Năm thành công của công ty chứng khoán

(ĐTCK) Năm 2017 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhiều công ty chứng khoán đã tận dụng được cơ hội này để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh cũng như tăng vị thế. Tổng kết một năm hoạt động đã qua, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, nhìn một cách toàn diện, năm 2017 là một năm thành công với các công ty chứng khoán. 
Năm thành công của công ty chứng khoán

Nhìn lại một năm qua, theo ông, đâu là ưu điểm lớn nhất trong hoạt động của các công ty chứng khoán?

Theo tôi, năm 2017 là năm thành công với các công ty chứng khoán. Tính đến 30/9/2017, toàn thị trường có 79 công ty chứng khoán hoạt động bình thường. Trong đó, 59 công ty kinh doanh có lãi, với tổng lợi nhuận là 4.405 tỷ đồng. Hiện chỉ còn 43 công ty chứng khoán có lỗ lũy kế. So với cùng kỳ năm 2016, kết quả kinh doanh các công ty chứng khoán đã tăng tới 87,5%.

Không chỉ hiệu quả kinh doanh tăng trưởng tốt, trong năm qua, chất lượng các mặt hoạt động của công ty chứng khoán cũng được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, không có công ty chứng khoán nào bị rơi vào tình trạng mất thanh khoản, nợ tiền thanh toán VSD.

Điều này không chỉ phản ánh năng lực tài chính của các công ty chứng khoán đã tăng lên, mà còn cho thấy khâu quản trị rủi ro, vận hành của các công ty đã có tiến bộ rõ rệt so với giai đoạn trước. Tôi cho rằng, đa số các công ty chứng khoán sau khi phải trả giá về những thiếu sót nghiệp vụ giai đoạn trước đã tự rút kinh nghiệm và tự cải tiến, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, quy trình, hệ thống kiểm soát rủi ro.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ghi nhận sự đầu tư lớn về mặt hệ thống công nghệ thông tin của khối công ty chứng khoán. Đa số công ty đã sở hữu hệ thống công nghệ thông tin tốt, yếu tố này cộng với công tác quản trị con người, quản trị rủi ro tốt… đã giúp nâng cao chất lượng hoạt động của công ty chứng khoán. 

Đó là về hoạt động hỗ trợ và quản trị, còn về chất lượng dịch vụ và chất lượng thu nhập các công ty chứng khoán, ông đánh giá sao về các yếu tố này?

Chúng tôi nhận thấy, các công ty chứng khoán đang thực sự chuyển mình cả bên trong lẫn bên ngoài.

 Ông Phạm Hồng Sơn

Như đã nói ở trên, công tác quản trị con người, quản trị hệ thống, quản trị rủi ro và chất lượng hệ thống công nghệ thông tin của các công ty chứng khoán đã được cải thiện mạnh mẽ chính là nền tảng giúp chất lượng dịch vụ công ty chứng khoán với khách hàng được tăng lên. Hoạt động giao dịch ký quỹ nhờ thế cũng được quản trị rủi ro tốt hơn hẳn so với giai đoạn trước, không để xảy ra các trường hợp có hậu quả nghiêm trọng về tài chính.

Trong năm qua, thị trường có thêm sản phẩm mới và chúng ta cũng thấy sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng của các công ty chứng khoán cả về nhân sự, công nghệ lẫn công tác đào tạo, phổ biến kiến thức cho nhà đầu tư để thị trường bớt đi sự bỡ ngỡ với sản phẩm mới.

Về chất lượng hoạt động tư vấn, phân tích đầu tư, theo thời gian, các báo cáo phân tích của công ty chứng khoán ngày một chuyên nghiệp, có chiều sâu về doanh nghiệp, chứ không còn đơn thuần là những thông tin cập nhật tình hình tài chính. Nhờ đó, nhóm công ty chứng khoán đã thực hiện ngày một tốt hơn vai trò của mình là giúp nhà đầu tư có thêm thông tin đa dạng, đầy đủ về doanh nghiệp để việc ra quyết định đầu tư có hiệu quả hơn.

Một điểm đáng chú ý là, chất lượng thu nhập công ty chứng khoán đang được cải thiện mạnh mẽ, chứ không chỉ tăng về giá trị. Trong năm qua, nhờ sự phục hồi rất tốt của thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán đã nhanh chóng đẩy mạnh số lượng tài khoản, quy mô giao dịch…, làm tăng thu nhập từ dịch vụ. Cũng nhờ yếu tố này, một số công ty chứng khoán có thu nhập lớn từ hoàn nhập dự phòng. Và các công ty đang có xu hướng phân bổ ngày càng lớn nguồn lực tài chính của mình cho hoạt động dịch vụ, thay vì dành nguồn lực đầu tư cho mảng tự doanh. 

Vậy, đâu là điểm cần cải thiện của các công ty chứng khoán trong năm 2018, thưa ông?

Bên cạnh bức tranh chung rất tốt của năm 2017, hoạt động các công ty chứng khoán vẫn còn một số điểm cần được cải thiện trong thời gian tới.

Trước hết là câu chuyện phân hóa các doanh nghiệp trong ngành ngày một lớn. Thống kê cho thấy, 20 công ty chứng khoán tốp đầu chiếm trên 80% thị phần. Điều này đồng nghĩa với việc những công ty chứng khoán nhỏ nếu không có hướng đi hợp lý để tăng năng lực phục vụ khách hàng, khả năng cạnh tranh thì áp lực tồn tại sẽ rất lớn.

