Sau gần 5 năm ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9/6/2016 của Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nam Định đã tạo bước đột phá chiến lược thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa tỉnh trở thành một vùng quê ngày càng trù phú, thịnh vượng.
Nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9, phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nam Định về nội dung này.
Thưa ông, thời gian qua, Nam Định đã có những chủ trương, chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là Nghị quyết số 05-NQ/TU của Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 58/KH-UBND của UBND tỉnh.
Ông Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nam Định. |
Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là một dấu mốc thể hiện quyết tâm chính trị của tỉnh, tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư. Thành lập và đưa Trung tâm Hành chính công tỉnh Nam Định đi vào hoạt động để giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đến đầu tư, các dự án đầu tư sớm đi vào triển khai, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Sau khi Nghị quyết số 05-NQ/TU được ban hành, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 1/7/2016, cụ thể hóa các mục tiêu theo đúng định hướng, quan điểm của Nghị quyết và đưa ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Từ đó, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã quán triệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đưa Nghị quyết và Kế hoạch nhanh chóng đi vào thực tiễn. Và sau gần 5 năm thực hiện, Nam Định đã “kết trái” thu hút đầu tư, góp phần tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả thu hút đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh của tỉnh trong những năm gần đây đã góp phần đưa Nam Định trở thành một vùng quê trù phú, thịnh vượng?
Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định phát triển toàn diện. Tổng sản phẩm GRDP giai đoạn 2015-2020 tăng bình quân 7,9%/năm, năm 2020 ước gần 80.000 tỷ đồng, cao hơn so với mức tăng bình quân của giai đoạn 2010-2015 (6,2%/năm). Quy mô kinh tế mở rộng so với thời kỳ 2010 - 2015, tổng giá trị sản xuất công nghiệp gấp 1,9 lần, vốn đầu tư toàn xã hội gấp 2,2 lần, thu ngân sách gấp 2,1 lần. Thu hút đầu tư ước đạt 3,5 tỷ USD vốn đầu tư FDI và trên 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tăng rất cao so với giai đoạn 2010-2015.
Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả ấn tượng, hoàn thành sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, sớm hơn 11,5 năm so với Chương trình mục tiêu quốc gia, là một trong 2 tỉnh dẫn đầu cả nước được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba và 10/10 huyện, thành phố được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã huy động được trên 40.000 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Chỉ tính trong 10 năm 2010-2020, đã thu hút trên 5.000 doanh nghiệp đầu tư về nông thôn tạo ra sức sản xuất mới.
Giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2015-2020 tăng bình quân 2,7%/năm. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt. Đã hình thành trên 30 mô hình mới liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi và các vùng chuyên canh tập trung theo mô hình “cánh đồng lớn”. Chăn nuôi phát triển theo mô hình trang trại, gia trại và gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Đã hình thành 50 vùng nuôi thủy sản tập trung, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác năm 2020 ước đạt 176.000 tấn, tăng bình quân 7,6%/năm. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) hết năm 2020 có trên 100 sản phẩm được công nhận đạt 3, 4 sao.
Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân 5 năm 2015-2020 ước đạt 13,7%/năm. Các ngành tăng trưởng cao như cơ khí chế tạo, điện, điện tử, dệt may, da giày... Tỉnh hiện có trên 9.400 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, tăng 58%, với số vốn 72.000 tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2015. Đã lập thủ tục, đầu tư mới và mở rộng các khu, cụm công nghiệp, nâng tổng diện tích lên 1.463 ha. Các khu công nghiệp Bảo Minh, Hòa Xá, Dệt may Rạng Đông, Mỹ Trung với diện tích 1.110 ha đã thu hút 178 dự án đầu tư trong nước và 44 dự án đầu tư nước ngoài, tạo việc làm cho trên 45.000 lao động; 19 cụm công nghiệp đã thu hút 485 dự án đầu tư, tạo việc làm cho trên 20.000 lao động.
