Chỉ còn 10 ngày nữa Tuần lễ cấp cao APEC sẽ diễn ra tại Đà Nẵng, ông có thể chia sẻ về công tác chuẩn bị của Thành phố cho sự kiện quan trọng này?
Công tác chuẩn bị đã tiến hành từ năm 2015 khi Đà Nẵng được giao đăng cai tổ chức sự kiện. Các cơ sở vật chất phục vụ Tuần lễ cấp cao đến nay đã cơ bản hoàn thành và được đánh giá cao qua 2 đợt kiểm tra tiền trạm cuối tháng 7 và đầu tháng 10.
Đầu tư cho cơ sở vật chất có 2 nguồn, từ ngân sách Thành phố và Trung ương. Với khoản tiền từ ngân sách, chúng tôi đã sử dụng để cải tạo các trục đường, chỉnh trang cảnh quan hai bên đường, nâng cấp một số công trình...
Đặc biệt, lần này chúng ta chủ trương xã hội hóa công tác tổ chức với sự vào cuộc của doanh nghiệp. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao là nơi tổ chức sự kiện của Tuần lễ cấp cao đến thời điểm này đã hoàn tất công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, chờ đợi buổi tổng duyệt vào cuối tháng này của Chủ tịch nước.
Ông đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của các doanh nghiệp?
Sự vào cuộc của doanh nghiệp rất tốt, để chúng ta có cơ sở vật chất vừa chuyên nghiệp vừa hoàn chỉnh tổ chức các sự kiện. Trong số các cơ sở vật chất phục vụ APEC 2017, có tổ hợp Sheraton của BRG được xây mới hoàn toàn, một số điểm khác được cải tạo nâng cấp, hoặc xây dựng thêm hạng mục hội nghị... Chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc của các doanh nghiệp, góp phần quan trọng cho thành công của Tuần lễ.
Bên cạnh công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, công tác chuẩn bị kỹ năng mềm cho nhân sự phục vụ APEC được triển khai ra sao?
Ngoài cơ sở hạ tầng, chúng tôi rất quan tâm đến cảnh quan của Thành phố, ý thức người dân. Đến thời điểm này, công tác tuyên truyền quảng bá đến người dân đã được triển khai mạnh mẽ. Chúng tôi chủ trương mỗi người dân là một đại sứ du lịch, thông qua phát động chiến dịch Nụ cười Đà Nẵng, một việc tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn khi quan khách, du khách đến sẽ cảm nhận được sự hiếu khách của nơi đây.
Chúng tôi cũng đào tạo các nhân viên phục vụ trực tiếp các sự kiện của Tuần lễ, cán bộ công chức các sở ngành, nhân viên sân bay, các nhà hàng khách sạn… Họ được tập huấn với sự hỗ trợ của các đại sứ quán về trình độ ngoại ngữ, lễ nghi, các vấn đề liên quan đến APEC… Đến thời điểm này, trình độ của cán bộ công chức, những người phục vụ cũng đã nâng lên một bước.
Bên cạnh đó, lực lượng tình nguyện viên, liên lạc viên rất đông đảo gồm 750 em được đào tạo bài bản, tuyển chọn từ các trường đại học trên địa bàn Thành phố đã hoàn thiện. Lực lượng này là thành phần quan trọng kết nối các quan khách với ban tổ chức, đảm bảo sự thành công xuyên suốt của Tuần lễ cấp cao.
Có những khó khăn, thách thức nào trong công tác tổ chức, thưa ông?
Là thành phố chủ nhà, Đà Nẵng ý thức rằng có nhiều thách thức lớn về cơ sở vật chất, bởi bên cạnh việc đạt tiến độ theo yêu cầu còn là chất lượng và tính chuyên nghiệp. Hiện tại, cơ sở vật chất đã hoàn chỉnh.
Chúng tôi có một chút lo ngại về thời tiết vì thời gian đầu tháng 11 là mùa mưa ở Đà Nẵng nhưng đã có phương án dự phòng để công tác tổ chức chuyên nghiệp, hoàn chỉnh, không có sơ suất nào.
Ông có đề cập đến sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp, vậy có thể rút ra bài học gì từ các công tác chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này?
Đối với APEC, công tác tổ chức có vai trò quan trọng bởi đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức sự kiện ở thành phố, không phải ở thủ đô. Công tác tổ chức phải rất trọng thị, tiết kiệm bằng cách huy động nguồn lực xã hội, không đem lại gánh nặng cho thành phố và Trung ương. Sự vào cuộc của các doanh nghiệp rất quan trọng, sự đóng góp này cũng đã được đánh giá cao qua việc Đà Nẵng tổ chức thành công Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng mới đây.
Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC có Hội nghị thượng đỉnh các CEO với sự tham dự của hơn 1.000 tổng giám đốc doanh nghiệp toàn cầu. Họ đến đây, hy vọng sẽ đem đến nhiều cơ hội đầu tư và chúng ta cần tận dụng tốt cơ hội này. Bởi vậy càng cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp Việt Nam trong sự kiện để cùng giới thiệu tiềm năng của Đà Nẵng nói riêng và đất nước nói chung, từ đó kêu gọi đầu tư.
Với riêng Đà Nẵng, những dự án lớn nào đang chờ vốn của các nhà đầu tư?
Trước đây, Thành phố dựa vào nhiều nguồn lực khác nhau. Đến thời điểm này, chúng tôi rất coi trọng sự đóng góp của doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn lớn. Chúng tôi tin rằng, sau APEC, vai trò của doanh nghiệp với sự phát triển của Thành phố sẽ càng đậm nét hơn.
Hiện Đà Nẵng muốn thu hút đầu tư cho các dự án về hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Về hạ tầng kỹ thuật, có thể kể tới các dự án xây dựng mới cảng Liên Chiểu, di dời xây dựng mới ga đường sắt, dự án cải thiện môi trường ven biển, cung cấp nước sạch cho Thành phố… Về xã hội, chúng tôi kêu gọi xây dựng các bệnh viện quốc tế, liên kết xây dựng các cơ sở đào tạo từ phổ thông đến bậc đại học, kêu gọi đầu tư vào khu công nghệ cao, công nghệ thông tin tập trung.