Thứ hai là quy mô thị trường chứng khoán đã tăng trưởng rất mạnh, nhưng tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán chưa tăng lên tương xứng. Đến cuối năm, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đã vượt xa mức 70% GDP, nếu tính cả thị trường trái phiếu thì đã xấp xỉ 100% GDP.

Trong khi đó, tổng vốn chủ sở hữu các công ty chứng khoán hiện nay mới đạt 52.221 tỷ đồng. Nếu không cải thiện quy mô vốn, công ty chứng khoán sẽ khó đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là trong các mảng đòi hỏi vốn lớn như bảo lãnh phát hành, các nghiệp vụ mới…

Thứ ba là việc chuẩn hóa quy trình và đào tạo nhân sự, bao gồm cả kiến thức lẫn bồi dưỡng đạo đức người hành nghề. Tôi cho rằng, trong mọi tình huống, đây luôn là hai vấn đề cần được nâng cao hàng ngày.

Thị trường chứng khoán diễn biến ngày một đa dạng, đòi hỏi các công ty chứng khoán phải am hiểu để có thể thực hiện cung cấp dịch vụ cũng như đảm bảo tính an toàn trong hoạt động.

Một điểm nổi bật của thị trường chứng khoán năm 2017 là dòng vốn ngoại đổ mạnh vào cổ phiếu, trong đó vào cả các công ty chứng khoán, đặc biệt là dòng vốn từ Hàn Quốc. Ông đánh giá sao về diễn biến này?

Trong thời gian qua, các nhà đầu tư ngoại đã gia tăng đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam bằng hình thức mua lại các công ty chứng khoán nhỏ. Trong năm qua, tổng số vốn đầu tư nước ngoài chảy vào các công ty chứng khoán thông qua M&A, tăng vốn là trên 3.000 tỷ đồng.

Các nhà đầu tư này đa số đều là những tổ chức tài chính hàng đầu tại nước bản địa, với thế mạnh về vốn, chuẩn quản trị và hệ thống tốt… giúp công ty chứng khoán được mua lại không chỉ mạnh hơn về tài chính, mà còn mở ra khả năng hoạt động bài bản, chuyên nghiệp hơn. Đây là một trong những tín hiệu cho thấy sự tin tưởng cũng như cam kết gắn bó lâu dài với thị trường chứng khoán Việt Nam của nhà đầu tư ngoại.

Với các công ty chứng khoán trong nước khác, rõ ràng việc xuất hiện các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo ra những đối thủ lớn, làm gia tăng cạnh tranh dịch vụ giữa các công ty. Điều này theo tôi cũng là yếu tố tạo nên động lực cải thiện chính mình của các công ty chứng khoán.

Thêm vào đó, phía sau mỗi nhà đầu tư ngoại sẽ là hệ thống khách hàng của họ, chính là các nhà đầu tư nước ngoài của thị trường Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, đây sẽ là cơ hội và cũng chính là một phần cầu nối giúp các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận tốt hơn thị trường Việt Nam, từ đó làm tăng khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Xin ông cho biết những định hướng của cơ quan quản lý đối với việc quản lý, giám sát công ty chứng khoán trong năm 2018?

Về mặt pháp lý, trong năm 2018, Luật Chứng khoán mới sẽ được xem xét trình Quốc hội thông qua. Với luật mới, dự kiến các quy định về vấn đề nghiệp vụ công ty chứng khoán sẽ được trình bày chi tiết hơn. Dự kiến, các quy định này sẽ phân tách rõ hơn các nghiệp vụ công ty chứng khoán được làm, theo hướng công ty chứng khoán phải đáp ứng nhiều tiêu chí, tiêu chí cao hơn mới được thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ, công ty chứng khoán càng nhỏ thì càng có ít nghiệp vụ được thực hiện.

Việc này sẽ dẫn tới việc phân hóa các công ty chứng khoán ngày một lớn, đòi hỏi các công ty phải có sự chuẩn bị kỹ về mặt nguồn lực tài chính, nhân sự cũng như các yếu tố khác để thích nghi với quy định pháp lý mới.

Vấn đề thứ hai là, năm 2018, cung hàng trên thị trường chứng khoán dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng với nhiều dự báo thuận lợi về diễn biến chung. Điều này một mặt mở ra cơ hội tăng trưởng cho các công ty, nhưng cũng đòi hỏi bản thân mỗi công ty phải tăng cường quản trị rủi ro, không ngừng nâng cao chất lượng hệ thống công nghệ, con người, quản trị điều hành… để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.

Về phía cơ quan quản lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cam kết luôn tạo điều kiện tối đa cho các công ty chứng khoán hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ tăng cường thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất… để hướng các công ty chứng khoán đến hoạt động an toàn, bền vững và hiệu quả. Tất cả các công ty chứng khoán nếu bị phát hiện sai phạm, đặc biệt là những sai phạm liên quan đến an toàn thị trường chứng khoán, sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định pháp luật hiện hành.

Chúng tôi cũng đồng thời khuyến cáo các công ty chứng khoán tiếp tục thực hiện tái cấu trúc, trong đó những công ty chứng khoán yếu kém nên hướng đến hợp nhất, sáp nhập để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Bùi Sưởng thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục