình du lịch thông minh. Ngoài việc thường xuyên sử dụng các phương pháp marketing điện tử để quảng bá du lịch, Đà Nẵng đã xây dựng các hệ thống phần mềm, tiện ích hỗ trợ du khách như “Da Nang Tourism”, “inDaNang”, “ Go! Đà Nẵng”, “Da Nang Bus”. Đặc biệt, Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng ứng dụng chatbot “Da Nang Fantasticity” - công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore).
Tập đoàn Thiên Minh là một trong những doanh nghiệp du lịch thông minh hàng đầu Việt Nam, hiện sở hữu các thương hiệu lữ hành lớn, công ty đặt chỗ du lịch trực tuyến, hàng chục khách sạn phân khúc từ 3 đến 4 sao và công ty quản lý khách sạn. Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh cho rằng, Việt Nam có rất nhiều lợi thế cạnh tranh về thiên nhiên, văn hóa, chính trị... trong phát triển du lịch.
Đặc biệt, thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới. “Nếu đầu tư xứng tầm vào các nền tảng số, tạo dựng các kết nối tốt hơn đến thị trường quốc tế, chúng ta sẽ có cơ hội vượt qua Thái Lan vào năm 2022”, ông Kiên nhấn mạnh.
Tổng cục Du lịch đã ra mắt trang “Green Travel” mới trên website du lịch chính thức của Việt Nam dành cho khách nước ngoài: www.vietnam.travel/sustainability. Với website này, khách du lịch quốc tế có thể tìm thấy những sản phẩm du lịch bền vững tốt nhất và các bài viết chuyên sâu về dân tộc thiểu số cũng như các làng nghề thủ công truyền thống.
Ngoài ra, Tổng cục Du lịch còn có trang “Virtual Vietnam” mang đến các trải nghiệm du lịch trực tuyến như hành trình 360 độ, công thức nấu món ăn Việt Nam, tranh tô màu...