Những con số ấn tượng
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, riêng tháng 7/2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,15 triệu lượt, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 7 tháng, số lượng này đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 - khi chưa xảy ra dịch Covid-19.
Trong tổng số gần 10 triệu lượt khách quốc tế, khách đến bằng đường hàng không đạt 8,4 triệu lượt, chiếm 84,2% tổng lượng khách và tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy sự phát triển hạ tầng hàng không và các chính sách mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế. Bên cạnh đó, khách nhập cảnh bằng đường bộ đạt 1,4 triệu lượt người, chiếm 14,1% và tăng 84,2%. Khách đến bằng đường biển đạt 165.500 lượt người, chiếm 1,7% và gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh các chiến dịch quảng bá du lịch được thực hiện chuyên nghiệp và hiệu quả thông qua các nền tảng truyền thông số giúp hình ảnh Việt Nam lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế, thì chính sách visa điện tử được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách từ nhiều quốc gia cũng là một yếu tố quan trọng giúp tăng lượng khách quốc tế.
Các điểm đến nổi tiếng như Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa)... tiếp tục là điểm đến ưa thích của khách nước ngoài. Các địa phương này đang không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cấp nhiều trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn cho du khách.
Hiểu đúng, hiểu rõ nhu cầu của du khách
Lý do khiến khách quốc tế chọn Việt Nam là điểm dừng chân không chỉ vì cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn bởi văn hóa độc đáo, ẩm thực phong phú và lòng hiếu khách của người dân.
Một trong những mong muốn hàng đầu của du khách quốc tế là khám phá các danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa. Việt Nam sở hữu nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận như vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng, Hội An, Mỹ Sơn, Cố đô Huế… Những địa điểm này không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp tự nhiên, mà còn bởi giá trị lịch sử và văn hóa sâu sắc.
Bên cạnh đó, ẩm thực Việt Nam cũng là một điểm nhấn thu hút du khách quốc tế. Những món ăn như phở, bún chả, nem rán, các món hải sản tươi sống tại các vùng biển… để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách.
Ngoài ra, du khách quốc tế còn có nhu cầu tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống địa phương. Họ thích thú với việc thăm các làng nghề truyền thống, tham gia các lễ hội văn hóa và hòa mình vào đời sống thường nhật của người dân. Đây là cơ hội để họ hiểu rõ hơn về phong tục tập quán, con người và văn hóa Việt Nam.
Về mặt dịch vụ, du khách mong muốn được trải nghiệm các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp và tiện nghi. Họ yêu cầu các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế, dịch vụ nhà hàng, spa và các hoạt động giải trí phong phú. Đồng thời, họ cũng kỳ vọng vào sự thân thiện, nhiệt tình và chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên du lịch.
Đặc biệt, không thể không nhắc đến nhu cầu mua sắm của những vị khách này, tại các khu chợ đêm, cửa hàng lưu niệm, các trung tâm thương mại lớn ở các thành phố du lịch như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang...
Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, mỗi thị trường cần có cách tiếp cận khác nhau dựa trên những nghiên cứu khác nhau về nhu cầu, sở thích khách hàng. Bên cạnh xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá và xây dựng sản phẩm phù hợp, hướng đến từng đối tượng khách, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề quản lý điểm đến.
Đồng quan điểm, bà Lương Thị Hoàng Lan, Giám đốc Kinh doanh Khối Du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn Sun Group đề xuất, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cần trở thành “nhạc trưởng” để triển khai các chiến dịch quảng bá, xúc tiến đến các thị trường quốc tế trọng điểm và tiềm năng, huy động sự tham gia của các điểm đến trong nước, các hãng hàng không và các doanh nghiệp du lịch lớn để tạo sức mạnh lan tỏa, đồng thời xây dựng những chương trình, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đủ sức thu hút du khách quốc tế.