Năm mới, nhiều việc mới thúc thị trường bước vững

(ĐTCK) Năm 2017, Việt Nam đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, mức cao nhất trong gần 10 năm qua. Dù có nhiều lo ngại về trần nợ công, nhưng bức tranh chung về kinh tế vĩ mô của Việt Nam được đánh giá là ổn định và tiếp tục phát các tín hiệu khả quan.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau chụp hình với các lãnh đạo ngành khi đến thăm và đánh cồng tại HOSE tháng 11/2017 Thủ tướng Canada Justin Trudeau chụp hình với các lãnh đạo ngành khi đến thăm và đánh cồng tại HOSE tháng 11/2017

Đây là điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển. Tính đến ngày 22/12/2017, chỉ số VN- Index tăng hơn 43% so với cuối năm 2016, mức cao nhất gần 10 năm trở lại đây, đưa chỉ số VN-Index vào Top 5 chỉ số chứng khoán tăng trưởng cao nhất thế giới.

Nhờ sự thăng hoa và dẫn dắt của các cổ phiếu thuộc những doanh nghiệp lớn, chỉ số VN30 ghi nhận sự tăng trưởng 50,57%. Xét theo lĩnh vực ngành nghề, theo chuẩn phân ngành GICS (gồm 10 lĩnh vực) thì có phân nửa chỉ số ngành đạt mức tăng trưởng trên 50%.

Trong năm qua, sàn HOSE ghi nhận sự tăng trưởng kỷ lục về mặt vốn hóa, cụ thể, tổng giá trị vốn hóa hơn 2,5 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 70% và chiếm khoảng 75% vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.

Giá trị giao dịch bình quân trên 4.200 tỷ đồng/phiên, tăng gần 75% so với năm 2016. Đáng chú ý, quy mô vốn hóa trên HOSE được đóng góp tích cực bởi các giao dịch của khối ngoại, mua ròng hơn 1 tỷ USD, trong khi năm 2016 bán ròng 7.400 tỷ đồng trên HOSE.

Ông Lê Hải Trà, Phụ trách Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM.

Bối cảnh thị trường sôi động là điều kiện thuận lợi cho các thương vụ IPO, thoái vốn nhà nước. Có hai thương vụ thoái vốn quan trọng và gây tiếng vang là SCIC thoái vốn VNM thu về gần 9.000 tỷ đồng và cuộc đấu giá SAB đã giúp Bộ Công thương thu về gần 110.000 tỷ đồng (gần 5 tỷ USD).

Sự thành công vượt kỳ vọng từ hai cuộc đấu giá lớn trên đã trở thành “cú huých” cho thị trường và tạo niềm tin vào kết quả tích cực của các thương vụ tiếp theo. Năm 2018, với các điều kiện thuận lợi như hiện nay, quá trình thoái vốn nhà nước được kỳ vọng tiếp tục đẩy nhanh, dự kiến nhiều doanh nghiệp lớn sẽ chào sàn và thu hút sự quan tâm của thị trường.

Số lượng doanh nghiệp niêm yết tăng cao thì cách thức, kỹ năng nắm bắt thông tin kịp thời về hoạt động của doanh nghiệp để có quyết định đầu tư là thách thức ngày càng lớn đối với nhà đầu tư. Đây lại chính là cơ hội cho các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán làm tốt hơn về mặt tư vấn, môi giới một cách chuyên nghiệp, đúng nghĩa theo thông lệ tiên tiến trên thế giới.

Trong năm 2018, HOSE sẽ tiếp tục  phát triển các sản phẩm mới, hướng đến thị trường đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Cụ thể là sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW) dự kiến ra mắt trong tháng 3/2018 và Sở cũng đang nghiên cứu những sản phẩm ETF mới. Giao dịch trong ngày (T+0) và chứng khoán chờ về cũng được kỳ vọng triển khai trong năm nay, qua đó góp phần gia tăng thanh khoản cho thị trường.

Một nhiệm vụ không mới, nhưng luôn quan trọng của Sở chính là đảm bảo tính công khai, minh bạch thị trường; thực hiện giám sát chặt chẽ nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán thành viên nhằm đảm bảo tính tuân thủ cao nhất; thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp niêm yết hướng đến phát triển bền vững, áp dụng các thông lệ tốt và chuẩn mực quốc tế trong việc duy trì chất lượng báo cáo tài chính và quản trị công ty.

Cuộc bình chọn báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững - hoạt động thường niên của Sở - được tổ chức nhằm mục tiêu hướng đến minh bạch - quản trị tốt - phát triển bền vững cho các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

HOSE sẽ thúc đẩy triển khai hệ thống công nghệ thông tin tổng thể, đồng bộ và tích hợp toàn diện phục vụ cho thị trường chứng khoán Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực tổ chức, quản lý và vận hành thị trường, hướng tới các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Lê Hải Trà

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục