Tuy nhiên, đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn tất do người dân yêu cầu đơn giá đền bù cao hơn. UBND tỉnh Nam Định cho biết, cuối tháng 7 vừa qua đã ban hành Quyết định số 25/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung đơn giá bồi thường, hỗ trợ một số loại tài sản, vật kiến trúc phục vụ công tác GPMB. Hội đồng bồi thường GPMB huyện Nghĩa Hưng đã thực hiện xong công tác kiểm đếm của 341/342 hộ dân tại khu vực Đông Nam Điền; xây dựng xong phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB của 96 hộ dân tại ô số 1 để gửi các sở, ngành chức năng xin ý kiến trước khi hoàn chỉnh, phê duyệt phương án.
Trong công tác quy hoạch, UBND tỉnh đã phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông đến năm 2035; đơn vị tư vấn hoàn thành lập đồ án quy hoạch chi tiết KCN. Về phê duyệt đánh giá tác động môi trường, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định, kiểm tra thực địa, yêu cầu tư vấn cùng nhà đầu tư chỉnh sửa lại một số nội dung liên quan đến môi trường trước khi phê duyệt chính thức.
Về phía chủ đầu tư, đến nay Công ty Vinatex đã lựa chọn xong nhà thầu để thực hiện các công việc gồm: Tư vấn xin cấp phép khai thác nước mặt công suất 50.000 m3/ngày đêm; tư vấn xin cấp phép xả thải; tư vấn khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng trạm bơm cấp I phục vụ KCN, nhà máy nước sạch phục vụ dân cư; khảo sát lập dự án hệ thống tiêu thoát nước KCN bao gồm cả cống xẻ qua đê PAM; tư vấn cấp phép khai thác nước ngầm công suất dưới 3.000 m3/ngày đêm phục vụ giai đoạn đầu triển khai dự án.
Nhà đầu tư cũng kiến nghị tỉnh có phương án cải tạo tạm thời tuyến đường giao thông kết nối KCN với đường 490, nhằm bảo đảm cảnh quan, đáp ứng lưu lượng giao thông phục vụ lễ khởi công. Đề nghị tỉnh xem xét để Công ty Điện lực Nam Định có kế hoạch lập dự án đầu tư hệ thống cung cấp điện cho KCN theo nội dung chủ đầu tư đã phân kỳ.
Được biết, Vinatex đặt mục tiêu đưa Rạng Đông không chỉ là một khu công nghiệp mà còn là một khu đô thị ở vùng nam Đồng bằng sông Hồng.