Đông Nam Á: Trung tâm mới của sản xuất toàn cầu
Các nhà lãnh đạo của các công ty đa quốc gia đang phải đối mặt với sự bất ổn chưa từng có trong việc định hình chiến lược chuỗi cung ứng của họ và cấu hình lại mạng lưới để ứng phó với những biến động địa chính trị toàn cầu.
Theo đó, các động lực giữa cường quốc sản xuất Trung Quốc và một số đối tác thương mại lớn đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sản xuất hiện có. Công nghệ và chi phí lao động tương đối đang thay đổi. Covid-19 cho thấy sự cần thiết phải xây dựng một chuỗi cung ứng linh hoạt hơn, khi những căng thẳng địa chính trị đã tạo ra những cân nhắc phức tạp hơn cho các đối tác thương mại toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo của các công ty đa quốc gia cũng phải đánh giá cách thiết lập cơ sở cung ứng tuân thủ các tiêu chí môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp (ESG), đồng thời xác định vị trí địa lý nào sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Theo một cuộc khảo sát của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), những cân nhắc phức tạp này là lý do hơn 90% các nhà sản xuất toàn cầu có ý định tái thiết mạng lưới cung ứng trong vòng 5 năm tới.
Các công ty có khả năng phục hồi sẽ hoạt động tốt hơn gấp đôi so với các công ty không có khả năng phục hồi về hiệu suất tổng lợi nhuận của cổ đông (TSR) dài hạn. Hơn nữa, việc chuyển đổi mạng lưới thành công có thể cải thiện khả năng phục hồi và tính bền vững của các công ty, đồng thời cắt giảm chi phí sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu từ 20 đến 50%.
Đông Nam Á đã được hưởng lợi từ sự dịch chuyển đáng kể khỏi Trung Quốc, với xuất khẩu sang Mỹ tăng 65% từ năm 2018 đến năm 2022, trong khi nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Trung Quốc giảm 10%. Tiêu dùng nội địa được dự đoán đạt 4.000 tỷ USD vào năm 2031. Tăng trưởng nhanh chóng trong khu vực cũng tạo nên một thị trường nội địa rộng lớn, với GDP là 3.600 tỷ USD vào năm 2022, tỷ lệ hộ gia đình có thu nhập trung bình và cao đạt 84% số hộ gia đình vào năm 2031.
Ở cấp độ khu vực, những năm gần đây, ASEAN đã thực hiện một loạt chính sách hỗ trợ, các biện pháp nhằm tăng cường tự do lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia thành viên. Việc mở rộng và hiện đại hóa các cảng được bổ sung bằng việc đầu tư vào năng lượng, giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Các hiệp định thương mại lớn như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cùng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại khả năng tiếp cận thương mại cạnh tranh với các quốc gia chiếm từ 40% GDP toàn cầu trở lên.
Trên toàn cầu, giá trị gia tăng của ngành sản xuất ở Đông Nam Á sẽ tăng gấp đôi, từ 748 tỷ USD vào năm 2022 lên 1.400 tỷ USD vào năm 2028. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự kiến là 11%, đưa Đông Nam Á đi đầu về tăng trưởng sản xuất, vượt xa các đối thủ cạnh tranh Ấn Độ (8,4%), Trung Quốc (3,6%) và Mexico (3,3%).
Nền tảng cho cơ hội ở Việt Nam
Thị trường sản xuất của khu vực Đông Nam Á được thống trị bởi 6 quốc gia chủ chốt với những cân nhắc đặc biệt về các cơ hội mà các quốc gia này mang lại. Theo đó, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan tự hào có cơ hội sản xuất đa dạng trên nhiều ngành công nghiệp.
Việt Nam có vị thế tốt để mở rộng hệ sinh thái sản xuất ngoài những thành công hiện có. Việt Nam được xếp hạng thứ 23 trên toàn cầu trong số các nước xuất khẩu hàng hóa vào năm 2022, với tổng giá trị xuất khẩu 371 tỷ USD - đứng trong top đầu ASEAN. Con số này năm 2023 là trên 335 tỷ USD.
Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng lên 36,6 tỷ USD vào năm 2023, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước, với 111 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực sản xuất và chế biến chiếm tới 64% tổng vốn đầu tư.
Hiện có các ưu đãi chính được áp dụng để khuyến khích đầu tư. Các ưu đãi này gồm miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng riêng như máy móc, phương tiện, linh kiện và phụ tùng cho máy móc và thiết bị, nguyên liệu thô, đầu vào cho sản xuất và vật liệu xây dựng. Các công ty đủ điều kiện được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn, cũng như mức giá thuê đất thuận lợi.
Các hiệp định thương mại tự do hiện có của Việt Nam, cùng với 50 hiệp định đầu tư song phương và 26 hiệp định bổ sung có điều khoản đầu tư mang lại lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ để phát triển. Sự ổn định chính trị đảm bảo việc ra quyết định chiến lược phù hợp về các vấn đề chính sách lớn. Chi phí lao động rẻ, với mức lương tối thiểu là 202 USD mỗi tháng, tạo nên một địa điểm hấp dẫn cho sản xuất.
Tuy vậy, vẫn còn một số thách thức lớn, nổi bật là những hạn chế về quyền sở hữu nước ngoài. Giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL) được áp dụng cho các ngành được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia, trong đó cấm đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực quan trọng như đánh cá và hành chính tư pháp, cũng như nhiều ngành nghề kinh doanh phải tuân theo yêu cầu tiếp cận thị trường.
Tất cả các dự án FDI đều phải được UBND tỉnh nơi đặt trụ sở phê duyệt, với những dự án quy mô lớn phải được Quốc hội phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ có toàn quyền dỡ bỏ FOL tùy theo từng trường hợp và các cuộc cải cách vào tháng 1/2020 đã loại bỏ FOL đối với các công ty trong lĩnh vực thanh toán điện tử - gợi ý về những cải cách linh hoạt củng cố niềm tin vào các cơ hội đầu tư dài hạn.
Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức về tham nhũng, mặc dù thứ hạng của Việt Nam trong Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế đã tăng ba bậc, lên vị trí thứ 77 trên 180 quốc gia từ năm 2021 đến 2022.
Các luật và quy định phức tạp cũng có thể đặt ra những rào cản, do thẩm quyền chồng chéo giữa các bộ, dẫn đến tính minh bạch kém. Cơ cấu thuế và những thách thức đối với hợp đồng và thực thi pháp luật, cũng như sự hoàn thiện của cơ sở hạ tầng cũng gây ra nhiều khó khăn.
Nghị quyết số 23-NQ/TW đặt ra tham vọng cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam với mục tiêu cải cách thể chế kinh tế, đảm bảo an toàn, an ninh mạng, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, giáo dục, đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, nghiên cứu và làm chủ các công nghệ ưu tiên.