Kế hoạch tham vọng, hiện thực hụt hơi
Các hoạt động kinh tế được khôi phục sau giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch trong năm 2021 khiến các ngành, các doanh nghiệp bước vào năm 2022 với tâm thế khá lạc quan. Kỳ vọng vào lực đẩy đầu tư công và sự sôi động của thị trường bất động sản trong quý I/2022, các doanh nghiệp nhà thầu lên kế hoạch kinh doanh 2022 khá tham vọng.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) đặt kế hoạch doanh thu đạt 17.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 350 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 54,1% và 262% so với mức thực hiện năm 2021. Hay Công ty cổ phần FECON (mã FCN) đặt kế hoạch doanh thu 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 280 tỷ đồng, tăng lần lượt 44% và 296% so với năm 2021.
Tuy nhiên, năm 2022 sắp qua đi và thực tế cho thấy giữa kế hoạch với kết quả thực hiện của các doanh nghiệp xây lắp đang có khoảng cách khá xa. Hai động lực được kỳ vọng cho đà tăng trưởng của khối doanh nghiệp xây lắp đều trục trặc - giải ngân đầu tư công chậm, trong khi thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, các nhà thầu ít việc. Thêm vào đó, các doanh nghiệp ngành này còn chịu áp lực chi phí đầu vào tăng và công nợ tồn đọng.
Công ty cổ phần Coteccons (mã CTD) cho biết, biến động giá đầu vào như nguyên vật liệu xây dựng cộng thêm các chi phí huy động và thuê nhân công tăng mạnh đẩy giá vốn của doanh nghiệp tăng và biên lợi nhuận gộp sụt giảm. Riêng quý III, giá vốn hàng bán của Công ty tăng 2.027 tỷ đồng, tương ứng tăng 192,3% so với cùng kỳ; biên lợi nhuận gộp sụt giảm còn 1,06% so với cùng kỳ năm ngoái.
9 tháng đầu năm, Coteccons ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1,9 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ.
Năm nay, Coteccons đặt kế hoạch doanh thu 15.010 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng, giảm 17% so với thực hiện năm 2021.
Trong 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu 8.307 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 1,9 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Công ty mới thực hiện được 55,3% mục tiêu doanh thu và 9,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Trong khi đó, Công ty cổ phần FECON có doanh thu 9 tháng đi ngang so với cùng kỳ, đạt 2.205 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 2 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ, tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm so với kế hoạch ban đầu đã ảnh hưởng đến tiến độ chào thầu, ký kết hợp đồng của Công ty.
Bên cạnh đó, lãnh đạo FECON cũng đề cập đến câu chuyện chi phí lãi vay tăng cao. Cụ thể, chi phí lãi vay trên báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của Công ty tăng 18,95 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 52,97% so với cùng kỳ. Mặt bằng lãi suất tăng cao, chi phí tài chính đội lên đang là vấn đề các doanh nghiệp nhà thầu như FECON phải đối mặt.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng tiết lộ, “càng làm càng lỗ vì chi phí đầu vào tăng cao, thậm chí phải từ chối một số hợp đồng vì lo ngại rủi ro thua lỗ”.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng không nằm ngoài khó khăn chung của ngành. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu 10.904 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 61,2 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Với kết quả này, HBC mới đạt 63% kế hoạch doanh thu và 17,5% kế hoạch lợi nhuận. Chi phí lãi vay 9 tháng lên tới 357,6 tỷ đồng, tăng 60,8% so với cùng kỳ đã “ăn mòn” lợi nhuận của Công ty.
Kỳ vọng bớt khó trong năm 2023
Ngày 14/12 vừa qua, ông Lê Viết Hải thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Người thay ông Hải đảm nhiệm vị trí này là ông Nguyễn Công Phú.
Tập đoàn Hòa Bình cũng ban hành Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thành lập Hội đồng Sáng lập, do ông Lê Viết Hải giữ vai trò Chủ tịch.
Theo ông Hải, Hòa Bình đang nỗ lực tìm cách tháo gỡ khó khăn, có những điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với thị trường. Công ty tiến hành bán tài sản, tái cấu trúc để giải quyết bài toán thanh khoản, dòng tiền.
Khi thị trường bất động sản nhà ở nói chung gặp khó, Hòa Bình mở rộng sang thi công nhà máy tại các khu công nghiệp, tham gia thiết kế nhà ở xã hội. Lãnh đạo Hòa Bình tiết lộ, Công ty đã ký được một hợp đồng thiết kế dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng với quy mô 4.000 căn hộ và đang nỗ lực trở thành nhà thầu dự án này với tổng giá trị lên tới 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty đã thi công một số nhà máy tại Bình Dương, Tiền Giang như nhà máy của Tập đoàn Want Want (Đài Loan, Trung Quốc).
Tại Coteccons, lãnh đạo Công ty cho biết, dự kiến doanh thu quý IV đạt khoảng 6.000 tỷ đồng. Giá trị hợp đồng để lại (backlog) năm 2023 là 17.000 tỷ đồng. Công ty đang triển khai một số dự án bất động sản cao cấp như Diamond Crown,
Ecopark, cụm dự án Vinhomes (Dream City, Grand Park, Smart City, Vinfast), Intercontinental, The Emerald Golfview, Crystal Palace...; các dự án công nghiệp có vốn FDI như Apache, Tesa và gần đây nhất là dự án nhà máy LEGO.
Năm nay, nhận thấy những nguy cơ từ thị trường, Coteccons đã chủ động trích lập dự phòng 961 tỷ đồng cho các khoản phải thu của khách hàng mà Công ty đã ghi nhận doanh thu từ năm 2020 trở về trước. Đối với các công trình đã hoàn thành để lại từ thời gian 2020 về trước có liên quan đến chủ đầu tư Vạn Thịnh Phát, Công ty đã thực hiện trích lập dự phòng 41,9 tỷ đồng cho hai dự án Alpha Hill và IFC Saigon Tower One.
Nhìn về triển vọng kinh doanh năm 2023, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, ông đã nhìn thấy điểm sáng mở ra, đó là giá nguyên vật liệu đang giảm dần.
Báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cũng nhận định, ngành xây dựng sẽ phục hồi nhờ chính sách đẩy mạnh đầu tư công và giá nguyên vật liệu đang điều chỉnh. Dự kiến, sẽ có 793.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân trong năm 2023.
VNDIRECT kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ tăng 20 - 25% so với giải ngân thực tế năm 2022 nhờ nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới và giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm tới.
Các yếu tố nền với chi phí đầu vào giảm và việc làm tốt hơn từ lực đẩy đầu tư công hy vọng sẽ mang lại bức tranh sáng hơn cho các nhà thầu vào năm 2023. Theo VNDIRECT, những công ty xây lắp hàng đầu với năng lực đã được chứng minh như Vinaconex, Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, CIENCO4… nắm nhiều lợi thế để giành được các gói thầu quy mô lớn.