Thương mại, dịch vụ phát triển khá toàn diện, trong đó có một số lĩnh vực phát triển nhanh. Giá trị thương mại dịch vụ 2015-2020 tăng bình quân 8,1%/năm. Xuất khẩu năm 2020 ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng bình quân 16,4%/năm, nhập khẩu đạt 1,2 tỷ USD, tăng 9,6%. Đã cải tạo, nâng cấp và nâng cao chất lượng dịch vụ các khu du lịch Đền Trần, Phủ Dầy, Núi Ngăm, bãi biển Quất Lâm, Thịnh Long… với doanh thu tăng bình quân 9%/năm.
Huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng xã hội hóa. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm ước đạt 175.000 tỷ đồng, tăng bình quân 17,4%/năm. Từ nguồn xã hội hóa, đã xây dựng được 53 nhà máy sản xuất nước sạch, 186 công trình xử lý rác thải, chuẩn bị đầu tư Nhà máy Xử lý rác thải TP. Nam Định, hoàn thiện hạ tầng Khu công nghiệp Rạng Đông 520 ha và thành lập mới, mở rộng thêm 10 cụm công nghiệp.
Định hướng, giải pháp của Nam Định trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh trong giai đoạn tới là gì, thưa ông?
Tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Tập trung lập quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, vốn ODA, ngân sách địa phương và tích cực huy động các nguồn vốn hợp pháp. Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa đầu tư các công trình trọng điểm như: Tuyến nối vùng kinh tế biển với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường ven biển và các cầu lớn Đống Cao, Ninh Cường, Bến Mới. Nâng cấp Quốc lộ 37C Nam Định - Hòa Bình và các dự án tỉnh lộ; lập thủ tục đầu tư tuyến Quốc lộ 21 mới Nam Định - Lạc Quần, cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình cũng như đầu tư xây dựng hạ tầng TP. Nam Định và vùng kinh tế biển.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và tạo thêm nguồn thu mới, tăng thu cho ngân sách. Huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa, đầu tư các khu, cụm công nghiệp. Lấp đầy sớm giai đoạn I, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông để triển khai giai đoạn II. Hoàn thành đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Thuận, mở rộng Khu công nghiệp Bảo Minh, triển khai Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hồng Tiến và tháo gỡ vướng mắc Khu công nghiệp Mỹ Trung…
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Phát triển công nghiệp thế mạnh: sản xuất máy nông nghiệp, máy xây dựng; chế biến nông sản, thực phẩm; sợi, dệt, may thời trang cao cấp.
Đẩy mạnh khai thác tiềm năng vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực, cực tăng trưởng phía Nam tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu kinh tế ven biển huyện Nghĩa Hưng thành Trung tâm dệt, nhuộm, phụ kiện và may mặc có công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Hình thành đô thị Rạng Đông - Thịnh Long và triển khai thực hiện tốt quy hoạch Khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông thu hút đầu tư phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, hệ thống cảng, dịch vụ vận tải biển, công nghiệp chế biến thủy, hải sản. Khai thác hiệu quả khu vực cửa biển Lạch Giang, sớm đưa vào hoạt động Dự án Tổng kho và cảng xuất - nhập xăng dầu. Chủ động cùng nhà đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định I.
Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, gắn với đô thị hóa nông thôn.
Chú trọng nguồn lực xã hội hóa để đẩy mạnh xây dựng đô thị Thịnh Long, Quất Lâm, Đại Đồng, Giao Phong theo hướng phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ các khu du lịch biển và Vườn quốc gia Xuân Thủy, mở rộng khu bãi bồi Rạng Đông thành trọng điểm du lịch.
Khai thác tốt các nguồn thu, phấn đấu có thêm các nguồn thu lớn từ sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn vốn, đa dạng hóa các hình thức đầu tư; từng bước giảm dần tỷ trọng đầu tư công, tăng vốn đầu tư ngoài ngân sách và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Ưu tiên các nguồn lực xây dựng đô thị thông minh và phát triển trung tâm công nghiệp, dịch vụ TP. Nam Định đến năm 2030 cơ bản đạt một số chức năng trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.